Đảo Cồn Cỏ: Điểm du lịch khám phá hút khách tại Quảng Trị
Đến Quảng Trị, du khách thường đến thăm các điểm du lịch nổi tiếng như Thành Cổ, dòng sông Thạch Hãn, cầu Hiền Lương, Thánh địa La Vang, địa đạo Vĩnh Mốc. Gần đây đảo Cồn Cỏ cũng được đưa vào khai thác du lịch và trở thành điểm khám phá mới đối với du khách khi tới Quảng Trị.
Quảng Trị: Tiềm năng phát triển du lịch về thăm chiến trường xưa
Hàng năm, những ngày tháng Tư lịch sử, hàng vạn người dân lại về Quảng Trị anh hùng, hướng về Ngày hội “Thống nhất non sông” để tri ân và tưởng nhớ công ơn của những người anh hùng đã ngã xuống trong chiến tranh.
Ngày nay, trong những dòng người về thăm Thành Cổ, sông Thạch Hãn - Quảng Trị có những người lính già lặng lẽ ngồi khóc, họ là những người may mắn sống sót trong những ngày hè đỏ lửa của Quảng Trị. Mỗi năm, họ đều dành thời gian để đến thăm đồng đội, ngồi cùng đồng đội, khóc cùng đồng đội. Không chỉ những người lính năm xưa về thăm Thành Cổ, thăm dòng Thạch Hãn, mà còn các em học sinh, sinh viên.
Quảng Trị, mảnh đất gắn liền với lịch sử thống nhất non sông đất nước. Trở về mùa hè năm 1972, tại Thành Cổ khoảng 328.000 tấn bom đạn của giặc Mỹ đã dội xuống mảnh đất này, ngày cũng như đêm, trời và đất Quảng Trị đỏ rực một màu của máu và lửa, không một nhành cây, một cành hoa hay một ngọn cỏ nào có thể sống được.
Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa hề có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ đánh vào một tòa Thành Cổ và thị xã Quảng Trị rộng chưa đầy 3km2, khiến đối phương có thể huy động một lực lượng hải, lục, không quân đông và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy. Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị như một bản lề quan trọng góp phần mở ra con đường đi tới thống nhất đất nước. Chiến dịch đã thay đổi cơ bản cục diện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh đến bờ vực phá sản. 81 ngày đêm anh dũng của quân và dân ta đã làm thất bại âm mưu tái chiếm thị xã Quảng Trị của địch hòng gây sức ép tại Hội nghị Paris. Suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, hàng ngàn người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống, các anh nằm lại nơi đồng đất quê hương, hóa thân thành "trầm tích linh thiêng gắn bện vào lịch sử" và "ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng".
Những chiến sĩ Thành Cổ đã chiến đấu ngoan cường từ ngày 28/6/1972 đến 16/9/1972, tiêu diệt 2 sư đoàn cơ động chiến lược của địch, diệt 26.000 tên, bắt sống 71 tên, đánh thiệt hại nặng 19 tiểu đoàn, phá hỏng 349 xe quân sự trong đó có 200 xe tăng và thiết giáp, bắn rơi 205 máy bay, thu 500 súng các loại.
Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hiệp định Geneve được ký kết vào tháng 7/1954, cầu Hiền Lương- sông Bến Hải trở thành giới tuyến chia cắt 2 miền đất nước trong suốt 21 năm.
Trong cuộc chiến 81 ngày đêm đó, dòng sông Thạch Hãn là con đường tiếp tế nhân lực, vật lực chủ yếu cho mặt trận Quảng Trị. Để cắt con đường tiếp tế đó, địch điên cuồng ném bom bắn phá, rất nhiều chiến sĩ ta đã nằm lại trên dòng sông. Đặc biệt ngày 16/9/1972, ngày cuối cùng của 81 ngày đêm, sau khi nhận lệnh cấp trên rút toàn bộ quân sang bờ Bắc của sông để bảo toàn lực lượng, hàng trăm chiến sĩ và thương binh sau nhiều ngày ngâm mình trong nước, đói rét đã không còn đủ sức để chống chọi với dòng nước lũ. Sông Thạch Hãn một lần nữa trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị anh hùng. Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ, các anh chẳng để lại gì trước lúc hy sinh.
Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hiệp định Geneve được ký kết vào tháng 7/1954, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải trở thành giới tuyến chia cắt 2 miền đất nước trong suốt 21 năm.
Dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, quân, dân giới tuyến vẫn quyết tâm bảo vệ lá cờ của Tổ quốc. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh kỳ đài chính là biểu tượng của niềm tin, ý chí và sức mạnh không bao giờ gục ngã của nhân dân ta trong cuộc chiến đấu đầy kiên cường, cam go đó. Nơi đây, đã trở thành tuyến đầu của miền Bắc, cùng nhân dân cả nước bước vào công cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc và chi viện cho miền Nam đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước.
Quảng Trị với định hướng phát triển du lịch tâm linh và thăm lại chiến trường xưa, nhắc nhở bao thế hệ luôn nhớ về công ơn những người đã ra đi cho Tổ Quốc.
Đảo Cồn Cỏ: Điểm du lịch khám phá mới
Ngoài du lịch tâm linh, thăm lại chiến trường xưa, Quảng Trị đang xây dựng chiến lược" Du lịch biển đảo". Quảng Trị có biển Cửa Tùng, Cửa Việt và Đảo Cồn Cỏ được xem chiến lược phát triển du lịch trong thời gian sắp tới. Trong đó, đảo Cồn Cỏ đang là điểm du lịch khám phá thu hút nhiều du khách khi tới Quảng Trị.
Đảo Cồn Cỏ là tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, là nơi gắn liền với những trận chiến đấu ác liệt để bảo vệ đất nước, thể hiện truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng. Đây là một huyện đảo có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để phát triển du lịch, đảo Cồn Cỏ cách cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh khoảng 15 hải lý. Đảo Cồn Có có diện tích khoảng 4 km2, chu vi 8 km, độ cao từ 5-30m so với mặt nước biển với hình dạng hơi tròn. Với vị trí đặc biệt quan trọng là điểm phân chia Vịnh Bắc Bộ – Cửa ngõ phía Nam của Vịnh Bắc Bộ.
Đảo Cồn Cỏ có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp với rừng nguyên sinh, hải sản phong phú. Đảo Cồn Cỏ là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn thoát khỏi cuộc sống ồn ào, khói bụi của thành phố tìm về chốn yên tĩnh thanh bình. Hiện nay tour du lịch Cồn Cỏ được đánh giá là tour du lịch hấp hẫn khi đến Quảng Trị. Công ty Du lịch Ken Travel - Quảng Trị đã thiết kế hành trình cho du khách khi ghé thăm Đảo Cồn Cỏ. Du khách sẽ ghé thăm Đài tưởng niệm – đồi 37, nơi đây tôn vinh những người lính anh dũng, hy sinh xương máu của mình để bảo vệ biển đảo Tổ Quốc.
Tiếp là Bến Tranh, nằm ngay kế bên cầu cảng, Bến Tranh hiện được xây dựng thành một bãi tắm để du khách có thể thoải mái bơi lội, dạo chơi hay nghỉ ngơi ngắm cảnh biển, Cồn Cỏ được hình thành từ nham thạch núi lửa. Chính vì vậy, bãi đá có màu đen tuyền rất đặc trưng.
Trong chuyến đi khám phá đảo, du khách ghé thăm bến Bến Nghè, hay còn gọi là bờ kè đảo Cồn Cỏ, đây là điểm du lịch tự nhiên đẹp nhất đảo, nơi đón tia nắng đầu tiên trên đảo. Gió biển lồng lộng thổi, những đợt sóng triền miên vỗ vào bậc đá, bên cạnh đó là những gốc bàng vuông vững chãi vươn mình ra như một hàng rào bảo vệ đảo khỏi những khắc nghiệt của biển khơi. Bến Nghè chính là nơi cập bến của những người đêm đêm vượt biển tiếp tế cho đảo trong chiến tranh, đây cũng là điểm đến thú vị khi du khách khi đặt chân đến đảo…
Điểm gây ấn tượng du khách khi đến thăm Cồn Cỏ, là ngọn hải đăng. Nhìn từ xa, ngọn hải đăng đứng sừng sững giúp tàu thuyền định hướng và là cột mốc hết sức quan trọng để xác định đường cơ sở biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đối với đảo Cồn Cỏ. Từ trên đỉnh ngọn hải đăng, các bạn có thể phóng tầm mắt nhìn bao quanh toàn đảo.
Ngay bên cạnh ngọn Hải Đăng là Đài quan sát Thái Văn A. Thái Văn A là chiến sĩ trinh sát trên đảo Cồn Cỏ, làm nhiệm vụ quan sát tại đỉnh 63 trên đồi cao nhất đảo để xác định vị trí máy bay hay tàu chiến đối phương, rồi thông báo cho các đơn vị pháo cao xạ bắn vào mục tiêu. Do có công lao lớn nên sau này được đặt tên cho ngọn đồi trên đảo Cồn Cỏ. Ngoài ra còn có một số điểm tham quan khác như Giếng cổ, Biển Đá Đen, Mõm Hổ, hồ Nước Ngọt, Bến Sông Hương, nghĩa trang huyện hoặc một số đồn cũ của quân dân ta thời chiến...
Du khách cũng được khám phá rừng nguyên sinh Cồn Cỏ, rừng nhiệt đới vẫn còn nguyên trạng là nơi trú ngụ của nhiều sinh vật, được ví như lá phổi xanh của hòn đảo, với tổng diện tích cây che phủ lên đến hơn 70% diện tích của đảo. Được đánh giá là hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng, là hệ sinh thái rừng khá hiếm của núi lửa Việt Nam, các loại cây đặc trưng của vùng biển đảo như: Cây Bàng vuông, cây Dứa dại, cây Phong ba và nhiều cây thuốc quý như: giảo cổ lam, chuối rừng. Chính vì vậy, khám phá khu rừng nguyên sinh trên đảo giữa biển khơi cũng là trải nghiệm thú vị khi đặt chân đến hòn đảo này.
Lặn ngắm san hô là cũng là hoạt động trải nghiệm tuyệt vời, đảo Cồn Cỏ còn có hệ sinh vật biển thuộc loại phong phú nhất, đẹp nhất của Việt Nam. Các loài rong biển, tảo biển, san hô vô cùng sặc sỡ nhiều màu sắc làm nên không gian biển dưới nước sinh động tràn đầy sức sống. Cồn Cỏ có hơn 50 loài rong biển, sẽ thuộc các loại khác nhau, trong đó nhiều loại rong biển bán được giá cao.
Có tới 109 loài san hô, trong đó có nhiều loại quý hiếm mà đặc biệt là san hô đỏ và san hô đen. Vẻ đẹp độc đáo, hiếm có của những dải san hô đen huyền bí bao quanh đảo như lời mời gọi hấp dẫn mà du khách ưa khám phá khó lòng cưỡng lại. Khi đến đảo Cồn Cỏ, du khách cũng không bỏ qua dịp ngắm những loài san hô tuyệt đẹp, đắm mình vào không gian đa sắc màu dưới nước biển, và các hoạt động khác như đi câu cá, câu mực đêm cùng ngư dân.
Ẩm thực cũng là điểm thu hút du khách khi đến Cồn Cỏ, du khách có thể thưởng thức món Hàu Vua chỉ có tại Cồn Cỏ, loại hàu này có con to bằng đầu người, ngoài ra còn có các món hải sản tươi ngon như tôm, cá biển, ốc mắt ngọc, ốc đồi, ốc thổ. Rong biển cũng là món đặc trưng của vùng Cồn Cỏ, món ăn này cũng khiến du khách thích thú với ẩm thực đặc trưng nơi đây.
Ông Phạm Hoàng Phương - Giám đốc Công ty Du lịch Ken Travel, một trong những công ty chuyên thiết kế tour ra Cồn Cỏ chia sẻ: “Du lịch Quảng Trị cần có chiến lược truyền thông và bài toán kích cầu bài bản để phát triển du lịch đảo Cồn Cỏ. Với những thế mạnh về tự nhiên tour du lịch biển đảo Cồn Cỏ sẽ thu hút du khách đến với Quảng Trị nhiều hơn.
Theo lãnh đạo Hội Du lịch Cộng Đồng Việt Nam: “Huyện đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị được xác định là tour du lịch trải nghiệm và khám phá, với những tiềm năng đặc trưng riêng của mình. Tuy nhiên, làm sao cân đối được lượng khách đến vừa đủ, đang là bài toán cho Cồn Cỏ. Bên cạnh đó, khi xây dựng tour cho Cồn Cỏ cũng cần xác định khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên như thế nào để khỏi ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên ở nơi đây.