Việt Nam đủ năng lực chinh phục mục tiêu tại Nghị quyết 57

Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) được ví như quốc sách đột phá để Việt Nam bứt phá về khoa học và công nghệ, tiến vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong cuộc cách mạng mang tính thời đại, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ khẳng định quyết tâm làm chủ những đột phá mới mà còn chứng minh năng lực đưa thương hiệu công nghệ Việt vươn tầm quốc tế...

Đại diện Tập đoàn công nghệ CMC chia sẻ định hướng phát triển của Tập đoàn trước những mục tiêu về đột phá khoa học công nghệ của Viêt Nam trong Nghị quyết 57.

Đại diện Tập đoàn công nghệ CMC chia sẻ định hướng phát triển của Tập đoàn trước những mục tiêu về đột phá khoa học công nghệ của Viêt Nam trong Nghị quyết 57.

Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Kinh tế Việt Nam / VnEconomy, ông Đặng Văn Tú, Giám đốc Công nghệ (CTO) Tập đoàn công nghệ CMC - một trong những đầu tàu công nghệ của Việt Nam, cho rằng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 57 là đến năm 2030, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về phát triển công nghệ, thể hiện tham vọng lớn của đất nước và hoàn toàn khả thi.

5 NĂM TỚI, VIỆT NAM SẼ BƯỚC LÊN VỊ TRÍ MỚI TRONG BẢN ĐỒ CÔNG NGHỆ KHU VỰC

Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về phát triển công nghệ. Dưới góc độ của một doanh nghiệp trong ngành, ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này?

Đây là mục tiêu tham vọng nhưng khả thi để Việt Nam có thêm động lực phát triển năng lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, chúng ta cần có những mục tiêu lớn như thế. Với kinh nghiệm làm việc tại nhiều thị trường nước ngoài, trong đó có Đông Nam Á, tôi cho rằng Việt Nam có đủ tiềm năng và cơ sở để đạt mục tiêu này.

Ông Đặng Văn Tú, Giám đốc Công nghệ (CTO) Tập đoàn công nghệ CMC

"Một trong những mục tiêu của Nghị quyết 57 là phát triển hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, đến năm 2030 Việt Nam từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược. Rất tình cờ là cùng thời gian này, Tập đoàn CMC cũng đang hoàn thiện chiến lược 5 năm, tập trung chính vào chiến lược chuyển đổi AI, tăng quy mô nhân sự lên hơn 10.000 nhân sự chất lượng cao, với hướng nhiệm vụ phát triển lớn hơn nữa thị trường quốc tế".

Với kinh nghiệm “thực chiến” tại nhiều thị trường, ông đánh giá Việt Nam đang nằm ở vị trí nào trong khu vực Đông Nam Á về năng lực công nghệ?

Đánh giá năng lực công nghệ của một quốc gia cần dựa trên các yếu tố khách quan như quy mô thị trường, đóng góp vào GDP, đổi mới sáng tạo và sự phát triển của hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam có lẽ đang nằm ở nhóm giữa của khu vực Đông Nam Á, khoảng vị trí thứ năm hoặc thứ sáu.

Nếu xét trên quy mô ngành công nghệ thông tin, doanh thu của ngành trong những năm gần đây đều đạt trên 100 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn. Tôi đánh giá đây là con số ấn tượng. Tuy nhiên, nếu so với Singapore, nơi công nghệ thông tin đóng vai trò như xương sống của nền kinh tế, Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn.

Về đổi mới sáng tạo, thứ hạng của Việt Nam dù đã cải thiện trong bảng xếp hạng quốc tế, nhưng trong khu vực, chúng ta vẫn xếp sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Do đó Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như khuyến khích sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ.

Mặc dù Việt Nam vẫn xếp sau nhiều nước trong khu vực như dẫn chứng trên, trong khi đó mục tiêu mà Nghị quyết 57 đặt ra khá cao, vậy ông kỳ vọng như thế nào về việc thay đổi thứ hạng cũng như mục tiêu “vào nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về phát triển công nghệ” của Việt Nam năm 2030?

Tôi tin đây là một mục tiêu khả thi. Một trong những động lực lớn nhất hiện tại của Việt Nam chính là nguồn nhân lực dồi dào. Với kinh nghiệm từng làm việc tại các thị trường Đông Nam Á, tôi nhận thấy rằng nhiều quốc gia tưởng chừng phát triển hơn Việt Nam lại đang gặp phải không ít thách thức với vấn đề này.

Muốn phát triển bất kỳ lĩnh vực nào, nguồn lực là yếu tố cốt lõi. Thế nhưng, một nền kinh tế cực kỳ phát triển như Singapore lại đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực rõ rệt. Rất nhiều công ty Singapore đã sang Việt Nam đặt vấn đề hợp tác nhân lực.

Tất nhiên, nhân lực Việt Nam cũng có những hạn chế, chẳng hạn như khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh chưa thể bằng Singapore hay Philippines, tuy nhiên điểm yếu cũng được chúng ta từng bước khắc phục.

Động lực thứ hai của Việt Nam đến từ việc Chính phủ đang rất quyết tâm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, điển hình qua các chính sách nổi bật như Nghị quyết 57. Nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ đã được triển khai trong thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp nhắm đến thị trường quốc tế, sự hỗ trợ và đồng hành từ Chính phủ là yếu tố vô cùng quan trọng.

Nghị quyết 57 đề ra là đến năm 2030, Việt Nam cần lọt vào nhóm các nước dẫn đầu về lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà “Việt Nam có lợi thế”. Vậy theo ông, đâu là những lĩnh vực chúng ta đang có lợi thế?

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chủ yếu tập trung vào các nhóm công nghệ như là AI, Big Data, Blockchain, 5G, IoT, Robotics… Ở mỗi lĩnh vực, Việt Nam đều đang có những lợi thế nhất định.

Về trí tuệ nhân tạo (AI), AI là lĩnh vực tiềm năng số một trong việc thúc đẩy toàn bộ vị thế khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Nếu nhìn lại hai thập kỷ qua, hiếm có làn sóng công nghệ nào mà Việt Nam thu hút sự chú ý lớn như AI ở thời điểm hiện tại. Việt Nam đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ AI toàn cầu với nhiều lý do.

Cụ thể, rất nhiều chuyên gia người Việt đã tham gia vào các dự án AI lớn trên thế giới. Ví dụ như TS. Lê Viết Quốc là đồng sáng lập (co-founder) của Google Brain, người đứng sau năng lực AI của các công cụ chúng ta dùng hàng ngày như Google Search, Google Translate. Anh Thắng Lương là một nhà nghiên cứu AI cũng đang làm việc tại Google. Anh Thắng Lương chính là thành viên của một nhóm rất nhỏ được nhà đồng sáng lập Google tập hợp để xây dựng Bard, công cụ AI được coi là câu trả lời của Google với ChatGPT.

Bên cạnh đó, có rất nhiều giáo sư, chuyên gia, nhà nghiên cứu người Việt cũng đã được công nhận trong ngành AI toàn cầu.

Một nhân vật khác tôi cũng muốn nhắc đến là chị Huyền Chip. Chị từng nổi tiếng với câu chuyện du lịch bụi và là tác giả của loạt sách “xách ba lô lên và đi”, nhưng hiện tại thì nổi tiếng hơn với vai trò giảng viên AI tại Đại học Stanford. Hai cuốn sách về AI gần đây của chị là bản sách “AI Design” và “AI Engineering” gây được tiếng vang rất lớn trong cộng đồng AI toàn cầu.

Việt Nam cũng có nhiều startup AI thành công, một số được mua lại với mức định giá rất tốt. Qua đó tôi tin là năng lực và tiềm năng của người Việt trong lĩnh vực AI là rất lớn.

Về công nghệ bán dẫn, gần đây có hàng loạt các quyết định đầu tư lớn từ những hãng công nghệ hàng đầu thế giới vào Việt Nam, đặc biệt là Nvidia trong quyết tâm xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển và “ngôi nhà thứ hai” của họ được chọn đặt tại Việt Nam chứ không phải bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác.

Đối với mạng 5G, IoT, chúng ta là quốc gia thứ 6 trên thế giới có năng lực sản xuất thiết bị mạng cho 5G, đây là một thành tích rất nổi bật. 5G chính là nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển IoT và các công nghệ khác như AR, VR.

Về Blockchain, chúng ta có những bước tiến quan trọng đã được đánh dấu khi Chính phủ ban hành Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ Blockchain đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây được xem là cột mốc mở ra cơ hội để Việt Nam vươn lên trong lĩnh vực này.

SẴN SÀNG BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG THỊ TRƯỜNG KHÓ NHẤT

Trong Nghị quyết 57, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có tối thiểu 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Ông nghĩ sao về mục tiêu này đối với CMC?

Đối với riêng CMC, đây là mục tiêu nhất định phải đạt được. Hiện nay CMC đang là một trong những doanh nghiệp đi đầu về công nghệ thông tin tại Việt Nam, với trên 5.000 nhân viên đang phục vụ thị trường Việt Nam cũng như đối tác và khách hàng trên 30 nước ở khắp các châu lục.

Năng lực công nghệ của CMC rất toàn diện từ năng lực hạ tầng công nghệ, đến điện toán đám mây, năng lực về dữ liệu lớn, AI, các giải pháp số hóa, chuyển đổi số tới an toàn bảo mật thông tin. Sản phẩm công nghệ của tập đoàn cũng được khách hàng đối tác quốc tế đánh giá cao. Chẳng hạn như tháng 4/2024, một sản phẩm công nghệ của chúng tôi đã được NIST của Mỹ xếp hạng thứ 12 trên thế giới.

Thực tế, những doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường hiện tại thì mới có tiềm năng cạnh tranh quốc tế cao. Quan trọng hơn, Ban lãnh đạo CMC có tham vọng đưa CMC trở thành một tập đoàn toàn cầu, đạt tiêu chuẩn ngang tầm các quốc gia tiên tiến. Bởi vậy, đây là đích đến CMC nhất định sẽ phải thực hiện.

Chúng tôi chinh phục các thị trường khó tính nhất trước, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc để mở rộng sang các thị trường dễ tiếp cận hơn. Năm 2025 này, mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là sẽ mở rộng sang Mỹ.

Một trong những mục tiêu của Nghị quyết 57 là phát triển hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, đến năm 2030 Việt Nam từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược. Rất tình cờ là cùng thời gian này, Tập đoàn CMC cũng đang hoàn thiện chiến lược 5 năm, tập trung chính vào chiến lược chuyển đổi AI, tăng quy mô nhân sự lên hơn 10.000 nhân sự chất lượng cao, với hướng nhiệm vụ phát triển lớn hơn nữa thị trường quốc tế.

Vậy, các doanh nghiệp cùng ngành thì sao, ông đánh giá như thế nào về năng lực của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam và môi trường hiện nay để các doanh nghiệp phát triển?...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 3-20245 phát hành ngày 20/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ngô Huyền

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/viet-nam-du-nang-luc-chinh-phuc-muc-tieu-tai-nghi-quyet-57.htm