Đảo chính tại Niger: Algeria đẩy mạnh ngoại giao tìm giải pháp hòa bình
Với quyết tâm sớm tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại quốc gia láng giềng Niger sau cuộc đảo chính đêm 26/7, chính phủ Algeria đang đẩy mạnh các nỗ lực tiếp xúc ngoại giao với bên các bên liên quan.
Một quan chức hàm Vụ trưởng trong Bộ Ngoại giao Algeria đã được cử đến Niamey để thảo luận với chính quyền quân sự Niger về giải pháp hòa bình tháo gỡ thế bế tắc chính trị hiện nay ở Niger sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum đêm 26/7. Quan chức này được phái cử vào hôm nay (25/8).
Động thái được tiến hành chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Algeria Ahmad Ataf khởi động chuyến công du đặc biệt tới 3 nước thành viên Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) là Nigeria, Benin và Ghana, nhằm thảo luận với giới chức các nước này về biện pháp chấm dứt tình trạng khủng hoảng hiện nay tại Niger.
Nigeria, Benin và Ghana là những thành viên có quan điểm ủng hộ các biện pháp cứng rắn của ECOWAS, bao gồm cả biện pháp can thiệp quân sự, để khôi phục trật tự Hiến pháp tại Niger. Trong khi đó, Algeria chủ trương tìm kiếm giải pháp ngoại giao và phản đối mọi hành động can thiệp quân sự vào Niger. Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, Thủ tướng Algeria Aymen Benabderrahmane đã khẳng định nước này không ủng hộ hay tham gia bất kỳ hành động quân sự nào vào quốc gia láng giềng.
Lập trường này tiếp tục được Ngoại trưởng Ahmad Ataf nhấn mạnh trong chuyến công du tới 3 nước Tây Phi: “Chúng tôi không ủng hộ hành động xâm phạm nền dân chủ và trật tự Hiến pháp tại Niger, nhưng cũng không cho phép các hành động làm tổn hại đến an ninh, sự ổn định và quyền tự quyết của người dân Niger anh em. Chúng tôi không do dự và đang nỗ lực ở mức cao nhất có thể để tìm kiếm giải pháp chính trị và hòa bình cho cuộc khủng hoảng”.
Ngoài Algeria, một số quốc gia khác trong ECOWAS cũng phản đối mạnh mẽ ý tưởng can thiệp quân sự của khối này vào Niger. Đặc biệt, hai quốc gia đã bị đình chỉ tư cách thành viên tại ECOWAS là Mali và Burkina Faso thậm chí ra tuyên bố chung coi hành động can thiệp quân sự vào Niger là sự tuyên chiến với hai nước này.