Đào cát tìm khoai

HNN - Rảo mắt theo từng lùm bụi trên rú cát, sau một hồi tìm kiếm, anh Lê Trai (thôn 4, Vinh Mỹ, Phú Lộc) đã xác định được khu vực có sự xuất hiện của khoai mài. Cầm chắc chiếc thuổng và bao đựng, anh tiến đến bụi cây rậm rạp, cẩn thận lần tìm dây khoai giữa hàng chục loại cây tạp vùng cát.

 Mỗi ngày, những người thợ phải di chuyển 5 - 7 cây số trên rú cát để tìm khoai mài

Mỗi ngày, những người thợ phải di chuyển 5 - 7 cây số trên rú cát để tìm khoai mài

Khấm khá

Mỗi năm, cứ từ cuối tháng 1 đến tháng 5, những người đào khoai mài như anh Trai ngoài công việc chính còn có thêm nghề phụ cho thu nhập cao. Anh Trai chia sẻ: “Ngày thường tôi làm thợ nề, sau tết công việc chững lại do thời tiết nên tôi làm thêm nghề đào khoai mài. Mỗi năm chỉ đào được từ vài tháng nhưng đây lại là nguồn thu quan trọng của gia đình”.

Ngoài vùng rú cát Phú Lộc, anh Trai còn tìm khoai mài tại rú cát Phú Vang. Mỗi ngày, anh di chuyển từ 5 – 7 cây số giữa những lùm bụi trên rú cát để tìm khoai. Đồ nghề của anh bao gồm chiếc xe máy, bao đựng, thùng các tông, dao rựa và không thể thiếu một chiếc thuổng đào đất cầm vừa tay.

Khoai mài tự nhiên ngon ngọt nên được nhiều khách hàng ưa chuộng

Khoai mài tự nhiên ngon ngọt nên được nhiều khách hàng ưa chuộng

Dù những dụng cụ được chuẩn bị kỹ càng, thế nhưng chúng tôi hiểu cần thiết nhất của những người chuyên đào khoai không phải là chiếc thuổng hay dao rựa. Chính con mắt tinh tường và đôi bàn tay khéo léo của những người như anh Trai mới là “đồ nghề” quan trọng nhất.

Anh Trai chia sẻ: “Khoai mài ưa bóng râm, chúng thường bám vào các cây bụi khác để leo lên, nhưng đa phần những dây khoai có tán to, rậm, nhìn xa đã biết thì củ lại chẳng to. Ngược lại, có rất nhiều dây khoai mài chỉ đơn giản là những dây khoai bình thường, hầu như không hề có lá, thế nhưng lại là những củ khoai có kích cỡ lớn. Vì thế, những người giàu kinh nghiệm có thể nhìn rú cát đoán định khu vực nào có khoai mài và ước lượng khối lượng củ chỉ bằng cách nhìn dây khoai”.

Với loại đặc sản vùng cát này, củ càng lớn, thân càng dài, thẳng và không bị gãy thì giá càng cao. Hiện nay, khoai mài đang được bán với giá từ 100.000 - 180.000 đồng/kg tùy kích thước củ. Mỗi ngày từ sáng đến chiều, anh Trai có thể đào được từ 4 - 5kg khoai, hôm nào may mắn thì có thể lên đến 10kg.

Anh Nguyễn Lực, một thợ đào khoai khác sinh sống tại xã Giang Hải (huyện Phú Lộc) cho biết: “Cách sinh trưởng của khoai mài đó là củ càng to thì càng ăn sâu vào lòng đất. Bởi thế người đào khoai như chúng tôi phải có thể lực tốt, dùng lực từ tay loại bỏ cát vùng xung quanh rồi mới kiên nhẫn gạt cát để đào được củ khoai mài hoàn hảo, lành lặn giữa biết bao loại rễ cây tạp khác. Nếu khoai mài gãy thì giá trị sẽ giảm từ 20 - 30% nên dù vất vả đến mấy chúng tôi cũng cố gắng”.

Ngoài vất vả, chịu nắng, chịu gió trên trảng cát, anh Trai và anh Lực còn phải thường xuyên đối diện với rắn, rết và ong. Dù đều ăn mặc kín đáo, áo quần dài tay và luôn đội mũ, thế nhưng để đảm bảo an toàn, các thợ đào khoai thường truyền miệng nhau những rú cát cần tránh, nhất là nơi có ong vò vẽ.

Gìn giữ

Ngoài cung cấp cho các chợ địa phương, khoai mài được nhiều thương lái nhập bán sỉ, lẻ cho khách hàng từ Nam ra Bắc. Bởi thế đào được bao nhiêu anh Trai và anh Lực cũng không đủ khoai mài để bán. Đôi khi các thương lái phải đặt cọc trước để tránh tình trạng hụt hàng.

Chị Trần Thị Hà, một thương lái thu mua khoai mài cho biết: “Khoai mài vùng cát ngon ngọt, dáng củ đẹp nên làm thuốc hay làm món ăn đều rất được ưa chuộng. Mỗi năm, tôi thường đóng hàng cho khách, nhất là khách quen ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Là loại củ tự nhiên nên sản lượng không cao, vì thế đôi khi chưa đến mùa, có khách đã dặn trước để được thưởng thức khoai mài”.

Với những người thợ, khoai mài vùng cát là loại củ mang lại thu nhập cao để nuôi sống gia đình, vì thế, không chỉ hỗ trợ nhau tránh rủi ro từ côn trùng, mỗi người đều nhắc nhở nhau và tự nâng cao ý thức để khai thác khoai mài bền vững.

Anh Trai nói: “Khi gặp khu vực có khoai mài, tôi sẽ tránh đào củ quá nhỏ mà chia lẻ khu vực để khoai có thời gian sinh trưởng. Với những củ được đào, người đào sẽ tránh cắt đứt dây củ mà chỉ bẻ ngang phần dây nối liền củ rồi tiếp tục vùi dây khoai xuống đất. Cách làm này sẽ tạo điều kiện cho dây khoai tiếp tục sinh trưởng cho những năm sau. Ngoài ra, khoai mài còn sinh trưởng bằng củ phụ mọc ở dây, việc rải củ này trên trảng cát nơi râm mát cũng là cách để khoai được nhân giống nhanh hơn”.

Ngoài phương pháp khai thác bền vững, ba năm nay, những người nông dân tại huyện Phú Lộc đã thuần hóa và trồng thành công khoai mài trên đồng cát. Điều này, vừa tạo thu nhập ổn định cho người nông dân, vừa góp phần tạo nguồn lợi bền vững và hiệu quả cho loại củ đặc sản vùng cát này.

Mai Huế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/dao-cat-tim-khoai-153653.html