Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Người đứng sau kỷ lục của Lễ hội Áo dài TPHCM
Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 11 khẳng định quy mô và sức hút mạnh mẽ với những con số ấn tượng. Hơn 55 bộ sưu tập áo dài được giới thiệu, hơn 500 mẫu thiết kế độc đáo, mang đến bức tranh đa sắc về tà áo dài Việt Nam.
Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 11 năm 2025 với chủ đề "Áo dài Việt Nam – Vươn cao Việt Nam" do Ủy ban Nhân dân TP.HCM tổ chức, Sở Du lịch và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện, đã diễn ra thành công rực rỡ từ ngày 1 đến ngày 9/3.
Lễ hội năm nay đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ về quy mô tổ chức, với sự gia tăng đáng kể về số lượng chương trình, nhà thiết kế tham gia và các bộ sưu tập trình diễn.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, ban tổ chức đã đặt mục tiêu mang đến những con số ấn tượng hơn bao giờ hết: 55 bộ sưu tập áo dài với hơn 500 thiết kế được giới thiệu, tăng khoảng 30 - 40% so với những năm trước. Đặc biệt, gần như 100% các bộ sưu tập lần này đều được đặt hàng riêng, thiết kế theo chủ đề, tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn cho chương trình.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam
Với những thành công nổi bật trong công tác tổ chức và sự bùng nổ về quy mô, Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 11 năm 2025 không chỉ tiếp tục khẳng định vị thế là sự kiện văn hóa thường niên quan trọng của thành phố mà còn tạo tiền đề để các kỳ lễ hội sau tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Với những đổi mới sáng tạo và định hướng phát triển bền vững, Lễ hội Áo dài TP.HCM hứa hẹn sẽ ngày càng trở thành thương hiệu văn hóa – du lịch đặc trưng của thành phố mang tên Bác.
Mỗi bộ áo dài là một lát cắt văn hóa
Sau khi Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 11 khép lại, dư âm không chỉ xoay quanh những tà áo dài ấn tượng nhất mà còn ở những giá trị văn hóa, lịch sử mà sự kiện đã truyền tải.
Chia sẻ về sự kiện, đạo diễn Hoàng Nhật Nam - tổng đạo diễn chương trình, bày tỏ: “Tôi muốn mỗi bộ áo dài không chỉ là một thiết kế đẹp mà còn là một câu chuyện, một lát cắt văn hóa giúp chúng ta nhìn lại quá khứ, trân trọng hiện tại và hướng tới tương lai. Lễ hội không đơn thuần là một chương trình thời trang, mà là một hành trình cảm xúc, một bức tranh sống động về tinh thần dân tộc.”

Các phần trình diễn được dàn dựng công phu, kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và lịch sử, tạo nên không gian giàu cảm xúc. Những bộ áo dài xuất hiện trong chương trình không chỉ là sản phẩm thời trang mà còn là biểu tượng gắn kết quá khứ với hiện tại, kết nối các thế hệ.
Việc tôn vinh và tri ân thông qua áo dài trong lễ hội đã một lần nữa khẳng định giá trị văn hóa sâu sắc của trang phục truyền thống Việt Nam. “Tôi hy vọng rằng qua lễ hội này, áo dài sẽ không chỉ là một trang phục truyền thống mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam”, đạo diễn Hoàng Nhật Nam nhấn mạnh.
Dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Hoàng Nhật Nam, khu vực phố đi bộ trở thành một sân khấu nghệ thuật ấn tượng, nơi hội tụ những yếu tố sáng tạo đầy tính đột phá.
Không gian được thiết kế với sự kết hợp giữa nghệ thuật trình diễn và công nghệ hiện đại, trong đó hiệu ứng hologram tạo nên những dải lụa sắc màu óng ánh, làm cho phố đi bộ Nguyễn Huệ trở nên lung linh hơn bao giờ hết.
Cảnh quan được sắp đặt đồng bộ, giúp người xem có trải nghiệm xuyên suốt, liền mạch. Sự kiện không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn khiến bạn bè quốc tế trầm trồ về vẻ đẹp của áo dài Việt Nam. Một khảo sát nhanh trong sự kiện cũng cho thấy mức độ hài lòng của khách tham quan đạt tỷ lệ rất cao, khẳng định sức hút mạnh mẽ của lễ hội năm nay.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ: "Chúng tôi muốn tạo ra một không gian không chỉ để trình diễn áo dài mà còn để kể những câu chuyện văn hóa thông qua hiệu ứng thị giác. Khi ánh sáng, màu sắc và những tà áo dài hòa quyện vào nhau, khán giả sẽ cảm nhận được hơi thở của lịch sử và sự phát triển không ngừng của tà áo dài Việt Nam”.
Tham vọng bứt phá sau mùa lễ hội tôn vinh áo dài
Dù lễ hội đã đạt được những thành tựu nổi bật, nhưng vẫn còn đó những thách thức cần khắc phục. Một trong những khó khăn lớn nhất chính là việc mời số lượng lớn các nhà thiết kế đến từ nhiều vùng miền, mỗi người đều mang theo màu sắc và cá tính riêng. Với thời gian chuẩn bị gấp rút, ban tổ chức đã nỗ lực tối đa để tạo sự cân bằng trong việc phân chia vai trò cho từng nhà thiết kế. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi những mong muốn chưa được đáp ứng trọn vẹn, bởi ai cũng muốn có cơ hội thể hiện nhiều hơn.
"Chúng tôi đã cố gắng hết sức để đảm bảo mỗi nhà thiết kế đều có không gian thể hiện tác phẩm của mình. Nhưng do thời lượng chương trình có hạn, có những bộ sưu tập chưa thể xuất hiện như mong đợi. Đây là điều đáng tiếc, nhưng cũng là bài học để chúng tôi có sự chuẩn bị tốt hơn cho những năm sau", đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho biết.
Bên cạnh đó, thời lượng truyền hình trực tiếp cũng là giới hạn. “Việc cân đối giữa yếu tố nghệ thuật, thời gian và số lượng bộ sưu tập trình diễn luôn là một bài toán khó. Tuy nhiên, nếu có cơ hội tổ chức những kỳ lễ hội tiếp theo, ban tổ chức sẽ tìm cách khắc phục, giúp các nhà thiết kế có thêm "đất diễn" và phát huy tối đa thế mạnh của mình”, đạo diễn nói thêm.
Trong đêm diễn, hình ảnh những nhân vật nữ tiêu biểu như bà mẹ Việt Nam anh hùng, bà Nguyễn Thị Bình – người phụ nữ xuất hiện trên bàn đàm phán lịch sử, hay các nữ sinh xuống đường đấu tranh vì độc lập, tự do đã được khắc họa rõ nét. Qua đó, áo dài được tôn vinh như một biểu tượng của sự hy sinh, kiên cường và tinh thần bất khuất của người phụ nữ Việt Nam.
Số phận của những chiếc áo dài sau lễ hội
Trong suốt hành trình tôn vinh áo dài Việt Nam, không ít thiết kế đã trở thành biểu tượng, lưu dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.
Những bộ trang phục văn hóa dân tộc từng được thiết kế cho các đấu trường nhan sắc quốc tế- dành riêng cho đại diện Việt Nam không chỉ giành được giải thưởng mà còn nhận được tình cảm đặc biệt từ khán giả. Nhiều trong số đó đã được tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, nơi trang phục tiếp tục kể câu chuyện về bản sắc dân tộc với du khách trong và ngoài nước.

Riêng tại lễ hội áo dài lần này, một thiết kế làm Việt Nam vô cùng tâm đắc chính là những chiếc áo dài ngũ thân của NTK Nam Tiền. Với form dáng rộng rãi, chất liệu mát mẻ và cách xử lý tinh tế, trang phục này mang đến sự thoải mái cho nam giới mà vẫn giữ được nét uy nghi, phong độ. Khi kết hợp với lớp áo bà ba trắng bên trong cùng những phụ kiện như khăn đội đầu, tổng thể trang phục vừa toát lên vẻ cổ điển, vừa thể hiện tinh thần mạnh mẽ, vững chãi của người đàn ông Việt.
“Tôi muốn áo dài nam được nhìn nhận nhiều hơn, không chỉ trong những dịp lễ quan trọng mà còn trong đời sống thường nhật. Chúng ta hoàn toàn có thể mặc áo dài với sự tự tin, tự hào,” đạo diễn Hoàng Nhật Nam bày tỏ.

Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 11 đã trở thành một sự kiện đáng nhớ, không chỉ bởi quy mô hoành tráng mà còn bởi sự hội tụ của đông đảo nghệ sĩ, hoa hậu, á hậu, diễn viên, ca sĩ... Bên cạnh sự tỏa sáng của các nghệ sĩ, lễ hội còn mang đến những khoảnh khắc xúc động khi có sự tham gia của các cựu tù chính trị năm xưa. Hình ảnh các bà, các mẹ khoác lên mình tà áo dài đỏ, cùng nhau cất cao lời ca "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" đã để lại những cảm xúc khó quên.

Một trong những phần được đạo diễn Hoàng Nhật Nam tâm đắc nhất là màn tôn vinh các nhà thiết kế áo dài trong bộ sưu tập "Sắc Son".
"Thường thì nhà thiết kế là những người đứng sau hậu trường, lặng lẽ sáng tạo và cống hiến, ít khi xuất hiện trước công chúng. Tôi muốn mang họ đến gần hơn với khán giả, để mọi người hiểu rằng mỗi tà áo dài đều là thành quả của cả một quá trình lao động nghệ thuật đầy đam mê", đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ.