Đánh thức tiềm năng vùng dược liệu Sóc Sơn

Khai thác lợi thế vùng đất đồi gò, bán sơn địa, những năm qua, huyện Sóc Sơn đã đẩy mạnh phát triển mô hình trồng cây dược liệu, giúp nông dân từng bước thoát nghèo.

Nông dân chăm sóc vườn cây dược liệu tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Tùng Nguyễn

Nông dân chăm sóc vườn cây dược liệu tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Tùng Nguyễn

Trợ lực nhân rộng vùng cây dược liệu

Trước năm 2015, diện tích trồng cây dược liệu của huyện Sóc Sơn phân bố rải rác trên địa bàn các xã Hiền Ninh, Minh Trí, Minh Phú với tổng diện tích khoảng 15ha, chủ yếu là nhân trần, thanh hao hoa vàng. Kỹ thuật thâm canh chưa được áp dụng khiến mô hình trồng cây dược liệu thiếu tính bền vững, đầu ra cho sản phẩm và thu nhập của nông dân chưa ổn định.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, để khai thác tiềm năng của cây dược liệu, từ năm 2015 đến nay, huyện Sóc Sơn đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển. Đơn cử như năm 2015, huyện đã hỗ trợ 100% giống và phân bón cho 1ha trồng chè hoa vàng tại xã Bắc Sơn. Những năm sau đó, huyện tiếp tục hỗ trợ giống và phân bón cho 6ha cây ba kích tím tại xã Minh Trí; 2ha dược liệu tại các xã Bắc Sơn, Xuân Giang, Trung Giã.
Ngoài ra, huyện còn có hỗ trợ khung thép, màng lưới phục vụ xây lắp, làm vườn; kinh phí để mua máy sấy nhiệt lạnh phục vụ công tác sơ chế dược liệu. Hiện, UBND huyện Sóc Sơn đang tiến hành khảo sát, đánh giá, tiến tới hỗ trợ thí điểm hệ thống tưới tự động cho vùng chuyên canh cây dược liệu tại xã Bắc Sơn.
Mong một nhãn hiệu tâp thể
Theo thống kê, tổng diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện vào khoảng 66ha. Nhờ áp dụng tổng thể các biện pháp kỹ thuật về giống thuần chủng, thâm canh, cơ giới hóa sản xuất, chế biến, giá trị từ cây dược liệu mang lại đạt 280 - 420 triệu đồng/ha. Đối với những diện tích cây dược liệu canh tác hữu cơ, giá trị mang lại cao hơn từ 1,5 - 2 lần. Qua đó, đời sống của người nông dân được cải thiện đáng kể.
Mặc dù vậy, việc phát triển vùng cây dược liệu vẫn còn nhiều khó khăn. Đơn cử như diện tích gieo trồng nằm phân tán tại nhiều địa phương. Cơ sở hạ tầng vùng chuyên canh thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất lớn. Huyện cũng chưa bố trí được kinh phí hỗ trợ xây dựng vườn bảo tồn cây giống gốc. Công nghệ bảo quản, chế biến cây dược liệu nhìn chung còn hạn chế…
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, trong những năm tới, địa phương định hướng tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh cây dược liệu; từng bước xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm dược liệu, kết hợp với du lịch trải nghiệm nông nghiệp sinh thái và du lịch văn hóa tâm linh. Phấn đấu xây dựng huyện Sóc Sơn trở thành Trung tâm du lịch sinh thái trải nghiệm kết hợp chăm sóc sức khỏe từ các sản phẩm thảo dược.
Để hiện thực hóa được mục tiêu trên, UBND huyện Sóc Sơn kiến nghị các sở, ban ngành của TP Hà Nội có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất, vốn vay tín dụng để thúc đẩy các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thảo dược. Đặc biệt là hỗ trợ kinh phí xây dựng và xúc tiến thương mại nhãn hiệu tập thể “Cây dược liệu hữu cơ Sóc Sơn”. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để đánh thức tiềm năng cho vùng cây dược liệu tại huyện Sóc Sơn, giúp người dân ổn định kinh tế, vươn lên làm giàu.

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/danh-thuc-tiem-nang-vung-duoc-lieu-soc-son-414406.html