Đạo diễn Hà Nguyên Long: Mong muốn tạo ra một thế hệ thực hành sân khấu mới

Hà Nguyên Long là một đạo diễn sân khấu và nhà thiết kế không gian trẻ. Về nước sau thời gian học tập tại nước ngoài, anh đã dành những điều học hỏi được để xây dựng XplusX Studio - một không gian nghệ thuật mở, mang tính đối thoại dành cho tất cả những người mong muốn tìm hiểu, tiếp cận sân khấu kịch tại Hà Nội. Với các dự án sân khấu của mình, Hà Nguyên Long cùng các cộng sự mong muốn tạo ra những điểm kết nối, những giá trị mới cho khán giả.

- Vừa về nước 2 năm, lại đúng thời gian dịch bệnh phức tạp, vì sao anh vẫn bắt tay thực hiện các dự án nghệ thuật dài hơi?

- Vừa về nước 2 năm, lại đúng thời gian dịch bệnh phức tạp, vì sao anh vẫn bắt tay thực hiện các dự án nghệ thuật dài hơi?

- Tôi và XplusX Studio đã dàn dựng 2 vở diễn, thuộc 2 dự án nghệ thuật dài hơi. Một là “Năm dài trong kịch”, với mong muốn tạo ra lớp khán giả mới cho sân khấu nói chung thông qua việc tăng cường chia sẻ với khán giả. Sản phẩm đầu tiên của dự án là vở “Oresteia” của nhà viết kịch Aeschylus. Dự án thứ hai liên quan đến nghệ thuật truyền thống, với mục đích tái tạo năng lượng và phát triển ngôn ngữ nghệ thuật, vốn cổ của cha ông. Chúng tôi lấy cảm hứng từ vở tuồng cổ “Sơn hậu”, biểu diễn tại một sân khấu có hiệu quả tương tác cao, kết hợp với trình diễn hip hop và âm nhạc điện tử.

- Nghệ thuật truyền thống xưa nay vẫn được coi là mẫu mực. Anh mong muốn điều gì khi kết hợp nó với các loại hình nghệ thuật hiện đại?

- Nghệ thuật truyền thống nói chung và vở tuồng “Sơn hậu” mà chúng tôi vừa thực hiện nói riêng là những giá trị kinh điển, tồn tại lâu đời, khiến cho chúng ta cảm thấy nó quá vững bền, khó thay đổi. Đương nhiên qua thời gian, nghệ thuật truyền thống không có nhiều cơ hội xuất hiện do sự cạnh tranh của các loại hình giải trí khác dẫn đến kết nối của nó với khán giả hiện tại và tương lai là không cao. Chúng tôi mong muốn tạo ra những điểm kết nối mà kết quả của sự kết nối ấy là sự giao thoa trong cảm nhận giữa người làm và người xem. Ví dụ, với vở “Sơn hậu”, chúng tôi không làm trong một không gian biểu diễn cố định như chúng ta thường thấy, bởi đó là vở diễn có khả năng tích hợp về nội dung và cách thức biểu diễn với các không gian khác nhau. Buổi biểu diễn đầu tiên được tổ chức tại khu tập thể Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội) - một sân chơi trẻ em. Đó là một điểm nối giữa nghệ thuật và cộng đồng hết sức thú vị. Nó tạo ra sự giao thoa thế hệ đặc biệt tại một khu tập thể lâu đời.

- Theo như tôi hiểu, các bạn có hai con đường tiếp cận: Với các tác phẩm kinh điển nước ngoài và các tác phẩm kinh điển Việt Nam, tạo ra các cánh cửa để tìm hiểu sân khấu kịch. Thách thức lớn nhất khi thực hiện các dự án này là gì?

- Tiếp cận khán giả, theo tôi, con đường cơ bản nhất là xây dựng nền móng tri thức, đi từ việc dịch và giới thiệu tác phẩm với đầy đủ ý nghĩa của nó nếu có thể. Sau đó chúng tôi tổ chức các hoạt động vệ tinh, mở rộng khả năng tìm hiểu, mở ra các cánh cửa để họ đi vào. Mình cũng cần chuẩn bị sẵn cho khán giả thấy đằng sau cánh cửa có thể tìm thấy những gì.

Cũng như các nhóm nghệ thuật khác, chúng tôi phải tìm các nguồn kinh phí khác nhau với sự hỗ trợ của nhiều cộng đồng. Tôi nghĩ rằng đây cũng là cách thức mà chúng tôi sẽ duy trì trong những năm tới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cố gắng xây dựng những cộng đồng trong lĩnh vực sân khấu để hỗ trợ nhau. Mọi người có thể hình dung nó giống như một nhà hát, một điểm tụ hội nhiều yếu tố cả về hệ thống vận hành cũng như về tri thức, và có thể luân chuyển dễ dàng. Khi đó, người xem có thể đến xem nhiều hơn, người diễn có điều kiện tập luyện nhiều hơn. Tôi nhận thấy, ngoài các nhà hát công lập thì chúng ta đang còn thiếu những cơ sở tư nhân như thế. Trong tương lai sẽ có một thế hệ các nhà thực hành sân khấu mới thì đương nhiên sẽ cần điều kiện hoạt động đầy đủ hơn, có hệ thống hơn.

- Những điều bạn học được ở Pháp liệu có thể áp dụng được với sân khấu Việt?

- Pháp là một trong những đất nước có nền nghệ thuật biểu diễn khá phát triển. Tôi cố gắng vận dụng một cách linh hoạt những gì đã học vào công việc của mình tại nước nhà, để cánh cửa sân khấu mở ra một cách dễ dàng hơn, để những giá trị thu nhận được từ kịch nghệ Pháp có thể mang lại gì đó cho nghệ thuật kịch ở Việt Nam nói chung. Ước mơ của tôi khi xây dựng XplusX Studio: Công chúng sẽ là những người đầu tiên thụ hưởng thành quả do chính họ tạo ra.

- Cảm ơn đạo diễn Hà Nguyên Long!

Bảo Trân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/1018880/dao-dien-ha-nguyen-long-mong-muon-tao-ra-mot-the-he-thuc-hanh-san-khau-moi