Thủ đoạn lừa đảo nhập sai mật khẩu ngân hàng gây hoang mang, hiểu sao cho đúng?
Không phải số tài khoản ngân hàng nào cũng sẽ bị đối tượng xấu sử dụng để khóa tài khoản đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng. Ngoài ra, quy định của ngân hàng tuyệt đối không cho phép tiết lộ thông tin liên hệ của khách hàng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Những ngày qua, tin đồn về chiêu trò lừa đảo nhập sai mật khẩu ngân hàng đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, khiến nhiều người dân vô cùng lo lắng và hoang mang. Các đối tượng tội phạm sẽ tìm cách có được số tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Sau đó, chúng cố tình nhập sai mật khẩu nhiều lần để tài khoản bị khóa.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao - Công an TP.HCM, hiện nay, tình trạng lừa đảo trực tuyến đang ngày càng gia tăng và không có dấu hiệu ngừng lại, các đối tượng xấu tận dụng khai thác mọi sơ hở của người dân hòng lừa đảo hoặc chiếm đoạt tài sản của người dân.
Để phòng ngừa giảm thiểu những nguy cơ bị chiếm đoạt tài sản của người dân thì việc tuyên truyền để người dân cảnh giác về các thủ đoạn của đối tượng xấu là điều cần thiết, tuy nhiên thông tin tuyên truyền cần phải chính xác và đầy đủ tránh gây tâm lý hoang mang cho người dân cũng như nguy cơ gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các ngân hàng.
Qua phân tích, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao - Công an TP.HCM nhận định trường hợp trên chỉ xảy ra khi hội đủ 2 yếu tố sau:
Thứ nhất, ứng dụng của ngân hàng cho phép đăng nhập bằng cách nhập số tài khoản ngân hàng, tuy nhiên hiện nay chỉ còn số ít ngân hàng cho phép đăng nhập bằng cách này.
Thứ hai, số tài khoản ngân hàng phải do khách hàng đăng ký trùng với số điện thoại đang sử dụng của khách hàng (đây là một dịch vụ chọn số tài khoản được nhiều ngân hàng cung cấp thời gian gần đây).
Như vậy có thể thấy không phải số tài khoản ngân hàng nào cũng sẽ bị đối tượng xấu sử dụng để khóa tài khoản đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng; ngoài ra, quy định của ngân hàng tuyệt đối không cho phép tiết lộ thông tin liên hệ của khách hàng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào (trừ các trường hợp được quy định của Pháp luật Việt Nam); do đó, người dân có thể yên tâm, không hoang mang lo sợ bị mất tài sản nếu ngân hàng và số tài khoản của mình không thuộc 2 yếu tố nêu trên.
Mặt khác, nếu bị khóa tài khoản thì chủ tài khoản phải đến phòng giao dịch để mở lại tài khoản theo quy định bảo mật của ngân hàng. Nên thông tin về thủ đoạn bị khóa tài khoản do đối tượng nhập sai mật khẩu và bị lừa mất tiền trên chính tài khoản bị khóa về cơ bản chưa phù hợp.
Để phòng tránh nguy cơ bị chiếm đoạt tài sản, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao - Công an TP.HCM khuyến cáo người dân như sau:
1. Tuyệt đối không làm theo, không nhấp vào các đường dẫn mà người lạ cung cấp. Không cài đặt các ứng dụng (app) không rõ nguồn gốc.
2. Không cung cấp thông tin về số thẻ Căn cước công dân cũng như mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.
3. Công an tuyệt đối không hướng dẫn người dân qua điện thoại để thực hiện các thao tác liên quan việc xác minh tài khoản ngân hàng hoặc phong tỏa tài khoản hoặc thực hiện chuyển tiền.