'Đánh thức' tiềm năng logistics Quảng Ninh

Quảng Ninh là địa phương có hạ tầng giao thông đa dạng với sân bay, cảng biển, đường cao tốc, đồng thời là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực phía Bắc về phát triển công nghiệp và dịch vụ, là điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics. Vậy, địa phương này cần làm gì để logistics trở thành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, từng bước đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics ở khu vực phía Bắc?

Đánh giá về tiềm năng phát triển dịch vụ logistics tại Quảng Ninh, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho rằng, Quảng Ninh là tỉnh có ví trí rất đặc biệt, vừa có biển, đảo, đồng bằng, đồi núi, biên giới. Quảng Ninh cũng hội tụ được rất nhiều lợi thế tự nhiên như có vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên của thế giới, hay tài nguyên thiên nhiên là than. Lợi thế về logistics Quảng Ninh rất rõ, vì gắn với biên giới, cảng biển và hiện nay còn có cảng hàng không mới được xây dựng ở Vân Đồn.

Quảng Ninh có nhiều lợi thế phát triển cảng biển logistics

Quảng Ninh có nhiều lợi thế phát triển cảng biển logistics

Quảng Ninh còn nằm trong “tam giác vàng”: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - cực tăng trưởng năng động của cả nước. Bên cạnh đó, một điểm thuận lợi nữa ở Quảng Ninh là đã có tuyến đường cao tốc kéo dài đến Vân Đồn và hiện nay đang tiếp tục kết nối với Móng Cái. Đây là tiền đề, giúp cho Quảng Ninh có sức bật về logistics trong thời gian tới. Trong khi Hải Phòng có lợi thế hơn về phát triển cảng biển, thì logistics Quảng Ninh có đặc điểm là gắn nhiều hơn với thương mại biên giới. Mặc dù, Quảng Ninh có cảng Cái Lân, tuy nhiên, việc phát triển vẫn chưa tương xứng với lợi thế đang nắm giữ.

Ông Trần Thanh Hải cho rằng, đối với các địa phương, để phát triển logistics cần sự quan tâm triển khai của chính quyền địa phương. Trước hết, tỉnh phải có kế hoạch triển khai mang tính chất phát triển tổng thể logistics của tỉnh, trong đó đề ra những nhiệm vụ cụ thể, đồng thời đánh giá những mặt Quảng Ninh đã làm được và chưa làm được. Ví dụ, hiện nay, về hạ tầng đã có những biến chuyển rất tốt về mặt đường bộ, hàng không, nhưng cảng biển hiện nay chưa phát huy hết tiềm năng. Quảng Ninh cũng chưa có những trung tâm logistics phục vụ các hoạt động thương mại của khu vực biên giới.

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ khuyến khích phát triển thương mại chính ngạch, cho nên, lượng hàng hóa sẽ tập trung đi qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Đặc biệt, hàng nông sản rất cần có phương tiện, kho, trung tâm logistics để lưu giữ, thậm chí là kho lạnh để bảo quản các hàng hóa nhanh hỏng như trái cây. Bên cạnh đó, về mặt nhân lực, Quảng Ninh cũng phải có chiến lược thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Đồng thời, thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh và doanh nghiệp logistics ở các địa phương khác đến kinh doanh, phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn.

Mặt khác, để hoạt động dịch vụ logistics phát triển được, cần gắn với hoạt động sản xuất, thương mại. Quảng Ninh là địa phương có hoạt động sản xuất, thương mại rất lớn. Vấn đề ở đây là sự gắn kết giữa các doanh nghiệp sản xuất thương mại với doanh nghiệp dịch vụ logistics, đó là việc của doanh nghiệp nhưng cũng cần có “bàn tay” của chính quyền trong việc kết nối, hỗ trợ cho các nhóm doanh nghiệp ấy có thể sử dụng dịch vụ của nhau.

Hiện nay, Quảng Ninh đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ tỉnh công nghiệp - dịch vụ sang dịch vụ - công nghiệp, tức là dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất. Trong đó, sẽ chú trọng phát triển dịch vụ logistics. “Đây là một quan điểm rất phù hợp, bởi hiện nay bên cạnh hoạt động sản xuất, dịch vụ là một lĩnh vực phát triển rất nhanh” - ông Trần Thanh Hải nói và bày tỏ, khi Quảng Ninh đã xác định được logistics là dịch vụ quan trọng có thể mang tính trọng điểm, như vậy sẽ có sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ để nâng cao hiệu quả cũng như mở rộng hoạt động dịch vụ logistics.

Tỉnh Quảng Ninh đang phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 16-18% vào ngành dịch vụ của tỉnh, đạt từ 6-7% GRDP của tỉnh; đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 18-20% vào ngành dịch vụ của tỉnh, đạt từ 8-10% GRDP của tỉnh.

Đức Long - Quỳnh Nga - Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/danh-thuc-tiem-nang-128588.html