Danh tính vị tiến sĩ đầu tiên ở miền Nam vướng nỗi oan 150 năm, bị đục tên trên bia tiến sĩ

Sau nhiều năm tìm hiểu, các nhà sử học hiện nay đã có cách nhìn nhận công bằng hơn về những công trạng, tấm lòng vì nước, vì dân của ông.

Phan Thanh Giản (1796) quê ở làng Bảo Thạnh huyện Ba Tri, Bến Tre. Sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ mất sớm, việc học tập của cụ gặp nhiều khó khăn. Vốn thông minh, hiếu học, năm 30 tuổi Phan Thanh Giản thi Hương, đậu cử nhân tại trường thi Gia Định (năm 1825).

Sau đó 1 năm, tại kỳ thi Hội ở kinh đô Huế, cụ đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ và cũng là vị tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ. Bài thi tiến sĩ của cụ xuất sắc đến nỗi vua đọc xong muốn đích thân hỏi thi ông.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong cuộc đời của mình, cụ đã làm quan trải qua 3 triều: Minh Mạng, Triệu Trị và Tự Đức. Dưới triều Minh Mạng, cụ lần lượt giữ các chức Hàn lâm viện biên tu, rồi cải bổ Lang trung bộ Hình (1827), Tham hiệp tỉnh Quảng Bình (1828), quyền nhiếp Tham hiệp tỉnh Nghệ An (1829), Lễ bộ tả thị lang và tham gia Nội các (1830), Hiệp trấn tỉnh Quảng Nam (1831), Hàn lâm kiểm thảo Nội các hành tẩu, Hộ bộ viên ngoại lang (1832), Đại lý tự khang sung Cơ mật viện đại thần (1834), Kinh lượt trấn Tây (1835).

Năm 1836, cụ bị giáng chức vì can ngăn vua, có năm phải đi khai mỏ vàng ở Thái Nguyên (1838) sau đó lại được phục hồi chức phẩm. Đến năm 1848, cụ đổi sang Thượng Thư Bộ lại, năm 1851 làm Kinh lược phó sứ Nam Kỳ, năm 1853 Thượng thư Bộ Hình, Sung Cơ mật viện, năm 1856 làm Chánh tổng tài Quốc sử quán.

Từ năm 1856 -1859, cụ là Tổng tài phụ trách việc biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, lớn nhất thời Nguyễn gồm 53 quyển. Về văn thơ cụ có Lương Khê thi thảo gồm 454 bài thơ và Lương Khê văn tập (1876). Cụ còn có các tập thơ, nhật ký như Sứ Thanh thi tập, Tây phủ Nhật ký, ghi chép trong chuyến đi Pháp.

Vào năm 1862, Phan Thanh Giản là người đại diện triều đình Huế ký hòa ước nhượng 3 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Bao gồm: Biên Hòa - Gia Định - Định Tường. Đổi lại, Pháp trả lại tỉnh Vĩnh Long đã chiếm trước đó.

Năm 1867, sau Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, Phan Thanh Giản đã tuyệt thực trong 17 ngày trước khi uống thuốc độc tự tử. Cụ mất ngày 5/7/1867, thọ 72 tuổi. Trước khi chết, cụ dặn dò con cháu không được hợp tác với Pháp.

Trong bức sớ gửi cho vua Tự Đức có đoạn cụ viết:“Tội tôi đáng chết không dám sống cẩu thả để cái nhục lại cho quân phụ”.

Cuối cùng, ông dặn con cháu chỉ ghi trên mộ của mình dòng chữ: Đại Nam hải nhai lão thư sinh tánh Phan chi cửu, nghĩa là: Người học trò nghèo họ Phan ở góc biển Đại Nam, rồi đem linh cửu về chôn ở làng Bảo Thạnh (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre ngày nay).

Sau khi Phan Thanh Giản qua đời, vua Tự Đức hạ lệnh nghị tội ông cùng các đại thần khác đã để mất 6 tỉnh Nam Kỳ vào tay thực dân Pháp. Phan Thanh Giản bị truy đoạt chức quan, định tội trảm giam hậu, bị đục tên trên bia tiến sĩ.

Mãi tới năm 1886, vua Đồng Khánh mới ra sắc chỉ phục hồi chức sắc cho ông. Suốt thời gian dài, Phan Thành Giản bị phê phán là kẻ bán nước vì đã dâng thành Vĩnh Long, ký hòa ước bất lợi với thực dân Pháp. Tuy nhiên, các nhà sử học hiện nay đã có cách nhìn nhận công bằng hơn về những công trạng, tấm lòng vì nước, vì dân của ông.

Năm Khải Định thứ 9, cụ được sắc phong làm Thành Hoàng ở Tương Bình Hiệp, tọa lạc tại phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) ngày nay.

Theo Sở hữu trí tuệ

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/danh-tinh-vi-tien-si-dau-tien-o-mien-nam-vuong-noi-oan-150-nam-bi-duc-ten-tren-bia-tien-si/20240912104143142