Đảo chính ở Niger: Chuyện gì xảy ra nếu liên quân khối Tây Phi can thiệp quân sự?
Các quốc gia Tây Phi hầu hết đều có lực lượng quân sự hùng hậu và nếu phát động tấn công, phe quân đội đảo chính ở Niger sẽ không chống đỡ được lâu. Vấn đề nằm ở sự quyết tâm và phối hợp giữa các nước thành viên trong khối, theo AP.
Binh sĩ ECOWAS làm nhiệm vụ ở Gambia vào năm 2017.
Lập trường của khối khu vực Tây Phi, được gọi là Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS), trong vấn đề đảo chính ở Niger rất rõ ràng. "Chúng tôi ủng hộ thượng tôn pháp luật", chủ tịch khối, Tổng thống Nigeria Bola Tinubu nói, theo AP.
Lãnh đạo quân sự của 15 quốc gia trong khối ECOWAS hôm 2/8 đã tới Nigeria để họp bàn về cách giải quyết nếu Tổng thống Niger Mohamed Bazoum không được phe đảo chính khôi phục quyền lực trong vòng một tuần.
Ngược lại, tướng Abdourahamane Tiani, người chỉ huy cuộc đảo chính, lãnh đạo chính quyền quân sự hiện tại ở Niger, đã đưa ra tuyên bố không lùi bước. "Chúng tôi bác bỏ toàn bộ những lệnh trừng phạt này và từ chối nhượng bộ trước mọi mối đe dọa", ông Tiani nói.
Theo tiết lộ của một nhà ngoại giao phương Tây, ECOWAS đang nghiêng về giải pháp quân sự sau nỗ lực trừng phạt kinh tế, phong tỏa biên giới với Niger thất bại.
ECOWAS huy động quân đội sau khi Tổng thống thất cử của Gambia từ chối từ bỏ quyền lực.
Vấn đề là khối có thể chuyển hóa lời nói thành hành động như thế nào, Aneliese Bernard, giám đốc nhóm Cố vấn Ổn định Chiến lược có trụ sở ở Mỹ, trước đây từng làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ ở Niger, nói với AP.
"Vấn đề nằm ở lòng tin của các nước thành viên ECOWAS. Sự thiếu tin tưởng lẫn nhau có thể khiến ECOWAS không đưa ra được biện pháp phối hợp", bà Bernard nói.
Trong quá khứ, ECOWAS từng thành lập lực lượng liên minh làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở nhiều quốc gia. ECOSWAS cũng từng sử dụng vũ lực để khôi phục trật tự ở các nước thành viên. Gần đây nhất là vào năm 2017, khi Tổng thống Gambia Yahya Jammeh từ chối từ bỏ quyền lực dù đã thất cử. Kết quả là lực lượng trung thành với ông Jammeh thất bại trước liên quân ECOWAS. Ông Jammeh phải rời đất nước, sống lưu vong.
Niger cũng là quốc gia thành viên nên ECOWAS coi đây là cơ sở tính đến giải pháp quân sự nhằm khôi phục quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum, người nắm quyền ở Niger thông qua bầu cử hợp pháp.
Theo Bacary Sambe, nhà phân tích xung đột tại viện Timbuktu ở Senegal, Niger là quốc gia không giáp biển, phụ thuộc vào Nigeria và Benin trong hoạt động giao thương và cung cấp năng lượng. Do đó, nếu liên quân ECOWAS quyết định sử dụng vũ lực, phe đảo chính ở Niger sẽ không trụ được lâu.
Binh sĩ ECOWAS tuần tra trên đường phố Gambia năm 2017.
Để giải pháp quân sự có thể được thực hiện, ECOWAS cần chuẩn bị phương án hậu cần và tài chính. Nhưng phương Tây có thể đóng vai trò hỗ trợ, Kabir Adamu, người sáng lập Beacon Consulting, một công ty tư vấn bảo mật có trụ sở tại Nigeria, nói với AP.
"Can thiệp quân sự là vấn đề phức tạp, nhưng nếu có Mỹ và Pháp ủng hộ, các thách thức và khó khăn có thể được giải quyết", Adamu nói.
Xét về quy mô lực lượng, ECOWAS chắc chắn sẽ huy động quân số lớn hơn nhiều so với 7.000 quân khi chống lại Tổng thống thất cử của Gambia.
9 trong số 20 quốc gia có lực lượng quân sự mạnh nhất châu Phi đều ở Tây Phi. Nigeria, quốc gia thành viên quan trọng của khối, sở hữu lực lượng đông đảo nhất với 230.000 quân.
Hầu hết diện tích lãnh thổ Niger là sa mạc trong khi thủ đô Niamey nằm ở phía tây nam, cách biên giới Nigeria khoảng 400km. Nigeria có thể sẽ đóng vai trò chủ chốt nếu các quốc gia trong khối quyết định thực hiện giải pháp quân sự.
Vấn đề hiện tại là sự phản đối của số ít các nước thành viên trong khối, bao gồm Burkina Faso, Mali. Guinea, một nước thành viên khác, tuy không đưa ra phản ứng mạnh nhưng đã tuyên bố không tham gia các biện pháp trừng phạt Niger.
Nhìn chung, ECOWAS sẽ phải giải quyết bất đồng nội bộ, ít nhất đảm bảo rằng Mali và Burkina Faso không can thiệp trước khi có thể tính tới giải pháp quân sự, các chuyên gia nhận định.