Danh tính nàng thơ trong 'Đây thôn Vĩ Dạ' của Hàn Mặc Tử, học sinh giỏi Văn chưa chắc đã biết

Trong bài thơ 'Đây thôn Vĩ Dạ' có sự xuất hiện của một nàng thơ. Cô có mối tình đặc biệt với chàng thi sĩ. Ít ai biết, nàng thơ đó thực sự có tồn tại ngoài đời.

Bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ của thi sĩ Hàn Mặc Tử lần đầu được in trong tập Thơ Điên (sau đổi thành Đau Thương). Ban đầu, bài thơ có tên Ở đây thôn Vỹ. Theo nhiều tài liệu, tác phẩm được lấy cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với Hoàng Thị Kim Cúc (sinh năm 1913), người kém thi sĩ một tuổi. Bài thơ này vô cùng nổi tiếng, là tác phẩm quen thuộc với mọi người khi nằm trong chương trình Ngữ văn lớp 11.

Năm 1933, khi vào làm tại Sở Đạc điền Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử quen biết Hoàng Tùng Ngâm, em họ của Hoàng Cúc. Khi ấy, Hoàng Cúc đang tập viết báo với bút danh "Hoàng Hoa nữ sĩ" và thường qua lại giao lưu văn thơ, từ đó quen biết Hàn Mặc Tử. Đến năm 1939, khi Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong và điều trị tại Quy Nhơn, ông nhận được một bức ảnh từ Hoàng Cúc và từ đó sáng tác bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ gửi tặng nàng. Sau khi thi sĩ qua đời, chuyện tình cảm của ông cùng hình ảnh người con gái trong bài thơ vẫn là đề tài gây nhiều tranh luận.

Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử

Nhiều câu hỏi được đặt ra: Liệu giữa họ có một mối tình đôi lứa hay chỉ là tình cảm đơn phương của thi sĩ? Bức ảnh Hoàng Cúc gửi là gì? Hình ảnh lá trúc che ngang mặt chữ điền có phải ám chỉ nàng?

Theo Nguyễn Bá Tín, em ruột Hàn Mặc Tử, năm 1938, Hoàng Cúc hay tin thi sĩ lâm bệnh nặng và định gửi tiền giúp ông chữa bệnh nhưng lại e ngại. Cuối cùng, nàng gửi một bức ảnh mặc áo dài trắng đứng dưới vòm cây xanh. Khi nhận được ảnh, Hàn Mặc Tử vô cùng vui mừng và lập tức sáng tác bài thơ này gửi ra Huế cho Hoàng Cúc.

Tuy nhiên, trong bức thư đề ngày 15/4/1971 gửi nhà thơ Quách Tấn – bạn thân của Hàn Mặc Tử, Hoàng Cúc khẳng định bức ảnh nàng gửi không hề có hình ảnh cô gái nào ngoài người chèo đò. Nàng viết:"Không ngờ sức tưởng tượng của thi nhân quá khác thường đến biến bức ảnh phong cảnh đó thành bến Vỹ Dạ lúc hừng đông hay một đêm trăng, trong đó có cô gái 'lá trúc che ngang mặt chữ điền' nữa! Khiến có người đã nghĩ rằng cô gái đó mặc áo trắng dài tha thướt vì câu 'Áo em trắng quá nhìn không ra'…".

Về chuyện tình cảm giữa thi sĩ và Hoàng Cúc, Quách Tấn tin rằng giữa họ từng có một mối tình đẹp. Ông khẳng định:“Những chi tiết trong cuộc tình duyên của Tử - Cúc, thì nhất định ký ức tôi không phản tôi, vì không có gì phức tạp khó nhớ”.

Tuy nhiên, trong bức thư cùng ngày, Hoàng Cúc phủ nhận điều này:"Hồi ấy tuy nhà Tử ở gần tôi, song Tử và tôi cách xa nhau như hai ngọn núi. Tử thì kín đáo và bẽn lẽn như con gái, còn tôi thì bí mật và xa lạ như cung trăng! Tuy thế, Tử cũng đã tìm cách để gặp, nhưng rồi vẫn chưa toại nguyện...".

Dù mối quan hệ giữa Hoàng Cúc và Hàn Mặc Tử vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ cùng hình ảnh người con gái xứ Huế đã đi vào lòng bao thế hệ yêu thơ. Tác phẩm được đánh giá là một trong những thi phẩm xuất sắc nhất của nền thơ hiện đại Việt Nam.

Theo Sở hữu trí tuệ

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/danh-tinh-nang-tho-trong-day-thon-vi-da-cua-han-mac-tu-hoc-sinh-gioi-van-chua-chac-da-biet/20250221064721458