'Đánh thức' tiềm năng kinh tế sáng tạo từ các di sản
Với bề dày hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam sở hữu hệ thống di tích, lễ hội, ẩm thực, nghệ thuật dân gian, làng nghề truyền thống phong phú. Văn hóa được coi là nền tảng và động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển văn hóa được đặt ngang hàng với các lĩnh vực khác. Đặc biệt, nguồn lực từ di sản đang từng bước được các tỉnh, thành phố đầu tư, khai thác nhằm thúc đẩy kinh tế sáng tạo.
Những “chuỗi” trải nghiệm văn hóa hấp dẫn
Trong những năm gần đây, hàng loạt các điểm đến hấp dẫn, trải nghiệm độc đáo của người dân được hình thành trên nền móng di sản văn hóa tại các tỉnh, thành phố. Các di sản kết nối với nhau tạo thành một chuỗi hành trình hấp dẫn cho người dân, khách du lịch ở mọi lứa tuổi.
Như thời gian qua, tại Hà Nội, trải nghiệm tour đêm được khách tham quan rất ưa chuộng. Có thể kể đến như di tích Nhà tù Hỏa Lò với 3 chương tour đêm mang tên “Đêm thiêng liêng” 1, 2, 3; Hoàng thành Thăng Long với tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; Văn Miếu - Quốc Tử Giám với tour “Tinh hoa đạo học”; di tích đền Ngọc Sơn với tour “Ngọc Sơn - Đêm huyền bí”... Những chương trình này mang đến cho khách tham quan một diện mạo mới hoàn toàn của khu di tích, tạo nên những trải nghiệm mới, những cảm xúc khác biệt so với các nội dung tham quan và khám phá ban ngày.
Còn ở Huế, sự kiện nổi bật tại Đại nội Huế trong năm 2024 phải kể đến là mở cửa, đón khách du lịch đến thăm Điện Kiến Trung (vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn) và Điện Thái Hòa (cuối tháng 11) sau nhiều năm đại trùng tu, sửa chữa. Tận dụng lợi thế về văn hóa ẩm thực, kiến trúc, lịch sử, Huế đã hình thành và khai thác bộ sản phẩm mang thương hiệu Huế: “Huế - Thành phố Lễ hội”, “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”; việc mở cửa tham quan Di tích Hải Vân Quan hay đưa vào vận hành Đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung”.
Nhờ những trải nghiệm văn hóa mới mẻ, xu hướng quay trở về với nét đẹp truyền thống đang được người trẻ Việt Nam ưa chuộng. Ví dụ như các bảo tàng như: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia... đang trở thành “địa chỉ vàng” của thanh, thiếu niên. Giới trẻ không chỉ đến đây để “check in” (chụp ảnh), mà còn tìm hiểu lịch sử, truyền thống văn hóa quý báu của người Việt Nam.
Hiện nay, tại các di tích văn hóa, lịch sử, cổ phục Việt được quảng bá, cho thuê và trở thành một sản phẩm độc đáo thu hút mọi người. Bên cạnh đó, tại các “điểm hẹn” di sản, những món ăn truyền thống của Việt Nam như phở, bún chả, trà cung đình Huế, bánh chè lam, bánh đậu xanh,... được bày bán, giúp cho ẩm thực Việt thăng hoa trong lòng người dân và du khách quốc tế.
Đặc biệt, Di sản văn hóa phi vật thể như: Ca trù, Nhã nhạc cung đình đang trở thành món ăn tinh thần trong mỗi chuyến khám phá các hành trình văn hóa của người dân. Những “món ăn tinh thần” này đã được dùng nhiều cách để thu hút khách như kết hợp nghệ thuật hiện đại và truyền thống.
Tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị của di sản
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa, truyền thống là cội nguồn, gốc rễ của mỗi con người. Nhờ có nền tảng văn hóa, lịch sử vững chắc mà quốc gia, cá nhân, tập thể mới vươn lên sánh vai với “cường quốc năm châu”.
Tính đến nay, cả nước có hơn 40 nghìn di tích và khoảng 70 nghìn di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 34 di sản đã được UNESCO ghi danh. Việt Nam được đánh giá là nước thành viên “hình mẫu” tham gia các Công ước của Tổ chức UNESCO. Hiện nay, các di sản đều là những “báu vật” quý giá lưu giữ truyền thống tốt đẹp của Việt Nam, đồng thời là động lực để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy tiềm năng của di sản có vai trò vô cùng quan trọng.
Tại Việt Nam, các địa phương, có trách nhiệm thống kê, phân loại các di sản văn hóa phi vật thể, sau đó đề xuất để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Địa phương đồng thời có nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được công nhận theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Vào cuối năm nay, có nhiều di sản được công nhận trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mới gần đây nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 3983/QĐ-BVHTTDL, công nhận Nghề thủ công truyền thống Nghề làm muối Sa Huỳnh thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghề làm muôíhủ công truyền thống đặc sắc của Quảng Ngãi, có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng - địa phương, trao truyền qua nhiều thế hệ.
Tại tỉnh Ninh Bình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các quyết định công nhận Lễ hội truyền thống Báo Bản làng Nộn Khê (huyện Yên Mô) và Lễ hội Đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn) của tỉnh Ninh Bình là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là những lễ hội truyền thống, có ý nghĩa là đền ơn báo đáp lại nguồn gốc, công ơn của các tiền nhân theo câu “uống nước nhớ nguồn”.
Việc các nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật dân gian, lễ hội,... được công nhận là Di sản văn hóa rất có ý nghĩa với các tỉnh, địa phương. Đây không chỉ là một bảo chứng, niềm tự hào của người dân về lịch sử, văn hóa của địa phương mình. Mà hơn thế nữa, mỗi một di sản được công nhận, đầu tư và bảo tồn còn tiềm năng trở thành nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.