Đánh thức tiềm năng kinh tế qua cảng Cần Giờ

Năm 2022, UBND TP. Hồ Chí Minh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất đầu tư dự án cảng Cần Giờ do Tập đoàn MSC/TIL (tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới) cùng Tổng công ty hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) và Cảng Sài Gòn nghiên cứu.

Đến tháng 8/2023, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế, trung tâm trung chuyển cho các tàu mẹ (sức chở 10.000 - 24.000 TEU) đặt tại huyện đảo Cần Giờ đã được trình bày chi tiết trong tờ trình gửi Thủ tướng. Dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng phê duyệt gồm vốn đầu tư tối thiểu 50.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đảm bảo không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư dự án; thời hạn hoạt động không quá 50 năm; … hình thức lựa chọn nhà đầu tư do UBND TP. Hồ Chí Minh thực hiện theo quy định tại khoản 7, điều 7, Nghị quyết số 98/2023/QH15…

Đánh giá về tính khả thi của dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đủ căn cứ chính trị và pháp lý để xem xét quyết định chủ trương đầu tư cho dự án. Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã đưa Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào nhóm các dự án thực hiện lựa chọn nhà đầu tư chiến lược làm cơ sở thúc đẩy kinh tế và làm động lực phát triển cho TP. Hồ Chí Minh nói riêng, cũng như vùng Đông Nam bộ nói chung.

Dự án khi được triển khai thành công, sẽ bổ sung tiềm năng của hệ thống cảng biển hiện hữu; tương hỗ và khai thác tốt nhất tiềm năng của cụm cảng biển số 4 trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế; khẳng định vị thế và định vị quốc gia của Việt Nam trên bản đồ hàng hải quốc tế với vai trò trung tâm trung chuyển vận tải, logistics lớn của khu vực và thế giới. Ngoài ra, còn giúp Việt Nam trở thành khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế đối ngoại, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và có tính chất, ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế biển.

Mô hình cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Mô hình cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Về cơ hội để phát triển dự án này, TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, điều quan trọng hàng đầu trong vận tải hàng hải là hãng tàu. Cụm cảng Cần Giờ và Cái Mép - Thị Vải có được sự tham gia của 1 - 2 hãng tàu lớn nhất thế giới chính là sự cộng hưởng lợi ích lớn. Xu thế dịch chuyển đang tạo cho chúng ta nhiều cơ hội về nguồn hàng.

Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS) cũng nhận định việc xây dựng, vận hành cảng Cần Giờ trở thành "cảng xanh" đầu tiên tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế. Theo đó, có thể thành lập khu thương mại tự do gắn cảng biển Cần Giờ với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Cùng với xây dựng cảng trung chuyển quốc tế là phát triển mạnh các loại hình dịch vụ logistics đi kèm, từ đó đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của địa phương, tạo hiệu ứng tác động đến các ngành nghề khác cũng như thúc đẩy tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ.

Nói thêm về cơ hội phát triển trung tâm trung chuyển quốc tế, theo chuyên gia kinh tế, TS.Trần Du Lịch, cảng Cần Giờ không ảnh hưởng hoặc cạnh tranh với cảng Cái Mép - Thị Vải mà ngược lại, cả 2 sẽ tạo thành một hệ thống cảng biển bổ sung cho nhau, tạo hệ sinh thái chung để phát triển một trung tâm logistics cạnh tranh với các cảng khác trong khu vực.

Trong tháng 9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu xem xét bổ sung một số tiêu chí quan trọng để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho dự án "siêu cảng" quốc tế Cần Giờ. Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định, chỉ rõ các điều kiện, mục tiêu và yêu cầu về đầu tư, khai thác của Dự án bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, trong đó tập trung xác định các yếu tố cho giai đoạn 5 năm tới (đến năm 2030); việc đầu tư xây dựng bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ chỉ thực hiện khi đáp ứng yêu cầu vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bên cạnh đó, yêu cầu TP. Hồ Chí Minh căn cứ theo Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển, nghiên cứu xem xét bổ sung một số tiêu chí quan trọng khác để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; thu hút được hãng tàu có đội tàu chiếm tỷ trọng lớn trên thế giới; yêu cầu về quy mô đầu tư, vốn đầu tư xây dựng trong 5 năm (phải hoàn thành đầu tư 4 bến cảng với tổng vốn khoảng 1,5 tỷ USD); hợp tác với doanh nghiệp trong nước để đầu tư, khai thác cảng; thực hiện đúng cam kết thu hút được khối lượng hàng hóa quốc tế trung chuyển qua cảng...

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, định hướng đến 2030, thành phố sẽ tập trung triển khai dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong cụm cảng Cái Mép - Thị Vải - Cần Giờ; tiếp tục thực hiện di chuyển các cảng bên trong ra ngoài, gắn kết phát triển khu đô thị cảng Hiệp Phước và các cảng trên hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn.

“Thành phố không đánh đổi bằng mọi giá để làm dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, mà có sự cân nhắc hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường. Việc đánh thức "của để dành" Cần Giờ sẽ được thành phố thực hiện theo nguyên tắc khai thác tiềm năng nhưng vẫn bảo vệ tối đa "lá phổi" của mình, ông Mãi khẳng định.

Minh Lâm

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/danh-thuc-tiem-nang-kinh-te-qua-cang-can-gio-155784.html