Đánh thức tiềm năng du lịch Gia Viễn

Những nhũ đá lung linh trong 'Nam thiên đệ tam động', phong cảnh non xanh thủy tú ở Vân Long, cảnh chùa an yên trong tiếng nhạc thiền ở Bái Đính… Tất cả đã tạo nên một bức tranh du lịch độc đáo, hấp dẫn của vùng quê Gia Viễn. Tuy nhiên, dù sở hữu thế mạnh du lịch rất lớn, song huyện Gia Viễn vẫn cần những bước đột phá để đánh thức tiềm năng của 'ngành công nghiệp không khói'.

Huyện Gia Viễn tổ chức chương trình khảo sát tour, tuyến du lịch tại đền Thánh Nguyễn. Ảnh: Anh Tuấn

Huyện Gia Viễn tổ chức chương trình khảo sát tour, tuyến du lịch tại đền Thánh Nguyễn. Ảnh: Anh Tuấn

Trước kia, nói tới huyện Gia Viễn là người ta thường nhớ tới vùng quê chiêm trũng, "chiêm khê mùa thối", nửa năm ngập lụt, nửa năm hạn hán; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng trải qua mấy chục năm xây dựng, cải tạo, cùng sự đồng lòng đoàn kết của nhân dân, giờ đây bộ mặt nông thôn Gia Viễn ngày càng đổi mới, trở thành một vùng quê phát triển năng động và là một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Trên địa bàn huyện có 2 khu du lịch trọng điểm là Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính ở xã Gia Sinh và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long ở xã Gia Vân. Bên cạnh đó, nơi đây còn có nhiều khu du lịch đang được đầu tư nâng cấp nhằm thu hút khách du lịch như: suối khoáng nóng Kênh Gà ở Gia Thịnh, đền Thánh Nguyễn tại Gia Thắng, chùa Địch Lộng ở Gia Thanh…

Đồng chí Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Với mục đích xây dựng ngành Du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Gia Viễn đã có nhiều nỗ lực nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2010, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 07 về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. UBND huyện đã xây dựng cơ chế thu hút nhằm huy động tối đa các nguồn vốn, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, đầu tư sản xuất các mặt hàng lưu niệm như sản xuất tranh, ảnh lá bồ đề tại xóm 3, xã Gia Sinh; sản xuất các sản phẩm thảo dược của làng nghề Sinh Dược tại xóm 4, xã Gia Sinh; sản xuất nón lá xã Gia Vượng; nghề thêu ren tại Gia Thanh; sản xuất mắm tép tại thị trấn Me, xã Gia Thịnh, Gia Trung… để phục vụ du khách.

Công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh du lịch tại các điểm du lịch được quan tâm. Làm tốt công tác xử lý nước thải, rác thải trên mặt đất, mặt nước trên các tuyến sông. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch… từng bước đưa hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân vào trật tự, tạo môi trường kinh doanh ổn định.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác bảo vệ, quản lý các di tích lịch sử trên địa bàn; đẩy mạnh các loại hình du lịch cộng đồng nhằm khai thác tối đa lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý của huyện Gia Viễn. Ngoài ra, công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng; xúc tiến quảng bá du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả.

Năm 2021, do dịch COVID-19 nên các hoạt động kinh doanh du lịch phải tạm dừng hoạt động dẫn đến lượng khách giảm mạnh, toàn huyện đón 358.568 lượt khách, doanh thu đạt gần 4.900 triệu đồng. Năm 2022, UBND huyện đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, dịch vụ, tạo cơ chế nhằm thúc đẩy khả năng phục hồi du lịch trên địa bàn huyện. Trong năm 2022, toàn huyện ước đón 1.394.600 lượt khách, doanh thu ước đạt 5.280 triệu đồng.

Mặc dù được thiên nhiên ưu ái nhiều danh thắng đẹp với hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú nhưng du lịch Gia Viễn được đánh giá là chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của vùng. Các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách. Hoạt động xúc tiến, liên doanh, liên kết, giới thiệu và thu hút đầu tư phát triển du lịch chưa hiệu quả… Địa phương dù sở hữu hệ thống di tích lịch sử phong phú với 13 di tích cấp quốc gia, 40 di tích lịch sử cấp tỉnh nhưng việc phát triển du lịch trên nền tảng hệ thống này chưa được chú trọng, thiếu tính liên kết.

Với mục đích làm đa dạng các sản phẩm du lịch của địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương đến đông đảo bạn bè trong và ngoài nước, vừa qua UBND huyện Gia Viễn đã tổ chức khảo sát tuyến, tour du lịch trải nghiệm mới mang tên "Tìm về cội nguồn". Tour du lịch này đi qua 7 điểm di tích của triều đại vua Đinh và đền Đức Thánh Nguyễn trên địa bàn huyện.

Ông Nguyền Hồng Đài, Tổng Giám đốc Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành APT Travel, Chủ tịch Hiệp hội CLB Du lịch Hà Nội nhận xét: Qua hoạt động khảo sát, chúng tôi đánh giá rất cao tiềm năng của tour du lịch mới này. Bởi đây là một sản phẩm du lịch mang tính giáo dục, liên kết. Du khách khi đến với Ninh Bình nói chung và Gia Viễn nói riêng ngoài mong muốn được thưởng lãm cảnh đẹp quê hương còn muốn được tìm hiểu kỹ hơn về các giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của ông cha. Ở đây, đã có hạ tầng (hệ thống di tích lịch sử, giao thông) đầy đủ, đã có câu chuyện văn hóa.

Bài toán đặt ra là làm thế nào để kết nối các câu chuyện đưa "con đường du lịch" này hấp dẫn và níu chân du khách. Đây là một sản phẩm du lịch mang tính trừu tượng và hướng tới đối tượng du khách có tầm nhận thức, hiểu biết, vì vậy huyện Gia Viễn cần bổ sung thêm cảnh quan dọc hành trình. Từ việc thiết kế hai bên đường ra sao, trồng cây gì, thiết kế cảnh quan của các hộ dân xung quanh sao cho hài hòa tổng thể với khu, điểm du lịch, xây dựng và hoàn thiện các câu chuyện văn hóa tại mỗi điểm…

Tất cả đều phải nghiên cứu và có sự đầu tư đồng bộ. Khi đã xây dựng được sản phẩm du lịch rồi, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch. Ngoài truyền thông trên các nền tảng Internet cần thường xuyên tổ chức các đoàn khảo sát có sự tham gia của các công ty lữ hành, những người làm du lịch… để họ đưa khách du lịch về tham quan, tìm hiểu. Bên cạnh đó, cần phát triển và nhân rộng các mô hình trải nghiệm tại nhà dân, để du khách có cơ hội tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng địa phương. Khi đến đây, du khách có thể tham gia trải nghiệm các làng nghề truyền thống của địa phương như: thêu ren, làm mắm tép, làm xà bông, làm nón...

Muốn vậy, ngay từ lúc này, địa phương cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân trong vùng để mỗi người thêm yêu, trân trọng các giá trị văn hóa của quê hương. Từ đó có ý thức chung tay phát triển du lịch tại địa phương. Ngoài ra, cần nghiên cứu các chương trình hỗ trợ, tư vấn người dân bài trí cảnh quan, môi trường phù hợp xung quanh các điểm du lịch...

Minh Hải

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-gia-vien/d20230111062752667.htm