Đạo diễn Xuân Phượng: Cuộc đời tôi như cánh chim ngược gió
Sau giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam, mới đây, đạo diễn Xuân Phượng tiếp tục nhận thêm giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn TPHCM cho hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… (NXB Văn hóa - Văn nghệ). Tác phẩm đã phần nào khắc họa chân dung của tầng lớp trí thức Việt Nam trong 2 giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
PHÓNG VIÊN: Sau những bộ phim tài liệu liên tiếp đoạt được giải thưởng danh giá, giờ đến hồi ký Gánh gánh… gồng gồng…, bà có chia sẻ gì?
Đạo diễn XUÂN PHƯỢNG: Khi nhận 2 giải thưởng văn chương, tôi thực sự xúc động. Tôi nhớ đến những người bạn văn, thơ của mình, họ phải cực nhọc, vất vả rất nhiều để cho ra đời đứa con tinh thần, trong khi mình có một cuốn sách mà được 2 giải thưởng, lại chưa phải là hội viên, tuổi cũng đã hơn 90. Tôi nghĩ rằng, cuốn sách được giải vì thể hiện sự cảm thông sâu sắc về cuộc đời của một người đàn bà trong chiến tranh. Đó cũng là những rung động mà tôi cảm thấy khi mình khép lại cuốn sách.
Bà từng kể, trong lần gặp đầu tiên hơn 40 năm sau khi bà xa nhà tham gia kháng chiến, mẹ của bà đã hỏi: “Con ơi, sao con theo họ làm chi để gia đình ly tán, phải rời quê cha đất tổ con ơi!”. Viết hồi ký, phải chăng là bà muốn trả lời mẹ của mình?
Tôi xa gia đình năm 16 tuổi, do hoàn cảnh chia cắt của đất nước nên mãi đến năm 60 tuổi mới được gặp mẹ. Khi mẹ tôi hỏi như vậy, cả nhà đang ngồi ăn cơm, nghe xong thì tất cả im lặng vì biết rằng không thể trả lời được. Tôi nhận thấy, hóa ra mẹ mình không hiểu gì về cuộc kháng chiến này, mẹ chỉ nhìn một phía. Đó chính là lý do tôi muốn viết lại đời mình để mẹ thấy rằng cuộc ra đi, sự dấn thân của mình vào năm 1945 là cần thiết. Đó là năm chúng ta giành được chính quyền từ Pháp. Nếu không có những người tham gia kháng chiến thì ai sẽ giành được chính quyền, làm được cuộc cách mạng này.
Ngoài lý do đó ra, tôi cũng muốn để những người trẻ ở trong nước lẫn nước ngoài hiểu được tại sao cha ông phải dấn thân vào cuộc kháng chiến. Tôi muốn họ biết được rằng, đầu thế kỷ 20, có một cuộc đấu tranh như vậy và chúng ta đã đẩy được ách nô lệ, ách thực dân Pháp ra khỏi đất nước mình.
Được biết, tiền thân của Gánh gánh… gồng gồng… là Áo dài, phiên bản tiếng Pháp ra mắt vào năm 2001. Hai phiên bản có sự khác nhau như thế nào, thưa bà?
Vào năm 2001, theo đề nghị của NXB Plon (Pháp), tôi đã viết hồi ký Áo dài - từ trường Bồ Câu Trắng đến chiến khu Việt Minh. Một năm sau, sách được một NXB ở New York (Mỹ) xuất bản bằng tiếng Anh. Tháng 3-2020, khi dịch Covid-19 bùng phát khiến phòng tranh đóng cửa, ở nhà buồn quá, theo sự động viên của các cháu đã từng có thời gian sống ở khu tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu, tôi bắt tay vào viết hồi ký Gánh gánh… gồng gồng...
Gánh gánh… gồng gồng… là lời tâm sự, khi mình đã có thời gian dài để chiêm nghiệm, để suy nghĩ thì mình nhìn lại cuộc đời mình. Khi đọc cho cô thư ký viết, giống như tôi đang nhìn lại cuộc đời mình từ xa, thông cảm với mình rất gần và nói lên những dòng tâm sự. Có lẽ vì thế mà nó khiến nhiều người xúc động.
Khi viết hồi ký, phải chứng kiến lại đoạn đời đã qua của mình, cảm xúc của bà
như thế nào?
Có những lúc tôi vừa viết vừa khóc, vì thấy cuộc đời mình sao cơ cực, thăng trầm quá nhiều. Nhưng sau này, khi viết Gánh gánh… gồng gồng… cảm xúc rưng rưng cảm động tăng gấp 10 lần so với hồi viết Áo dài. Bây giờ nó sâu đậm hơn, nên khi xong cuốn sách, tôi ngơ ngẩn cả tuần, giống như mình vừa hạ sinh một đứa con, dứt ra khỏi những kỷ niệm của đời mình.
Nhìn lại cuộc đời mình sau 92 năm, những lúc đau khổ, khó khăn đến tận cùng cũng có suy nghĩ rằng mình đi có đúng không. Nếu trở lại với gia đình hoặc đồng ý lấy ông bác sĩ làm chồng thì cuộc sống của mình có thể sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều, sao phải dấn thân khổ cực như thế này. Không phải là không có những lúc hoang mang, nhưng may mắn tôi là người mà có lẽ ảnh hưởng của gia đình, một khi đã chọn con đường của mình thì không muốn trở thành một kẻ phản trắc. Tôi không bao giờ bỏ cuộc mà giống như cánh chim ngược gió, cứ tiếp tục chống đỡ. Mặc dù rất cam go, nhưng một khi đã chống đỡ được thì nó đem lại cho mình sự an nhiên trong lòng.
Chỉ một cuốn sách đã nhận ngay 2 giải thưởng lớn, điều này có trở thành động lực để bà tiếp tục viết?
Trong thời gian tới, nếu trời cho sống mạnh khỏe thì tôi sẽ làm cuốn sách thứ 2 là Sắc màu không biên giới, nói về những chuyến đưa các họa sĩ Việt Nam đi triển lãm tranh ở nước ngoài trong 30 năm nay. Một cuốn sách khác mà tôi cũng đang suy nghĩ để làm, kể về quá trình làm phim tài liệu, phim chiến tranh của mình. Bởi vì thời gian đó có rất nhiều câu chuyện xúc động, nhất là sau này, tôi có gặp lại bạn bè của mình, những người quay phim nay đã lớn tuổi. Tôi muốn tập hợp lại để thành cuốn sách Ai bảo quay phim là khổ, kể lại những chuyện đó.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dao-dien-xuan-phuong-cuoc-doi-toi-nhu-canh-chim-nguoc-gio-715140.html