'Đánh thức' nhiệm vụ đào tạo nhân lực điện hạt nhân ở các trường đại học

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tái khởi động lại, đồng nghĩa với việc các trường đại học (ĐH) chính thức 'đánh thức' nhiệm vụ đào tạo nhân lực phục vụ dự án đã để 'ngủ' một thời gian.

Thiếu nhân lực

Trước khi triển khai Đề án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (2010), Theo khảo sát của Bộ GD&ĐT, năm 2008 cả nước có 505 cán bộ khoa học và công nghệ hạt nhân, làm chủ yếu trong 10 cơ quan như: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN), ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH Điện lực, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội và TPHCM)...

Trong số 505 cán bộ này, chỉ có 62 tiến sĩ, độ tuổi trung bình là 50. Trong số 12 GS, PGS ngành này, có tới 4 người tuổi 60 - 62, số còn lại cũng ở độ tuổi 50-55. Và 5 trường ĐH đào tạo về điện hạt nhân, hiện, chỉ có 3 PGS. TS, 9 tiến sĩ, 21 thạc sĩ, 15 kĩ sư, cử nhân. Như vậy đội ngũ cán bộ này tính đến thời điểm hiện tại đã nghỉ hưu hoặc sắp đến tuổi nghỉ hưu.

Sinh viên Trường Điện – Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội

Sinh viên Trường Điện – Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội

Năm 2010, Việt Nam triển khai Đề án 1558 của Chính phủ về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, với tổng kinh phí dự kiến 3.000 tỷ đồng. Việt Nam đã gửi cán bộ đi đào tạo và thực hiện đúng theo Đề án do Bộ GD&ĐT chủ trì. Theo thông tin thống kê, đến năm 2017 (trước khi dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận theo Nghị quyết số 31/2016/NQ-QH của Quốc hội), Bộ GD&ĐT đã cử tổng cộng 429 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân tại các trường ĐH của Liên bang Nga, trong đó có 80 sinh viên là người Ninh Thuận; EVN đã cử tổng cộng 31 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân, cử đi đào tạo lớp cán bộ khung gồm 24 kĩ sư tại Nhật Bản, đã làm việc với ROSATOM (Tập đoàn Năng lượng hạt nhân của Liên bang Nga) để xây dựng kế hoạch đào tạo chi tiết cho Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Hai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận khi triển khai, nhu cầu cần khoảng 2.400 người. Ngoài ra, còn các nguồn nhân lực hỗ trợ khác, ví dụ như cần có chuyên gia liên quan đến các chuyên ngành về luật và các chuyên gia nghiên cứu phát triển, chuyên gia phục vụ công tác nghiên cứu quản lí...

Nhưng sau khoảng thời gian rất nhiều năm mới khởi động lại, nên Việt Nam phải có một chương trình tổng thể hơn, không phải chỉ tập trung vào 2 nhà máy này, mà còn thực hiện chương trình phát triển điện hạt nhân với nhiều nhà máy hơn.

Nguồn nhân lực phải chia làm 3 nhóm: Nhóm phụ trách liên quan đến quản lí nhà nước; nhóm liên quan nghiên cứu khoa học; nhóm liên quan đến vận hành trực tiếp nhà máy. Việt Nam cũng cần tính đến nguồn từ các chuyên gia, kể cả trong nước, nước ngoài, để không chỉ phục vụ nhà máy điện hạt nhân mà còn phục vụ cho các dự án năng lượng tái tạo.

Đánh thức ngành đào tạo đang “ngủ”

Việc chuẩn bị kỹ càng nguồn lực, hệ thống hạ tầng, pháp lý quyết định sự thành công dự án điện hạt nhân. Ảnh: AFP

Việc chuẩn bị kỹ càng nguồn lực, hệ thống hạ tầng, pháp lý quyết định sự thành công dự án điện hạt nhân. Ảnh: AFP

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, ĐH đang đào tạo ngành kĩ thuật hạt nhân để phục vụ y học. Đến thời điểm hiện tại, ĐH Bách khoa Hà Nội chưa nhận được đề nghị/đề xuất về đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Ông Điền phân tích, nhân lực phục vụ nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là một hệ sinh thái gồm nhiều ngành từ kĩ thuật cơ khí, vận hành lò, hạt nhân. Trong đó, đội ngũ kĩ sư vận hành lò nhiều hơn đội ngũ kĩ sư chuyên về hạt nhân. Ông Điền chia sẻ, năm 2010, Chính phủ đã có đề án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. ĐH Bách khoa Hà Nội được chọn là một trong 6 cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ dự án này. Dự án dừng, các hoạt động đào tạo điện hạt nhân cũng dừng, chỉ ngành kĩ thuật hạt nhân vẫn tuyển sinh, đào tạo hằng năm 60 chỉ tiêu để phục vụ hạt nhân trong y học. Tuy nhiên, để vận hành nhà máy điện hạt nhân cần rất nhiều ngành liên quan như vật liệu, kĩ thuật cơ khí… Các ngành này vẫn đang đào tạo để phục vụ các ngành công nghiệp của đất nước.

Theo ông Điền, hiện cả nước chỉ có 2 cơ sở giáo dục ĐH có lò phản ứng hạt nhân thí nghiệm là ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Đà Lạt. Nhưng công nghệ đã cũ, không còn phù hợp với yêu cầu của công nghệ mới.

Trường ĐH Điện lực cũng là một trong số những trường ĐH được giao đào tạo nhân lực phục vụ đề án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2010. Phòng thí nghiệm vật lí hạt nhân của trường có 75 nguồn phóng xạ. 9 năm qua, phòng thí nghiệm này đóng kín vì dừng tuyển sinh điện hạt nhân khi Chính phủ thôi dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Năm 2024, Chính phủ khởi động lại nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. TS Nguyễn Đăng Toản, Trưởng khoa Năng lượng mới, Trường ĐH Điện lực cho hay, nhà trường bắt đầu rà soát, cập nhật lại chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu nhân lực. Đồng thời, nhà trường vẫn duy trì hoạt động hợp tác đào tạo với trường ĐH của Nhật Bản như cử giảng viên, sinh viên đi trao đổi. Năm học 2025 - 2026, Trường ĐH Điện lực dự kiến tuyển sinh trở lại 50 - 100 chỉ tiêu ngành Điện hạt nhân.

Theo báo cáo của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) và một số tập đoàn, cơ quan trong lĩnh vực điện hạt nhân, nếu Việt Nam dự kiến có 2 tổ máy công suất 2x1000 MW, cần 600 - 1.200 người có trình độ trung cấp, ĐH thuộc các chuyên ngành khác nhau. Chúng ta cần từ 5-10 năm để đào tạo.

Ngoài ra, còn rất nhiều người liên quan đến lĩnh vực chuyên sâu của ngành an toàn hạt nhân như: kiểm soát an toàn bức xạ, quản lí dự án và lãnh đạo nhà máy, vận hành, điều hành các lò bảo trì, hỗ trợ các dịch vụ khác.

Như vậy, hai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận khi triển khai, nhu cầu cần khoảng 2.400 người. Ngoài ra, còn các nguồn nhân lực hỗ trợ khác, ví dụ như cần có chuyên gia liên quan đến các chuyên ngành về luật và các chuyên gia nghiên cứu phát triển, chuyên gia phục vụ công tác nghiên cứu quản lí...

Số lượng nhân lực này chưa tính đến nhân lực phục vụ công tác quản lí nhà nước tại các viện nghiên cứu, đội ngũ giảng viên trong cơ sở giáo dục, nếu tính bình quân 12 nhân lực trong ngành điện hạt nhân cần 1 nghiên cứu viên và 20 sinh viên cần 1 giảng viên, nhu cầu nhân lực cho nhóm này thêm khoảng 250 người.

Chuẩn bị

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, các trường đào tạo đầy đủ các ngành, nhưng cần đào tạo chuyên sâu, nâng cao ở nước ngoài, cũng như đào tạo thích ứng với công nghệ cụ thể. Nhu cầu nhân lực phải do Bộ Công Thương xác định.

Bộ GD&ĐT đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045. Theo Vụ giáo dục ĐH, ngành công nghệ cao nào cũng cần nền chung. Do đó, Đề án tập trung tăng nhanh quy mô đào tạo trình độ cao khối ngành STEM (Khoa học, kĩ thuật, công nghệ và Toán), nhất là các ngành khoa học cơ bản. Khi ngành công nghệ cao cần nhân lực, chỉ đào tạo chuyên sâu thêm 6 tháng đến 1 năm. “Bộ không tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao một ngành công nghệ nào cụ thể nhưng khi cần, nhân lực chỉ cần đào tạo bổ sung là đáp ứng nhu cầu”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT nói.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/danh-thuc-nhiem-vu-dao-tao-nhan-luc-dien-hat-nhan-o-cac-truong-dai-hoc-post1711053.tpo