Danh xưng Chiêm Hóa và sự thay đổi địa giới hành chính

Những hiện vật thuộc thời đại đồ đá mới (còn gọi là đồ đá mài) phát hiện ở Đầm Hồng, xã Ngọc Hội và bản Ngầu, xã Hùng Mỹ cho biết Chiêm Hóa có lịch sử cách nay cả vạn năm. Trống đồng tìm thấy ở bến Cham xã Nhân Lý cùng những dụng cụ đồ đồng phát hiện ở ghềnh Ca nô và Soi Gà thị trấn Vĩnh Lộc nói lên lịch sử phát triển liên tục tại vùng đất này.

Thời kỳ nhà nước phong kiến, dưới các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Chiêm Hóa là châu Vị Long do thổ ty họ Hà cai quản. Châu lỵ ở vùng Yên Nguyên - Hòa Phú.

Thời thuộc nhà Minh thống trị, đổi thành châu Đại Man (châu lớn của người Man - cách tầng lớp thống trị chỉ các dân tộc thiểu số).

Thời Lê, châu Đại Man thuộc phủ Yên Bình, do thổ ty họ Ma cai quản. Họ Ma khởi nghiệp ở Mường Giàng (gồm, Thổ Bình, Bình An, Minh Đức, Hồng Quang, Minh Quang ngày nay). Châu lỵ đặt ở Thổ Bình.
Thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 16 (năm 1835 châu Đại Man đổi thành châu Chiêm Hóa.

Về danh xưng Chiêm Hóa: Chiêm, từ Hán - Việt có một nghĩa là nhìn, xem, quan sát, thấy trong chiêm nghiệm, chiêm tinh - quan sát các vì sao. Chiêm còn một nghĩa là mơ mộng như chiêm bao. Hóa, từ Hán - Việt chỉ sự thay đổi như biến hóa. Chiêm Hóa được hiểu là nhìn thấy sự phát triển. Chiêm Hóa ngày nay rõ ràng ứng với nghĩa đó.

Châu Chiêm Hóa thuộc phủ Yên Ninh. (Phủ này sau đổi thành phủ Tương Yên). Châu lỵ đặt ở xã Gia Thận, tổng Thổ Bình, xung quanh đắp lũy đất hình vuông, mỗi mặt dài hơn 15 trượng, cao hơn 2 thước. Mặt lũy và chân lũy đều dày 6 thước. Mặt trước mở một cửa, có hào rộng 1 trượng, sâu 2 thước. Châu hạt phía Đông giáp giới châu Bạch Thông tỉnh Thái Nguyên, phía Tây giáp giới huyện Vị Xuyên, phía Nam giáp giới huyện Hàm Yên, phía Bắc giáp giới huyện Vĩnh Điện (là huyện Bảo Lạc ngày nay). Đông - Tây cách nhau 4 ngày đường. Nam - Bắc cách nhau 7 ngày đường. Châu Chiêm Hóa có 4 tổng là Thổ Bình, Cổ Linh, Vĩnh Yên và Côn Lôn.

Thời Pháp thuộc, năm 1891, lập ra tại Bắc Kỳ 4 Đạo quan binh. Dưới Đạo quan binh là Tiểu quân khu. Châu Chiêm Hóa thuộc Tiểu quân khu Hà Giang, Đạo quan binh 2. Năm 1893, Tiểu quân khu Hà Giang chuyển sang Đạo quan binh 3. Năm 1895, Đạo quan binh 3 chia thành 3 Tiểu quân khu: Tuyên Quang, Bắc Quang và Hà Giang. Năm 1900, tái lập tỉnh Tuyên Quang từ Tiểu quân khu Tuyên Quang, Chiêm Hóa trở thành một châu thuộc tỉnh. Năm 1944, tách châu Chiêm Hóa thành hai đơn vị hành chính là Chiêm Hóa và Na Hang. Châu Chiêm Hóa lúc này gồm 4 tổng: Cổ Linh, Đài Quan, Vĩnh Gia và Thổ Bình. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, ngày 12-5-1945, tại cuộc mít tinh ở Phố Chinh, Ủy ban cách mạng lâm thời châu Chiêm Hóa tuyên bố thành lập, châu Chiêm Hóa đổi tên thành châu Khánh Thiện. Đây là tên của liệt sỹ Lương Khánh Thiện (Đồng chí quê ở Hà Nam, năm 1925, tham gia cách mạng, năm 1929 gia nhập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, năm 1930 bị kết án khổ sai chung thân, năm 1936 được trả tự do, tiếp tục hoạt động. Năm 1940 lại bị bắt, bị thực dân Pháp kết án tử hình. Ngày 1-9-1941, đồng chí bị hành quyết, hưởng dương 38 tuổi). Châu Khánh Thiện gồm 10 tổng. Trong đó 2 tổng của Yên Sơn, 2 tổng của Hàm Yên, 5 tổng của Chiêm Hóa, 1 tổng của Na Hang. Đầu năm 1946 trở lại là huyện Chiêm Hóa gồm 28 xã, 1 thị trấn.

Năm 2011, 3 xã Hồng Quang, Thổ Bình, Bình An thuộc huyện mới Lâm Bình. Huyện Chiêm Hóa còn 26 đơn vị hành chính.

Mạc Ninh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chuyen-de/tuyen-quang-xua-va-nay/danh-xung-chiem-hoa-va-su-thay-doi-dia-gioi-hanh-chinh-139047.html