Đảo, đá bị Trung Quốc vũ khí hóa trên Biển Đông có giá trị khi chiến tranh?
Những thực thể mà Trung Quốc tiêu tốn tiền sức bồi đắp, cải tạo, vũ trang trái phép, trên Biển Đông chỉ là những 'căn cứ giấy'.
Hình ảnh Đá Chữ Thập - nơi bị Trung Quốc bồi đắp, cải tạo thành đảo nhân tạo
Vô dụng nếu chiến tranh xảy ra
Theo đánh giá được rút ra từ bài viết được đăng tải trên tạp chí Tàu biển và Hàng hải của Tập đoàn Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc, hãng tin CNN dẫn lại: những thực thể mà Trung Quốc (cải tạo, bồi đắp trái phép – PV) trên Biển Đông rất dễ bị tấn công, khả năng phòng thủ thấp trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Vì những đảo, đá nhân tạo được chiếm đóng và bồi đắp phi pháp này tồn tại nhiều điểm yếu tự nhiên chẳng hạn như vị trí địa lý.
Chúng nằm biệt lập ở vùng biển rất xa so với cả đất liền Trung Quốc và các đảo, đá khác trên Biển Đông (mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trái phép). Nên trong trường hợp xảy ra chiến tranh, các đảo đá nhân tạo này gần như là vô dụng, không có khả năng tự vệ và cũng không có ích cho chiến lược tấn công.
“Kể cả tàu viện trợ có chạy với tốc độ nhanh nhất cũng phải mất 1 ngày mới đến được nơi” – tạp chí này viết.
Tuy một số đảo có đường băng nhưng phần lớn những loại chiến đấu cơ có khả năng triển khai phải rất vất vả mới có thể di chuyển kịp thời giữa các đảo để nếu muốn có hiệu quả. Quãng đường xa sẽ tốn khá nhiều nhiên liệu.
Ngoài ra, Bắc Kinh có 2 tàu sân bay hoạt động và trên lý thuyết các tàu này hoàn toàn có thể được triển khai ra Biển Đông nhưng năng lực thực tế thì chưa thể.
Cũng vì vị trí quá xa, những căn cứ được xây dựng trái phép trên Biển Đông này có thể bị phục kích rất cao và lại nằm trong tầm tấn công của cả hệ thống tên lửa tầm xa Mỹ và Nhật hoặc các lực lượng hải quân.
Chưa kể, vì biệt lập nên nơi đây rất dễ bị bao vây, cắt đứt nguồn sống của các lực lượng trên đảo. “Thông thường không thể dự trữ nhân lực và nguồn lực ngầm trong thời gian dài” – tạp chí chỉ ra.
Vì sao Trung Quốc vẫn "đổ tiền xuống biển"?
Đánh giá về các nhận định trên tạp chí của Trung Quốc, ông Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao về chiến lược và năng lực quốc phòng tại Viện Chính sách Chiến lược Australia còn chỉ ra nhiều vấn đề khác khiến cho việc phòng thủ trên các đảo đá mà Trung Quốc bồi đắp, xây dựng trái luật trên Biển Đông.
Điển hình, “điều kiện môi trường trên Biển Đông rất khắc nghiệt – thời tiết xấu, sự ăn mòn của nước biển – khiến cho mọi nỗ lực triển khai bất cứ tài sản nào trên các căn cứ này để tự phòng vệ là bất khả thi” – ông Davis chia sẻ trên CNN.
Theo vị chuyên gia, những cỗ máy chiến đấu cơ đắt đỏ và phức tạp gần như không thể hoạt động trong vòng 1 tuần trên các đảo này”.
Do vậy, từ các nhận định trên, nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc vẫn đổ tiền xây dựng các đảo đá, trang bị vũ trang phi pháp bất chấp chúng vô dụng có lẽ là bởi họ muốn duy trì sự hiện diện vĩnh viễn tại đây hòng kiểm soát và làm chủ các tuyến đường biển quốc tế.
Lâu nay, Trung Quốc không ngừng gia tăng tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông và vấp sự phản đối từ các nước trong khu vực cũng như trên quốc tế.
Từ năm 2014, Bắc Kinh đã xây dựng, bồi đắp nhiều đảo, đá nhỏ thành các đảo nhân tạo và trang bị vũ trang hạng nặng như tên lửa, đường băng cùng các hệ thống vũ khí, làm dấy lên làn sóng phản đối kịch liệt từ nhiều quốc gia.
Những hành động trên cũng bị rất cường quốc và tổ chức thế giới chỉ trích, kêu gọi Bắc Kinh phải tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước về Luật biển.