Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Khán giả đại chúng cần một chút thời gian…

Phim Ngày xưa có một chuyện tình đang được chiếu tại các rạp trong cả nước, nhận nhiều lời khen từ giới chuyên môn và những người yêu thích điện ảnh. Đạo diễn 8X Trịnh Đình Lê Minh đạo diễn tác phẩm này, sau thành công của Thưa mẹ con đi, Bằng chứng vô hình...

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (thứ tư, từ phải sang) cùng dàn diễn viên phim Ngày xưa có một chuyện tình chụp ảnh lưu niệm với khán giả Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (thứ tư, từ phải sang) cùng dàn diễn viên phim Ngày xưa có một chuyện tình chụp ảnh lưu niệm với khán giả Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

Phóng viên Báo Phú Yên có cuộc trò chuyện ngắn với đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh trước suất chiếu đặc biệt phim Ngày xưa có một chuyện tình tại CGV Vincom Phú Yên.

* Đạo diễn có thể chia sẻ những ấn tượng của anh trong quá trình thực hiện dự án phim Ngày xưa có một chuyện tình tại Phú Yên?

- Không gian làng quê cũng như cảnh vật nơi đây rất phù hợp với câu chuyện trong Ngày xưa có một chuyện tình, nên đoàn làm phim cảm thấy rất thoải mái khi làm việc. Khi các diễn viên hóa thân vào nhân vật, họ cảm nhận bối cảnh xung quanh mình là một phần quan trọng của thế giới trong phim để họ tương tác. Và họ “sống” trong bối cảnh đó suốt quá trình quay phim.

Trong thời gian quay tại Phú Yên, đoàn phim đã nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời của tỉnh, của mọi người. Người dân ở đây rất hiền hậu; mọi người quan tâm đến đoàn phim một cách chân tình. Các món ăn ở đây, đoàn phim rất thích.

* Gần 10 năm trước, phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - do Victor Vũ đạo diễn, quay tại Phú Yên, đã tạo nên một hiện tượng điện ảnh. Anh có cảm thấy áp lực khi đưa các nhân vật và câu chuyện trong Ngày xưa có một chuyện tình của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lên màn ảnh rộng?

- Đạo diễn phim Ngày xưa có một chuyện tình, tôi không có áp lực gì cả. Tỉnh Phú Yên rất rộng, mình khám phá mãi cũng sẽ không bao giờ hết những góc làng, những ngôi làng, nẻo đường, con suối... và những cánh đồng với nhiều gam màu khác nhau trong suốt một năm. Phim này chưa có cơ hội khai thác cảnh biển của Phú Yên. Hy vọng là những bộ phim sau có thể khai thác vẻ đẹp của biển đảo ở Phú Yên.

Thiết kế: YÊN LAN

Thiết kế: YÊN LAN

* Trong thời gian quay phim Ngày xưa có một chuyện tình tại Phú Yên, đoàn phim có gặp khó khăn?

- Trong quá trình quay phim, có những ngày thời tiết không thuận lợi. Mùa Giáng sinh năm ngoái, có 5 ngày gió rất mạnh và có mưa lụt nữa. Cho nên đoàn phim phải nghỉ 5 ngày liền, nhưng không sao cả! Những ngày khác thì rất là thuận lợi.

Trận lụt xuất hiện, ảnh hưởng đến một cảnh quay rất quan trọng của phim, là cảnh ruộng bắp. Trước đó, đoàn phim đã trồng một ruộng bắp để quay phim theo kế hoạch, nhưng mưa lụt làm cho ruộng bắp bị úng. Đoàn phim “chữa cháy” bằng cách đi thu gom những cây bắp còn lại và mua thêm cây bắp đã lớn, trồng xuống để có thể thực hiện cảnh quay.

Đoàn phim đã trở lại Phú Yên nhiều lần để ghi lại hình ảnh sự thay đổi của mùa, sự chuyển động của thời gian và tất cả những chi tiết nhỏ đó đã được lồng vào trong phim. Sự thay đổi của thời gian cũng là yếu tố quan trọng trong chuyện phim - một câu chuyện về thời gian, về sự trưởng thành, về tình yêu, nỗi đau, mất mát và cả hy vọng.

* Có một nghịch lý là, nhiều tác phẩm điện ảnh được giới chuyên môn đánh giá tốt, khen ngợi thì lại chưa thu hút sự quan tâm của khán giả đại chúng, trong khi những phim gây ấn tượng về doanh thu phòng vé thì lại không làm hài lòng những người yêu điện ảnh và có đôi mắt khắt khe. Đạo diễn nói gì về hướng đi của mình?

- Tôi nghĩ rằng khán giả đại chúng cũng cần một chút thời gian với những bộ phim về tình yêu, tình bạn, về sự trưởng thành như thế này. Nó có thể là một “phong vị” hơi lạ so với cái gu của khán giả đại chúng dạo gần đây, khi họ dành sự quan tâm cho những bộ phim kinh dị hay phim về đời sống thành thị.

Còn những nhà làm phim như chúng tôi thì luôn muốn làm phim có ý nghĩa, có chất lượng nghệ thuật tốt và bên cạnh đấy vẫn có tính giải trí để gửi đến công chúng.

* Xin cảm ơn anh!

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh sinh năm 1986 tại TP Hồ Chí Minh. Anh được đào tạo thạc sĩ Mỹ thuật chuyên ngành Sản xuất phim tại Đại học Austin (Texas, Mỹ), hiện là giảng viên Trường đại học Fulbright Việt Nam. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã để lại dấu ấn qua các phim tài liệu và phim ngắn, nổi bật là

Chung cư của tôi, Ngọn gió về đâu, The Scent of Fish Sauce

(

Nước mắm

)...

Với điện ảnh, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã có những “trái ngọt đầu mùa”. Phim đầu tay

Thưa mẹ con đi

tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan, Liên hoan phim quốc tế Hawaii, đoạt giải thưởng Phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Reeling 2020, Giải của khán giả bình chọn tại Toronto Asia Film Festival, Philadelphia Asian American Film Festival 2020. Phim được phát hành tại các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, Ba Lan… Tác phẩm điện ảnh thứ hai

Bằng chứng vô hình

đã bán bản quyền cho hơn 10 quốc gia trong khu vực châu Á.

YÊN LAN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/322739/dao-dien-trinh-dinh-le-minh--khan-gia-dai-chung-can-mot-chut-thoi-gian%E2%80%A6.html