Đạo diễn Cao Thép và hành trình đưa sân khấu đến cộng đồng

Giữa nhịp sống hiện đại và công nghệ số phát triển, vẫn có những chuyến xe văn hóa lặng lẽ rong ruổi khắp các làng quê, mang theo âm thanh, ánh sáng sân khấu đến với người dân. Người 'cầm lái' cho những hành trình ấy là đạo diễn Cao Thép, Đội trưởng Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh Đồng Nai.

Đạo diễn Cao Thép đang tuyên truyền Bình dân học vụ số cho bà con ở cơ sở. Ảnh: L.Na

Đạo diễn Cao Thép đang tuyên truyền Bình dân học vụ số cho bà con ở cơ sở. Ảnh: L.Na

Hơn một thập kỷ bền bỉ mang văn hóa, nghệ thuật đến gần hơn với cộng đồng, đạo diễn Cao Thép đã và đang góp phần giữ lửa văn hóa cơ sở với niềm tin nghệ thuật sẽ là chiếc cầu vững chắc gắn kết Đảng, chính quyền và nhân dân.

Nỗ lực theo đuổi sân khấu

Chúng tôi có dịp gặp đạo diễn Cao Thép ở Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai lúc anh đang cùng anh em nghệ sĩ chuẩn bị âm thanh, sân khấu dã chiến cho chuyến biểu diễn cuối tuần ở xã Tà Lài. Anh Cao Thép cười, nụ cười ấm áp và cái bắt tay rắn rỏi đúng chất người lính - di truyền từ người cha là bộ đội.

Anh Cao Thép sinh năm 1988, tại Phú Thọ. Năm 1999, khi tròn 11 tuổi, gia đình anh khăn gói vào Đồng Nai lập nghiệp. Tốt nghiệp phổ thông, anh vừa theo học tài chính kế toán, vừa theo học đạo diễn điện ảnh - truyền hình ở Trường đại học Sân khấu - điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.

Bắt đầu công tác tại Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao huyện Trảng Bom (cũ), rồi từ năm 2015, anh về làm việc tại Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai. Con đường đến với nghệ thuật của anh cứ thế gắn chặt với ánh đèn sân khấu, tiếng loa tuyên truyền và những mái nhà vùng sâu, vùng xa. Ngày anh được giao trọng trách Đội trưởng Đội Tuyên truyền lưu động của tỉnh, không ít người lo lắng: “Thanh niên trẻ, liệu có kham nổi?”. Và thời gian đã trả lời thay anh.

Hơn ai hết, anh Cao Thép hiểu rõ nghề đặc biệt này. Anh kể: “Đội Tuyên truyền lưu động không phải đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp để có ánh đèn lung linh, hậu đài hoành tráng. Mỗi chuyến đi như một cuộc “dã chiến” mà mỗi nghệ sĩ, tuyên truyền viên đều phải tự mình thực hiện nhiều công việc, từ khiêng loa, mắc dây điện, dựng sân khấu ngoài trời, đến hát, múa, diễn kịch, rồi lại tháo dỡ, thu dọn đồ nghề. Diễn viên chính, hậu đài, kỹ thuật viên - tất cả gói gọn trong vài chục con người, ai cũng phải đa năng, ráng sức”.

Đạo diễn Cao Thép, Đội trưởng Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh Đồng Nai (thứ 2, từ trái qua), chuẩn bị âm thanh, ánh sáng trước buổi diễn ở cơ sở.

Đạo diễn Cao Thép, Đội trưởng Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh Đồng Nai (thứ 2, từ trái qua), chuẩn bị âm thanh, ánh sáng trước buổi diễn ở cơ sở.

Không chỉ đạo diễn các chương trình văn nghệ, anh Cao Thép còn là thành viên Hội đồng Nghệ thuật Sở Văn hóa, thể thao và du lịch và là người chuyên viết các kịch ngắn, kịch vui tuyên truyền về chủ trương, chính sách, thậm chí có lúc anh còn nhập vai diễn. Những tác phẩm như Đường cùng (phòng, chống ma túy), Ngày mai sẽ tươi sáng (phòng, chống bạo lực học đường), Chuyện làng số học tuyên truyền về chuyển đổi số, hay tuyên truyền nông thôn mới… của anh được dàn dựng, công diễn đều xuất phát từ chính thực tiễn hàng ngày. Với anh, mỗi buổi diễn là một dịp lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm để rồi thổi hồn vào các tác phẩm mới nghệ thuật mới, gần gũi và dễ chạm đến trái tim người dân.

Nói về đạo diễn Cao Thép, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai TÔN THỊ THANH TÌNH cho biết, Cao Thép là đội trưởng đầy nhiệt huyết, có trách nhiệm cao với công việc, luôn tiên phong trong mọi hoạt động. Những hoạt động của Cao Thép đã và đang góp phần quan trọng đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến được với người dân một cách sinh động, gần gũi và hiệu quả.

Khát vọng nối dài những chuyến xe văn hóa

Những chuyến xe văn hóa của Đội Tuyên truyền lưu động do đạo diễn Cao Thép nhiều năm nay “băng qua” các xã nông thôn mới, vùng có đông công nhân lao động, nơi đồng bào dân tộc thiểu số ít có điều kiện tiếp cận thông tin. Có những chuyến đi vài chục cây số đường rừng, di chuyển từ sáng, biểu diễn xong ở một vài địa điểm mới trở về khi trăng đã treo đỉnh đầu.

Trăn trở lớn nhất của đạo diễn Cao Thép là kinh phí thấp nên thù lao cho diễn viên, cộng tác viên chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Thời gian qua, anh đã có đề xuất với Ban giám đốc đơn vị và đang kỳ vọng các thành viên trong đội sẽ có thêm chính sách bồi dưỡng hợp lý hơn, để những người làm tuyên truyền lưu động yên tâm gắn bó lâu dài.

Hiện nay, khi tỉnh Bình Phước sáp nhập vào Đồng Nai thành Đồng Nai mới, đội đã lên kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, trường học các xã, phường tuyên truyền để bà con hiểu rõ lợi ích của chủ trương sáp nhập. Anh đang xây dựng kịch bản sân khấu, văn nghệ liên quan đến các chính sách, những cải thiện về hạ tầng, giáo dục, quốc phòng, an ninh… sau sáp nhập để tuyên truyền đến người dân. Trong đó, đội sẽ chú trọng, ưu tiên hàng đầu tuyên truyền tại các xã vùng sâu, vùng xa như Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Bù Đăng, hay Tà Lài, Nam Cát Tiên, Đak Lua…

Khi được hỏi về chặng đường sắp tới, đạo diễn Cao Thép bày tỏ: “Tôi chỉ mong những “chuyến xe văn hóa” tiếp tục được bà con ủng hộ, tin yêu, đồng hành. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các mạnh thường quân, kết hợp biểu diễn nghệ thuật và tổ chức các gian hàng 0 đồng, phục vụ bà con. Niềm vui của bà con là động lực để chúng tôi nỗ lực đưa văn hóa, nghệ thuật đến người dân dù ở nơi xa xôi nhất. Qua đó, trao niềm tin, niềm vui, tiếng cười, là cầu nối để mọi người dân được sẻ chia, yêu thương và tin tưởng nhau hơn”.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202507/dao-dien-cao-thep-va-hanh-trinh-dua-san-khau-den-cong-dong-9c213cd/