Đánh thức tiềm năng giá trị văn hóa, lịch sử

Chạy dọc theo chiều dài lịch sử của dân tộc, ngành Du lịch Tiền Giang cũng trải qua nhiều bước thăng trầm và gặt hái được nhiều thành công, đang hướng đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.Ngành Du lịch đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để khai thác tối đa các tiềm năng hiện có, phát huy tốt hơn các giá trị văn hóa, lịch sử của Tiền Giang.NHIỀU LỢI THẾ

Tiền Giang có vị trí thuận lợi để phát triển du lịch, với trục giao thông đường thủy, sông Tiền chạy dọc theo chiều dài của tỉnh, đi Biển Hồ (Campuchia), đi các cảng trong nước và thế giới bởi có 3 cửa sông, đặc biệt là Cửa Tiểu. Đồng thời, Tiền Giang cũng có các trục giao thông đường bộ quan trọng kết nối từ TP. Hồ Chí Minh đi miền Tây.

Lượng khách quốc tế đến Tiền Giang tăng nhanh trong những năm gần đây.

Lượng khách quốc tế đến Tiền Giang tăng nhanh trong những năm gần đây.

Với cảnh quan địa lý đa dạng và đặc trưng của một vùng châu thổ mới hình thành, với nhiều di tích lịch sử quan trọng của đất nước, nhiều kiến trúc nghệ thuật có giá trị, nhiều làng nghề nổi tiếng, nhiều đặc sản có tiếng trong vùng và cả nước, với thời tiết ôn hòa của vùng nhiệt đới, với con người hiền hòa, mến khách, Tiền Giang là vùng đất đầy tiềm năng du lịch nhân văn, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa đối với du khách trong và ngoài nước.

Nhìn từ thực tiễn mới thấy, chạy theo chiều dài lịch sử của đất nước, cư dân Tiền Giang cũng đã tạo nên những công trình kiến trúc độc đáo, như: Đình, chùa, đền, nhà truyền thống, lăng mộ… Nhiều ngôi đình đẹp nổi tiếng như: Đình Điều Hòa (TP. Mỹ Tho), đình Trung (TP. Gò Công), đình Đồng Thạnh (huyện Gò Công Tây), đình Long Trung (huyện Cai Lậy)…

Tại các đình này đều có lễ hội hoặc các lệ cúng đình tạo được sức hút đối với cư dân trong vùng và du khách muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống. Chưa kể, nhiều ngôi chùa cổ kính, tráng lệ bởi kiến trúc độc đáo của Phật giáo, như chùa Vĩnh Tràng, chùa Bửu Lâm (TP. Mỹ Tho), chùa Sắc Tứ Linh Thứu (huyện Châu Thành), các chùa của người Hoa tại Gò Công và TP. Mỹ Tho đã thu hút được nhiều du khách đến viếng hoặc hành lễ.

Ngoài ra, Tiền Giang có hàng trăm nhà cổ với kiến trúc nhà Nam bộ thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã làm cho Tiền Giang trở thành một vùng cổ tích. Bởi trong mỗi kiến trúc cổ đều chứa đựng những nội dung văn hóa và lịch sử.

Với lịch sử hàng trăm năm người Việt đến khai phá và định cư trên vùng đất giàu tiềm năng này, cùng với những biến cố và thăng trầm của lịch sử, người Tiền Giang cũng đã để lại cho đời sau những trang sử rất đáng tự hào. Nơi đây đã diễn ra những sự kiện có tiếng vang trong nước và thế giới. Mỗi sự kiện đều gắn với tên đất, tên người.

Giờ đây, nơi diễn ra các sự kiện lịch sử không những thành địa danh đáng nhớ, mà còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn, như các di tích: Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (xã Kim Sơn, huyện Châu Thành), Đám lá tối trời (xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông), Lũy Pháo Đài (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông), Lăng Hoàng Gia (TP. Gò Công), di chỉ khảo cổ Gò Thành (xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo)…

Sức hấp dẫn du lịch của Tiền Giang còn ở những vườn cây ăn trái, chủ yếu tập trung ở các huyện Cai Lậy, Cái Bè… Chính vì thế, tiềm năng du lịch của Tiền Giang rất lớn, ngành Du lịch cũng đã có quy hoạch tổng thể để phát triển cho từng giai đoạn.

MỞ RỘNG KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN

Nhìn vào thực tiễn mới thấy, sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, mặc dù tỉnh Tiền Giang chưa thành lập cơ quan hoạt động về du lịch nhưng những hoạt động có tính chất du lịch tự phát vẫn diễn ra do nhu cầu thăm viếng, tham quan, giải trí, tìm hiểu cảnh vật và con người.

Khách du lịch quốc tế tham quan nhà Đốc Phủ Hải (TP. Gò Công).

Khách du lịch quốc tế tham quan nhà Đốc Phủ Hải (TP. Gò Công).

Chẳng hạn, trong giai đoạn này, các tổ chức phi chính phủ, các đoàn khách quốc tế, đặc biệt là các đoàn khách đến từ Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Tiệp Khắc, Cuba, Rumani, Lào… đều đến Tiền Giang làm việc và tham quan Trại rắn Đồng Tâm, Nông trường khóm Tân Lập, Lăng mộ Trương Định, Di tích Ấp Bắc.

Chưa kể, các đoàn nghệ thuật từ các nước cộng hòa trong Liên bang Xô viết, từ nhiều thành phố của các nước xã hội chủ nghĩa đến biểu diễn, giao lưu và tham quan các di tích. Ngoài ra, các đoàn khách từ nhiều tỉnh trong nước cũng đến tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, chủ yếu đến Hợp tác xã Bình Tây (huyện Gò Công Tây), Hợp tác xã Tân Hội (huyện Cai Lậy)…

Một trong những điểm nhấn của ngành Du lịch là vào năm 1982, UBND tỉnh quyết định thành lập Công ty Du lịch Tiền Giang, nhưng với quy mô hoạt động còn nhỏ, chỉ tiếp khách du lịch đến từ các nước xã hội chủ nghĩa; trong đó, riêng khách đến từ Liên Xô chiếm khoảng 40%.

Con số thống kê cho thấy, từ năm 1982 đến năm 1985, lượng khách nước ngoài đến Tiền Giang bình quân mỗi năm chỉ khoảng 3.000 khách nhưng khách lưu trú lại đêm rất ít, với các điểm du lịch được khai thác như Trại rắn Đồng Tâm, Nông trường khóm Tân Lập, chùa Vĩnh Tràng…

Trải qua nhiều bước thăng trầm, đến năm 1991, lượng khách quốc tế đến Tiền Giang tăng vọt, với hơn 12.300 lượt khách. Lượng khách đến Tiền Giang chủ yếu từ các công ty du lịch ở TP. Hồ Chí Minh đưa đến theo chương trình đã hợp đồng, chủ yếu không lưu lại qua đêm. Tuy nhiên, đến năm 2000, lượng khách quốc tế đến Tiền Giang tăng nhanh, đạt hơn 143.600 khách. Và cứ thế, ngành Du lịch Tiền Giang tiếp tục gặt hái những thành công cho đến ngày hôm nay.

Những năm gần đây, tỉnh tập trung phát triển ngành Du lịch nhằm khai thác đúng tiềm năng, lợi thế hiện hữu để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt là sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 11 ngày 5-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, ngành Du lịch Tiền Giang đã gặt hái được rất nhiều thành công.

Cụ thể, đến cuối năm 2024, thông qua việc triển khai thực hiện các nội dung trong Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình liên kết phát triển du lịch cụm phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024; tham gia Ngày hội Du lịch
TP. Hồ Chí Minh lần thứ 20; Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi; Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ XI…; đồng thời, nhờ tác động tích cực của nhiều chính sách trong phục hồi du lịch, cùng với việc tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển ngành Du lịch kết hợp với việc tổ chức những hoạt động, sự kiện, chương trình tham quan, trải nghiệm thú vị, mới mẻ và hấp dẫn nhằm phục vụ du khách nên lượng khách du lịch đến Tiền Giang trong năm 2024 đạt trên 1,65 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế 550 ngàn lượt, tăng gần 18% so với cùng kỳ.

Ngành Du lịch Tiền Giang đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để phát triển du lịch. Trong đó, ngành Du lịch Tiền Giang chú trọng đến việc tăng cường kết nối và không gian phát triển du lịch; khai thác các phân khúc thị trường mới, mang lại hiệu quả cao hơn, có trách nhiệm và ý thức môi trường; phát triển sản phẩm đặc trưng, tạo khác biệt và hình thành thương hiệu địa phương của tỉnh Tiền Giang để cạnh tranh trên cơ sở khai thác các tiềm năng văn hóa lịch sử, tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch biển; phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện cơ bản cho thành công của các chiến lược kết nối, thị trường và sản phẩm; phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập...

Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện và mở thêm không gian phát triển du lịch, nhân sự kiện 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang lần thứ 2 năm 2025. Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh quảng bá, truyền thông về văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh đến du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước; đồng thời, hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2025; phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử tài nguyên thiên nhiên, làng nghề truyền thống của địa phương gắn với phát triển du lịch.

Lễ hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang lần thứ 2 năm 2025 có nhiều nội dung quan trọng như: Tổ chức không gian kết nối văn hóa - du lịch trong và ngoài tỉnh; không gian văn hóa ẩm thực đặc trưng của tỉnh Tiền Giang; giới thiệu tour du lịch đường sông... Đặc biệt, tỉnh Tiền Giang còn tổ chức Hội thảo “Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa với phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang.

A.P

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202504/huong-den-le-hoi-van-hoa-the-thao-va-du-lich-tinh-tien-giang-lan-thu-2-nam-2025-danh-thuc-tiem-nang-gia-tri-van-hoa-lich-su-1040992/