Đảo Cồn Cỏ

Là nơi ghi dấu những năm tháng lịch sử chiến đấu anh hùng của dân tộc để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ngày nay, đảo Cồn Cỏ (thuộc tỉnh Quảng Trị) còn là một điểm đến du lịch lý tưởng với thiên nhiên trong lành và yên ả.

Vắt ngang vĩ tuyến 17, đảo Cồn Cỏ cách cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) khoảng 30 km. Từ địa đạo Vịnh Mốc, phóng tầm mắt phía biển, Cồn Cỏ là một vùng xanh ngăn ngắt giữa biển khơi mênh mông. Cồn Cỏ còn có tên gọi khác là đảo Con Hổ, đảo Hòn Mệ. Từ bờ biển Vĩnh Linh nhìn ra khơi xa, trong những ngày nắng, cũng có thể thấy đảo Cồn Cỏ hiện lên giữa muôn trùng sóng nước.

1. Đảo Cồn Cỏ có diện tích khoảng 4 km2, độ cao từ 5- 30 mét so với mặt nước biển. Giữa đảo có một đỉnh đồi nhô lên với chiều cao 63 mét. Tuy chỉ cách đất liền chưa đến 30km, nhưng với các phương tiện thông thường thì không thể ra đảo được khi gặp gió cấp 6 trở lên. Nhưng, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, hàng trăm chiến sĩ tự vệ của Vĩnh Linh không quản hiểm nguy, bằng phương tiện thô sơ đã chở vũ khí, lương thực từ đất liền ra tiếp tế cho đảo. Nhiều người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển khơi vì gió to sóng lớn hoặc vì bom đạn ác liệt của kẻ địch.

Đến nay, đảo Cồn Cỏ vẫn vững vàng là vị trí đảo tiền tiêu của Tổ quốc, trên con đường biển từ Bắc vào Nam. Đảo không chỉ còn là nơi canh giữ biển trời Tổ quốc mà nay cuộc sống sinh hoạt đã trở nên sôi động với việc định cư của nhiều hộ dân. Trường học, trạm xá không khác gì đất liền. Và, Cồn Cả cũng đã trở thành địa điểm du lịch thú vị với nhiều người.

Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ.

Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ.

Đảo Cồn Cỏ có hệ thống thực vật phong phú. Là một đảo nhỏ nhưng vẫn có rừng, có đồi tranh rậm rạp chiếm 3/4 diện tích đảo. Rừng trên đảo có những loài cây lạ mà trong đất liền không có; có cây thân cao vằn vèo nhiều đốt; có cây thân thẳng, da nhẵn như cây ổi nhưng rất to cao, gỗ cứng và nặng, khi bị xây xát nhựa chảy ra có màu đỏ như máu nên gọi là cây “dầu máu”. Lại có loài khoai dại, lá to hơn tàu lá chuối. Trên đảo Cồn Cỏ còn có cả những vạt rừng bàng, vào mùa thu lá đỏ ối cả một vùng.

Để làm phong phú thêm cảnh vật, môi trường trên đảo và cung cấp thêm nguồn thực phẩm cho đảo, năm 1989, Tỉnh đoàn Quảng Trị đã đem 4.000 cây dừa, tượng trưng cho 4.000 năm dựng nước và giữ nước ra trồng trên đảo. Đến nay, dừa đã xanh tốt và cho trái.

Về hệ động vật, tuy không đa dạng nhưng Cồn Cỏ cũng có những chủng loại độc đáo. Trên bầu trời xanh chim cu cườm, chim én chao liệng. Dưới đất thì có loài rắn lục xanh nhỏ dùng làm thuốc rất quý. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là loài cua đá to gần bằng bàn tay, là nguồn thực phẩm dồi dào và quan trọng cho những người sống trên đảo. Ngoài biển thì có giống rắn biển (người dân gọi là “con đẻn”) dài khoảng một sải tay, ngâm rượu làm thuốc chữa đau lưng, nhức mỏi. Dưới biển thì có hải sâm đen, hải sâm trắng to bằng ngón chân cái, dài bằng gang tay, vừa là vị thuốc quý, vừa là món ăn cao cấp, được xếp ngang với yến sào. Ven bờ của đảo có loài ốc nón, luộc ăn rất ngon, vỏ ốc có thể tận dụng làm đồ trang sức, mỹ nghệ...

Làm đẹp cho đảo bằng những bích họa.

Làm đẹp cho đảo bằng những bích họa.

2. Cua Đá là loại cua vừa sống trên cạn, vừa sống dưới nước. Ở Việt Nam chỉ có hai nơi có nhiều của đá là đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) và Cù lao Chàm (Quảng Nam).

Trong quyết định thành lập Khu bảo tồn Cồn Cỏ của UBND tỉnh Quảng Trị, thì cua đá là một thành tố quan trọng.

Khảo sát của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ cho biết, với cua đá, vào mùa vụ sinh sản số lượng trứng trung bình có 140.000 trứng/con. Như vậy, chúng sẽ dễ dàng phủ khắp đảo chỉ qua vài lần sinh sản nếu có điều kiện thích hợp. Nếu được bảo vệ và phát triển hợp lý có thể đưa cua đá từ chỗ có nguy cơ suy kiệt đến phát triển ổn định về số lượng và chất lượng, từ đó có thể xây dựng thành một sản phẩm du lịch để phục vụ nhu cầu người dùng, góp phần phát triển kinh tế cho người dân.

Giá trị thương phẩm của cua đá cao (khoảng 600.000 đồng/kg), nên cua đá bị săn lùng. Thời gian qua, dù có nhiều nỗ lực bảo tồn nhưng số lượng của đá cũng giảm sút, kích cỡ của cua cũng không còn lớn như trước do chúng bị bắt quá sớm.

Vì thế vấn đề đặt ra là cần biện pháp bảo tồn loài cua quý hiếm này. Cho tới nay, chính quyền tỉnh Quảng Trị cũng đã có nhiều biện pháp trong nỗ lực bảo tồn và phát triển đàn cua đá. Tuy nhiên, để có được kết quả như mong muốn thì cần nhiều hơn nữa những biện pháp cụ thể, trong đó là việc phát huy vai trò trách nhiệm của ban quản lý khu bảo tồn.

Thống kê của ngành du lịch tỉnh Quảng Trị, từ năm 2017 đến năm 2019, Cồn Cỏ thu hút trên 13.550 lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 14,6 tỷ đồng. Du lịch phát triển góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân. Tới nay, Cồn Cỏ đã là hòn đảo xanh tươi, là điểm du lịch thú vị đối với nhiều người.

Hoàng Bảo Thư

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dao-con-co-546177.html