Đánh thức tình yêu của khán giả

Làm thế nào để kéo khán giả đến với sân khấu truyền thống? Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam về vấn đề này.

NSND Trịnh Thúy Mùi.

NSND Trịnh Thúy Mùi.

PV: Thưa bà, những năm gần đây, sân khấu truyền thống rất vắng khán giả. Nhiều phương án đã được đưa ra nhưng vẫn chưa thể đưa sân khấu trở lại như trước đây, bà nhận định như thế nào về câu chuyện này?

NSND Trịnh Thúy Mùi: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sân khấu thiếu vắng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, nhưng theo tôi, chính những người làm nghề cũng phải nhìn nhận lại. Hiện chúng ta vẫn thiếu đi sự chú trọng tới thị hiếu khán giả. Nhiều đơn vị nghệ thuật dựng vở xong mới đo độ cảm nhận của khán giả thì đã muộn rồi. Nhiều vở diễn không bám sát hơi thở cuộc sống nên không thể tiếp cận được với khán giả. Đó cũng là lý do có những vở diễn dựng xong, diễn được vài buổi thì phải cất kho.

Nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù mà hiện chưa có chế độ đãi ngộ cho những người làm nghề đặc thù. Ngân sách có hạn nên chưa đầu tư được nhiều cho nghệ thuật để có những tác phẩm xứng tầm. Hiện nhiều địa phương cũng chưa quan tâm đúng mức cho nên không có Trung tâm văn hóa, rạp hát cho các đoàn chuyên nghiệp ở địa phương hoạt động. Nhiều đoàn nghệ thuật cũng thiếu phương tiện, thiết bị hoạt động, do đó, khó có khả năng tổ chức phục dựng, dàn dựng và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp rất khó, càng không có khả năng cạnh tranh với các loại hình thuật biểu diễn hiện đại khác.

Vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” thuộc Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng do Đoàn Ca múa Hải Phòng thực hiện. Ảnh: Thúy Hiền.

Vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” thuộc Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng do Đoàn Ca múa Hải Phòng thực hiện. Ảnh: Thúy Hiền.

Trong bối cảnh sân khấu truyền thống còn gặp nhiều khó khăn như vậy, có thể thấy thành phố Hải Phòng nổi lên như một điểm sáng với đề án “Sân khấu truyền hình Hải Phòng”. Cách làm mới này đã đánh thức được tình yêu của khán giả với nghệ thuật sân khấu, bà đánh giá thế nào về đề án này của Hải Phòng?

- Hải Phòng đang phát huy thế mạnh của nghệ thuật truyền thống và đã thành công. Thông qua đề án Sân khấu truyền hình, họ đã chuyển mình một cách mạnh mẽ. Đều đặn mỗi tháng với 1 chương trình sân khấu hoặc là chèo hoặc cải lương, kịch nói, múa rối, chương trình ca múa nhạc... được dàn dựng công phu, thu hút rất đông khán giả. Được biết, từ khi bắt đầu triển khai đề án Sân khấu truyền hình (cuối năm 2019) đến nay, Hải Phòng đã triển khai được khoảng 50 vở diễn với hình thức trực tiếp kết hợp với ghi hình phát sóng trên truyền hình và các nền tảng trực tuyến phục vụ người dân. Các vở diễn được đầu tư lớn về nội dung và quy mô, phù hợp với nhiều đối tượng khán giả.

Chúng ta cũng nhìn thấy rất rõ qua các kỳ liên hoan, hội diễn, các đơn vị nghệ thuật của Hải Phòng đều gặt hái các thành tích rất tốt. Các chương trình Sân khấu truyền hình ngày càng được khán giả cả nước yêu thích và mong chờ. Hải Phòng đang thành công trong việc đánh thức tình yêu sân khấu của khán giả.

Nhiều ý kiến cho rằng, từ kinh nghiệm của thành phố Hải Phòng, các địa phương trên cả nước có thể nghiên cứu và triển khai mô hình kể trên để tạo cú hích cho hoạt động sân khấu. Bà đánh giá thế nào về ý kiến này?

- Tôi thấy đó là một cách làm hay. Nếu được, ta sẽ được nhiều thứ. Một lần đầu tư mà vừa bảo tồn được loại hình nghệ thuật, vừa giới thiệu quảng bá tác phẩm sâu rộng, vừa xây dựng chiến lược phát triển mạng lưới khán giả, vừa thu hút được nguồn nhân lực tinh hoa cho địa phương. Tuy nhiên, đó cũng là việc làm rất khó, đòi hỏi nhiều về sự quan tâm đầu tư cho nghệ thuật và tâm huyết của chính người nghệ sĩ.

Trân trọng cảm ơn bà!

Phạm Sỹ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/danh-thuc-tinh-yeu-cua-khan-gia-10285679.html