Danh tính số và những bậc thang quan trọng đưa người dân lên môi trường số
Là một phần của xu hướng toàn cầu liên quan đến việc tạo ra một xã hội số thực sự, danh tính số được xem là điều kiện quan trọng để đưa người dân lên môi trường số, thụ hưởng các quyền lợi số cũng như phát triển một cách toàn diện hơn
Định vị người dân trên môi trường số
Tháng 10 năm nay, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra đề xuất số hóa hộ chiếu và thẻ căn cước thông qua ứng dụng "Du lịch kỹ thuật số Liên minh châu Âu." Đây là một phần trong nỗ lực cải thiện di chuyển ra vào khu vực, giúp hành khách tiết kiệm thời gian và tăng cường an ninh tại biên giới. Ứng dụng cho phép hành khách có thể tạo và lưu trữ các phiên bản kỹ thuật số của hộ chiếu hoặc thẻ căn cước trên điện thoại, dữ liệu được lưu trữ bao gồm ảnh và khuôn mặt, các thông tin cá nhân cần thiết nhưng không bao gồm dấu vân tay, giúp xác minh danh tính của hành khách, ngăn chặn tình trạng giấy tờ giả mạo và phát hiện tội phạm xuyên biên giới.
Ứng dụng Du lịch kỹ thuật số của EU được kỳ vọng sẽ trở thành một phần của “ví danh tính kỹ thuật số châu Âu”, nơi người dân có thể lưu trữ tất cả các giấy tờ quan trọng của mình. Điều này cho thấy khu vực phát triển hàng đầu thế giới này đang có sự đặc biệt chú trọng tới vấn đề danh tính số.
Trước đó, tại khắp nơi trên thế giới, việc sử dụng các công cụ để xác minh danh tính số, phục vụ cho đời sống của người dân và công tác quản lý của các cơ quan chức năng cũng đã được áp dụng một cách hiệu quả. Tại các quốc gia như Ấn Độ đã triển khai thành công hệ thống danh tính số quốc gia - được gọi là dự án Aadhaar. Ngoài việc đảm bảo giảm chi phí và nạn quan liêu trong nước, danh tính số cũng tăng cường bảo mật bằng cách thay thế các tài liệu vật lý - giúp giảm gian lận, kém hiệu quả và tham nhũng. Công dân cũng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tư nhân với chất lượng tốt, giá thành rẻ, nhà nước cũng thu hút đầu tư hiệu quả hơn…
Theo báo cáo của Juniper Research, số lượng người dân được định danh số trên toàn cầu sẽ ngày càng gia tăng. Con số này sẽ tăng hơn 50% trong vài năm tới, từ 4,2 tỷ người vào năm 2022 lên 6,5 tỷ người vào năm 2026.
Tại Việt Nam, quá trình xây dựng cơ sở định danh số cho người dân đã được tiến hành từ cách đây khá lâu. Ngay trong thời gian đại dịch, với việc phổ biến ứng dụng định danh điện tử của Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, thuộc Bộ Công an (ứng dụng), người dân đã bắt đầu quan tâm tới khái niệm “danh tính số”.
VNeID ban đầu được ra mắt nhằm thay thế các giấy tờ có liên quan trong đại dịch Covid-19 (hộ chiếu vắc xin, giấy thông hành…) nhanh chóng được người dân tiếp nhận và ủng hộ. Nhờ việc số hóa các giấy tờ cá nhân, VNeID được xem như “giấy thông hành” quan trọng với người dân trong nhiều trường hợp. Đến tháng 1/2022, ứng dụng đã được công nhận là ứng dụng công dân số quốc gia. VNeID được đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cấp theo căn cước công dân gắn chip.
Cho đến nay, VNeID đang được ví như chìa khóa để người dân tham gia chuyển đổi số. Các tiện ích số của ứng dụng chủ yếu bao gồm: Xác thực danh tính điện tử (có thể thay thế cho các loại giấy tờ truyền thống như CMTND/CCCD, hộ chiếu… khi thực hiện giao dịch trực tuyến); Truy cập dịch vụ công trực tuyến (sử dụng VNeID để đăng ký, khai báo và thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến).
Cùng với VNeID, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng đang góp phần không nhỏ trong việc hoàn thiện về mặt danh tính số cho người dân trong cả nước. Đây là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được liên kết với VNeID và các hệ thống cơ sở dữ liệu, cổng dịch vụ công của các bộ ngành đã, đang giúp cho người dân có thêm nhiều lựa chọn, tiện ích số trên không gian mạng, phục vụ cho nhu cầu của đời sống, công việc mỗi ngày.
Những thách thức đối với định danh số của người dân
Vô tình hay hữu ý, mỗi ngày, trong xã hội hiện đại, mỗi người đều đang sử dụng danh tính của bản thân mình để thực hiện các giao dịch, tương tác trên môi trường số. Dù là tương tác trên môi trường ảo nhưng những tác động đối với đời sống, công việc của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là có thật. Tuy nhiên, vai trò của danh tính số (danh tính kỹ thuật số, danh tính điện tử) và những vấn đề có liên quan thì không phải ai cũng nắm rõ.
Theo Luật Căn cước 2023, danh tính số (danh tính điện tử) của một người được hiểu như sau: “Danh tính điện tử của công dân Việt Nam là một số thông tin sau đây của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước cho phép xác định duy nhất người đó trên môi trường điện tử thông qua hệ thống định danh và xác thực điện tử và để tạo lập căn cước điện tử: Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Ảnh khuôn mặt; Vân tay.
Như vậy, danh tính số của một người sẽ bao gồm các thông tin cụ thể, gắn với cá nhân, có thể đại diện cho bản thân họ để “giao tiếp” trên môi trường số. Việc sử dụng danh tính số rất sâu rộng và có thể bao gồm từ việc khẳng định danh tính của người dùng khi truy cập các Dịch vụ Tài chính trực tuyến, đến đăng ký lợi ích hoặc các dịch vụ khác của Chính phủ,...
Bởi danh tính số là một phần thiết yếu trong hệ thống an ninh mạng, nó liên quan đến việc quản lý quyền truy cập và xác thực danh tính số của người dùng, thiết bị, và ứng dụng. Việc đảm bảo an toàn danh tính không chỉ định nghĩa quyền truy cập mà còn liên kết các hoạt động trong hệ thống với một thực thể cụ thể, giúp xác định rõ trách nhiệm và phòng tránh các hành vi độc hại.
Theo các chuyên gia, danh tính số là cửa ngõ để truy cập vào hạ tầng số và tài sản quan trọng của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia. Việc bảo vệ danh tính giúp đảm bảo rằng chỉ những người có thẩm quyền mới được phép sử dụng các tài nguyên này. Các quy định như GDPR (Liên minh châu Âu) hoặc CCPA (California) yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo quyền riêng tư và tuân thủ pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng. Bảo mật danh tính giúp giảm nguy cơ vi phạm các quy định này.
Việc mất an toàn đối với danh tính số có thể dẫn đến những nguy cơ như: tội phạm mạng gia tăng tấn công dựa trên thông tin lộ lọt về danh tính, tin tặc thường sử dụng thông tin xác thực bị đánh cắp để xâm nhập vào hệ thống, từ đó thực hiện các hành vi trái phép như đánh cắp dữ liệu hoặc triển khai phần mềm độc hại.
Báo cáo Duo Trusted Access năm 2024 chỉ ra rằng các dạng tấn công dựa trên danh tính, như đánh cắp thông tin xác thực hoặc chiếm quyền truy cập, đang gia tăng mạnh mẽ. Trong bối cảnh này, thông tin nhận dạng và truy cập an toàn đang nổi lên như một thành phần quan trọng trong chiến lược an ninh mạng.
Theo nghiên cứu của Cisco Talos, 26% các sự cố bảo mật năm 2023 liên quan đến việc lạm dụng thông tin xác thực hợp pháp. Các tài khoản dễ bị tổn thương có thể trở thành lỗ hổng lớn, cho phép kẻ tấn công truy cập vào dữ liệu tài chính, cá nhân, và các thông tin kinh doanh quan trọng Việc triển khai các giải pháp bảo mật danh tính như xác thực đa yếu tố (MFA) hoặc quản lý quyền truy cập linh hoạt (adaptive access control) giúp giảm thiểu các lỗ hổng tiềm ẩn. Một hệ thống bảo mật danh tính mạnh mẽ không chỉ bảo vệ tổ chức trước các cuộc tấn công mà còn nâng cao độ tin cậy và uy tín của tổ chức, xây dựng lòng tin với khách hàng và đối tác kinh doanh.