Đảo chính ở Niger: Tâm lý chống Pháp dâng cao, người biểu tình tiếp tục yêu cầu Paris rút quân
Hàng trăm người biểu tình đã dựng trại bên ngoài một căn cứ quân sự của Pháp ở thủ đô Niamey của Niger suốt 6 ngày qua để yêu cầu Paris rút quân khỏi quốc gia Tây Phi.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy tâm lý chống Pháp dâng cao trong số những người ủng hộ cuộc đảo chính quân sự ở Niger hồi cuối tháng 7 vừa qua.
Cuộc biểu tình bắt đầu từ hôm 2/9, khoảng 5 tuần sau khi quân đội Niger lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum và nắm quyền lãnh đạo đất nước trong cuộc đảo chính bị lên án rộng rãi ở nước ngoài nhưng lại nhận được sự tán thưởng của nhiều người ở trong nước.
Quan hệ giữa Niger và “cựu mẫu quốc” Pháp đã trở nên xấu đi khi Paris tuyên bố chính quyền quân sự ở quốc gia Tây Phi là bất hợp pháp, qua đó kích động tâm lý chống Pháp.
Đã và đang xuất hiện nhiều lời kêu khoảng 1.500 binh sĩ Pháp - vốn đang đồn trú tại Niger để tham gia cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo ở khu vực Sahel - rời khỏi quốc gia Tây Phi. Tuy nhiên, Paris tới nay vẫn bác bỏ những lời kêu gọi này
Các hoạt động tuần hành ủng hộ chính quyền quân sự liên tục diễn ra kể từ cuộc đảo chính. Trong khi đó, đám đông người biểu tình trước căn cứ quân sự của Pháp tiếp tục tăng thêm và không cho thấy dấu hiệu sẽ rời đi.
Trước đó, ngày 6/9, Người phát ngôn chính phủ Pháp Olivier Veran xác nhận đã có một số cuộc đàm phán giữa các quan chức quân sự địa phương của Pháp và Niger nhằm phối hợp hoạt động trên thực tiễn.
Trong cuộc họp báo thường kỳ hàng tuần, ông Veran cũng nhắc lại quan điểm của Pháp rằng, nước này chỉ công nhận chính phủ dân cử của Tổng thống Mohamed Bazoum - người hiện đang bị giam giữ sau cuộc đảo chính - và xem đây là nhà lãnh đạo hợp pháp của quốc gia Tây Phi này.
Trước đó, nhật báo Le Monde ngày 5/9 đưa tin, Paris đã bắt đầu đàm phán với một số quan chức quân đội Niger về việc rút một số binh sĩ khỏi quốc gia châu Phi này sau cuộc đảo chính hồi tháng 7.
Le Monde dẫn một số nguồn thạo tin giấu tên của Pháp cho hay, trong giai đoạn này, cả số lượng binh sĩ Pháp liên quan cũng như thời gian họ rút khỏi quốc gia Tây Phi này đều chưa được quyết định. Theo tin trên, cuộc đàm phán không được tổ chức với các thủ lĩnh đảo chính mà là với các quan chức quân đội chính quy mà Pháp đã hợp tác từ lâu.