'Tôi tự hào với những gì tôi đã làm được trong suốt hành trình '99 ngày xuyên Việt cùng Mai'. Chẳng khi nào là muộn để bạn dám làm, dám sống một cuộc đời rực rỡ khi bạn yêu thương, trân trọng chính mình', nhà báo, đạo diễn Bông Mai chia sẻ.
Với đồng bào Dao đỏ ở bản Nhem, tỉnh Sơn La Bà cụ người Dao đỏ năm nay hơn 70 tuổi nhưng đây là lần đầu tiên được chụp ảnh.
Hành trình 99 ngày xuyên Việt của nhà báo, đạo diễn Bông Mai bắt đầu từ ngày 2/2/2022 và kết thúc vào ngày 6/6/2022. Chị đã đi qua các vùng Tây Bắc bộ, Đông Bắc bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Đó không chỉ là trải nghiệm cảnh đẹp mà còn là cuộc gặp gỡ những con người, những màu sắc văn hóa. Bông Mai đã đi được 10.000 km trong hành trình chinh phục nhiều cung đường, kể cả những đường đèo được cho là thử thách đối với các phượt thủ.
Chị đã gặp gỡ người dân ở 35 dân tộc, chụp và ghi hình được 55 bộ trang phục, thu được 49 làn điệu dân ca. Nữ nhà báo cũng "check-in" được 4 cực của đất nước, đi trọn vẹn một vòng các tỉnh miền sông nước. Trong hành trình 99 ngày ấy, Bông Mai đã được trải qua cả 4 mùa trong suốt chuyến đi.
Hành trình đi qua miền Tây Bắc, chị gặp phụ nữ các dân tộc: Bố Y, Dao, La Hủ, Si La, Thu Lao, Pa Dí… Đi qua vùng Đông Bắc, chị có những câu chuyện đầy cảm hứng với những người dân tộc Cơ Lao, La Chí, Sán Chỉ, Tày, Mông…
Qua Tây Nguyên, chị đến với nét đẹp của người Ê Đê, HRê, Cơ Ho, Gia Rai... rồi người Chăm ở Nam Trung bộ hay người Thổ ở Bắc Trung bộ…
Tất cả đều là những cuộc gặp không hẹn trước nhưng tràn đầy cảm xúc và kỷ niệm. Với những người được gặp, Bông Mai đều trò chuyện và ghi lại tỉ mỉ bằng nhật ký hoặc bằng những thước phim, bức ảnh lột tả nét văn hóa đặc trưng vùng miền.
Giấc mơ Đây là chiếc ghế của em Mua, 10 tuổi, người dân tộc Mông tại Lũng Cú, tỉnh Hà Giang. Em Mua bị liệt tứ chi sau một trận sốt khi 10 tháng tuổi. Cuộc sống của Mua chỉ gắn liền với giường và chiếc ghế này. “Cùng Mua khôn lớn” là một hành trình mà Bông Mai mong muốn được thực hiện để giúp Mua có cơ hội như bao bạn bè của em được đến trường, được vui chơi. “Để gặp được Mua, tôi tin chúng tôi có duyên với nhau, câu đầu tiên Mua gặp tôi và hỏi: “Cô là ai mà cô đến thăm con?”. Chính vì câu hỏi đó tôi nhận ra em không hề có vấn đề gì về não bộ. Trước khi chia tay, Mua có nói với tôi: “Cô đi thì cô nhớ quay về thăm con”. Lời hứa của tôi đối với Mua là giúp em có cơ hội chữa bệnh, thực hiện giấc mơ được đến trường học như các bạn”, Bông Mai chia sẻ. Và chị đã kết nối với bệnh viện để chữa trị cho Mua. Thật hạnh phúc khi mới đây, nhà báo Bông Mai nhận được tin, Mua sẽ được Bệnh viện Đông Đô chữa trị và khả năng phục hồi đi lại cho Mua là rất lớn. “Khi nhận được tin này, tôi đã khóc”, Bông Mai nói.
Em về đâu? Trong thời tiết 6 độ lạnh như cắt vào sáng ngày thứ 4 của hành trình, Bông Mai đã gặp em bé hơn 1 tuổi người dân tộc Mông.
Chờ mẹ.Có rất nhiều bố mẹ trẻ ở vùng cao hay miền xuôi vì mưu sinh mà phải gửi con ở nhà cho ông bà chăm sóc. Và cũng có rất nhiều đứa trẻ ngóng trông bố mẹ mỗi ngày bên hiên nhà như hai cậu bé mà Bông Mai đã gặp một ngày cuối Đông ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Hoa tặng Mai “Bác ơi, con tặng bác bông hoa này vì bác là con gái giống con!”. Bông hoa gạo cuối mùa được em bé đồng bào Kháng nơi chân cầu Pá Uôn (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) tặng Bông Mai khi chị đến đây.
Em đây “Tôi rất thích chơi với trẻ con và rất thích chụp ảnh chúng. Nhưng những bức ảnh của tôi sẽ không có sự sắp xếp nào mà chỉ đơn giản là chơi cùng để ghi lại những khoảnh khắc đáng yêu của sự hồn nhiên của những đứa trẻ vùng cao. Cậu bé này chơi trò trốn tìm với tôi, nấp sau cột điện mới dựng trong thôn vì nghĩ tôi sẽ không thể tìm thấy. Gương mặt đáng yêu này đã giấu rất kỹ trong ô trống của cột điện, sao tôi có thể tìm thấy được nhỉ?”, Bông Mai chia sẻ.
15 và 17 Bông Mai gặp đôi vợ chồng này trên đường từ Sơn La sang Điện Biên. Người chồng 17 tuổi còn người vợ 15 tuổi. Chị hỏi vì sao lại cưới nhau sớm như vậy, chúng bẽn lẽn trả lời: “Vì bọn con không muốn đi học nữa…”.
Cực Tây đất nước - A Pa Chải, Điện Biên
Cực Nam đất nước - đất mũi Cà Mau
Đại ca “Tôi đã được sống những tháng ngày khó quên khi luôn được đóng vai “đại ca” để có một đám “đệ tử" lang thang khắp bản làng. Tuổi thơ của tôi bị bạn bè xa lánh vì anh em chúng tôi từ quê ra Hà Nội nên tôi thèm lắm cảm giác được có những đứa trẻ cùng chơi như thế này”, Bông Mai nói.
Học nghề
Đôi bàn tay của mẹ Người mẹ Cơ Ho ở xã Đưng Knớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.