Đánh thức tiềm năng, lợi thế sông Sài Gòn

Sông Sài Gòn là đòn bẩy chiến lược giúp TP HCM vượt qua những thách thức đô thị, kiến tạo tương lai xanh, phát triển bền vững và thịnh vượng trong kỷ nguyên mới

Từng là một trong những tuyến giao thương huyết mạch ngày xưa, sông Sài Gòn giờ đây nắm giữ cơ hội trở thành trục phát triển xanh, giải quyết các vấn đề nan giải của siêu đô thị và định hình tương lai bền vững. Làm sao đánh thức tiềm năng này là câu hỏi cần sớm có lời giải.

Vai trò quan trọng

Lịch sử đã cho thấy vai trò quan trọng của sông Sài Gòn. Từ thế kỷ XIX, nơi đây đã là thương cảng sầm uất, cửa ngõ xuất khẩu 75% hàng hóa của khu vực Đông Dương, kết nối Sài Gòn - Gia Định với thế giới. Các cảng như Cát Lái, Tân Thuận tấp nập tàu thuyền, thúc đẩy việc giao thương, buôn bán.

Sông Sài Gòn còn là nguồn tưới tiêu cho hàng ngàn hecta đất nông nghiệp; là cảm hứng và trục phát triển cho những công trình biểu tượng như chợ Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Bưu điện Trung tâm thành phố... Các tuyến kênh rạch xưa như Kinh Lớn (nay là đường Nguyễn Huệ), rạch Cầu Sấu (đường Hàm Nghi)... từng là trung tâm giao thương sầm uất.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng và sự gia tăng dân số đã đặt lên sông Sài Gòn những gánh nặng lớn. Tình trạng ô nhiễm do xả thải, sự thu hẹp dòng chảy và hành lang bảo vệ bờ sông do đô thị hóa có lúc thiếu kiểm soát đã ảnh hưởng đến chất lượng nước và cảnh quan sông Sài Gòn.

TP HCM ngày nay cũng đối mặt hàng loạt thách thức như quá tải dân số, kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, thiếu nhà ở... và nhất là thiếu không gian xanh (tỉ lệ chỉ 0,55 m²/người so với tiêu chuẩn 12-15 m²/người). Hạ tầng phát triển xanh như trạm sạc pin xe điện, mặt bằng cho dự án năng lượng tái tạo... còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc thành phố chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh theo xu hướng toàn cầu.

TP HCM cần nâng tầm giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử của sông Sài Gòn Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TP HCM cần nâng tầm giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử của sông Sài Gòn Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Kiến tạo tương lai xanh

Trong bối cảnh đó, sông Sài Gòn nổi lên như một lời giải tiềm năng, một yếu tố then chốt để tháo gỡ các điểm nghẽn và mở ra cơ hội phát triển mới. Với quy hoạch tổng thể, hành lang pháp lý và cơ chế thu hút đầu tư phù hợp, không gian hai bên bờ sông hoàn toàn có thể đảm nhận vai trò "bước ngoặt" cho TP HCM.

Trước hết, cần phát huy thế mạnh giao thông thủy độc đáo của dòng sông uốn lượn qua đô thị này. Việc phát triển các tuyến buýt đường sông sử dụng năng lượng sạch không chỉ giảm tải cho đường bộ mà còn kết nối hiệu quả các khu vực đô thị và điểm đến du lịch. Hoàn chỉnh trục đường thủy liên tỉnh với Đông Nam Bộ và ĐBSCL sẽ tạo thuận lợi tối đa cho vận tải hàng hóa, logistics (nhất là với cảng Cần Giờ tương lai), giao thương và du lịch.

Cần kiến tạo không gian hai bên bờ sông Sài Gòn thành những "vành đai xanh" đa chức năng. Những dải công viên rộng lớn, những cung đường rợp bóng cây - nơi mọi người đều có thể đến dạo bộ, đạp xe, ngắm cảnh, giao lưu... - hoàn toàn không phải là viễn cảnh khó thực hiện.

Các công trình, nhà ở ven sông Sài Gòn cần giữ khoảng cách an toàn, hài hòa với cảnh quan, ưu tiên vật liệu thân thiện môi trường và năng lượng tái tạo. Các khu đô thị sinh thái, khu thương mại, khách sạn cần được quy hoạch đồng bộ, tôn trọng tự nhiên. Việc phát triển đô thị ven sông Sài Gòn ở ngoại thành sẽ góp phần kéo giãn dân cư, giảm áp lực cho nội đô, đồng thời "đánh thức" các vùng đất tiềm năng.

Những khu vực trọng điểm như Thủ Thiêm, khi trở thành trung tâm tài chính quốc tế hiện đại, cần có một không gian xanh. Khu vực Bình Quới - Thanh Đa có thể được tái cấu trúc thành khu đô thị sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, bảo tồn vùng ngập nước và không gian mở hấp dẫn. Các phân khu đổi mới sáng tạo, công nghiệp 4.0 ven sông sẽ là động lực tăng trưởng mới.

Quan trọng không kém là việc bảo vệ chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn. Cần kiểm soát chặt chẽ việc xả thải, xây dựng hệ thống quan trắc hiện đại, cảnh báo sớm ô nhiễm. Thành phố nên huy động cộng đồng, tình nguyện viên tham gia vớt rác, phục hồi hệ thực vật ven sông; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong xử lý và tái tạo nguồn nước; kiên quyết không cấp phép dự án lấn sông...

TP HCM cần nâng tầm giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử của sông Sài Gòn, xem đây là tài sản vô giá cần được gìn giữ. Bên cạnh đó, xây dựng "con đường di sản" ven sông, kết nối các di tích lịch sử để phục vụ giáo dục, văn hóa, du lịch, giúp mọi người hiểu về quá trình hình thành và phát triển của thành phố gắn liền với dòng sông.

TRẦN VĂN TRÃI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/danh-thuc-tiem-nang-loi-the-song-sai-gon-196250501205256331.htm