Đánh thuế tỷ phú toàn cầu liệu có khả thi?
Tuần qua tại Brazil, quan chức tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngồi lại bàn luận ý tưởng đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với giới tỷ phú.
Theo tổ chức nghiên cứu EU Tax Observatory thuộc Trường Kinh tế Paris, số cá nhân siêu giàu ở các nước lớn đóng thuế ít hơn người bình thường rất nhiều. Tài sản của họ hầu như không bị đánh thuế khi thuế suất hiện tại chỉ là 0 - 0,5%. Hàng loạt hành vi trốn thuế như khai thác lỗ hổng trong hệ thống thuế hay chuyển tài sản/hoạt động kinh doanh sang quốc gia thuế suất thấp khiến nhiều chính phủ mất đi nguồn thu lớn.
Giám đốc EU Tax Observatory Gabriel Zucman phát biểu trước giới quan chức tài chính G20: “Thuế lũy tiến (nộp thuế theo mức thu nhập tương ứng với mức thuế phải nộp tăng dần đều theo từng bậc) là trụ cột chính của xã hội dân chủ. Cơ chế chắp vá của thế giới hiện nay không đánh thuế đúng cách số cá nhân có khả năng đóng thuế cao nhất”.
Báo cáo do tổ chức Oxfam công bố tháng trước cũng đưa ra đánh giá tương tự: “Tại nhiều quốc gia như Brazil, Pháp, Ý, Anh và Mỹ, thuế thực tế mà cá nhân siêu giàu đóng thấp hơn lao động thông thường”. Họ xác định gần 80% tỷ phú trên thế giới sống ở các nền kinh tế thành viên G20.
EU Tax Observatory đề xuất đặt mức thuế tối thiểu toàn cầu 2% với tài sản ròng (giá trị tài sản trừ đi nợ) của giới tỷ phú. Làm vậy sẽ thu về 250 tỉ USD mỗi năm - tương đương một nửa số tiền mà các nước châu Phi kêu gọi hỗ trợ để chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Rất khó khiến tất cả thành viên G20 đạt đồng thuận về một vấn đề gai góc. Cố vấn Quentin Parrinello (EU Tax Observatory) nhận định lần bàn luận tuần qua chỉ mới là khởi đầu, đồng thời chỉ ra đối thoại về áp thuế tối thiểu toàn cầu 15% với doanh nghiệp đa quốc gia từng mất nhiều năm trước khi được thống nhất vào 2 năm trước. Thuế với doanh nghiệp đa quốc gia có thể đóng vai trò tiền lệ cho thuế với giới tỷ phú.
Liệu có khả thi?
Theo ông Parrinello, cá nhân siêu giàu có thể giấu tài sản hòng trốn thuế bằng cách đầu tư vào công ty cổ phần, quỹ tín thác hoặc thế chấp chúng để đi vay.
Giáo sư kinh tế Arun Advani (Đại học Warwick) cho rằng đánh thuế tỷ phú phức tạp hơn đánh thuế doanh nghiệp đa quốc gia. Doanh nghiệp đa quốc gia đặt cơ sở tại nhiều nước nên dễ xác định chính phủ nào sẽ thu thuế, nhờ đó biết được doanh nghiệp đã đóng hay chưa. Tỷ phú đi lạ và sở hữu tài sản khắp nơi nên khó xác định cơ quan chức năng nào phụ trách thu thuế.
Cũng theo ông, thực thi chính sách thuế trên phạm vi toàn cầu rất khó thực hiện.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/danh-thue-ty-phu-toan-cau-lieu-co-kha-thi-214696.html