Đạo diễn Xuân Phượng và 30 năm đong đầy chiêm nghiệm với hội họa
Sáng nay (ngày 12.8) tại Lotus Gallery (TP.HCM), đạo diễn Xuân Phượng đã có buổi gặp gỡ với đông đảo bạn bè, thân hữu, khán giả quan tâm nhân dịp ra mắt cuốn hồi ký thứ hai mang tên 'Khắc đi… khắc đến' sau 'hiện tượng' 'Gánh gánh… gồng gồng…' nhiều năm trước đó.
Ở tuổi 96, đạo diễn Xuân Phượng vẫn xuất hiện trẻ trung với cách trò chuyện hài hước, sinh động. Việc tổ chức ở Lotus Gallery – phòng tranh do bà sáng lập – cũng có một ý nghĩa lớn, khi đây là cuốn sách nói về hơn 30 năm đến với ngành hội họa của bà. Ở đó có cả những kỷ niệm vui cũng như đau khổ chất chứa, và tất cả đã được tái hiện trong cuốn sách này, qua đó gửi gắm nhiều thông điệp không chỉ cho người ở thế hệ bà, mà còn là cho những bạn trẻ vừa chớm bước chân vào đời, không biết phải làm thế nào với lý tưởng và ước mơ đời mình.
Khi được hỏi vì sao lựa chọn cái tên Khắc đi… khắc đến, bà cho biết khi sinh sống và làm việc ở chiến khu Việt Bắc, những người dân tộc H’Mông, Tày, Cao Lan… không có khái niệm cây số hay km. Vì vậy, khi ai đó hỏi đi từ nhà này đến nhà kia bao xa, họ chỉ đơn giản đáp rằng lấy con dao ném vào thân cây, nó cách mặt đất bao nhiêu thì quãng đường dài cũng cỡ chừng đấy. Bà Xuân Phượng cho rằng đây là cách nhìn chứa nhiều chiêm nghiệm, qua đó cho thấy đường đi là vô cùng, vì vậy dẫu xa hay gần thì nếu quyết tâm ai ai cũng sẽ đến được với mục đích của mình.
Từ câu chuyện đó, bà chia sẻ cuốn sách lần này được viết cho hai đối tượng. Trước nhất là những người như bà - những ai đã đi qua quãng đời đầu tiên năng động và nhiều năng lượng. Bà chia sẻ bản thân luôn nhớ đến câu hát “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và tin rằng nếu can đảm, có nghị lực và cương quyết làm cho đời mình đẹp hơn, thì nó chắc chắn sẽ thành hiện thực.
Điều đó thể hiện rất rõ khi dẫu đã ngoài 90 tuổi, nhưng bà vẫn đi rất nhiều, vẫn tham gia nhiều hoạt động xã hội trên khắp đất nước. Tác giả Xuân Phượng nói đừng bao giờ nghĩ bản thân bị giới hạn bởi bất cứ điều gì mà phải cố gắng vươn lên, để dù có gì xảy ra, thì bản thân ta cũng thấy hài lòng và không uổng phí một kiếp người này.
Ngoài ra, bà cũng dành cuốn sách cho những người trẻ, những người vẫn đang chênh vênh với nhiều ước mơ, hoài bão. Bà chia sẻ mình nhận thấy những người trẻ thời nay tuy cố gắng hơn và năng động hơn thế hệ của mình rất nhiều, nhưng họ cũng nhanh nản lòng hơn giờ hết. Vì vậy, qua cuốn sách này, bằng những kinh nghiệm, khó khăn, thất bại cay đắng lẫn vinh quang ngọt ngào trong đời làm phim, làm tranh, bà hy vọng biết đâu những gì mình viết sẽ là điểm tựa cho số ít người như những đối thoại của người đi trước và đã trải qua rất nhiều thăng trầm, từ đó mà họ được xoa dịu và cố gắng hơn?
Khắc đi… khắc đến là cuốn hồi ký thứ hai của đạo diễn Xuân Phượng. Ảnh: Lotus Gallery
Xuyên suốt buổi trò chuyện, tác giả luôn nhắc đến sự quyết tâm, bởi khi yêu và quyết tâm làm cái gì đó để khi nhắc đến mình luôn tự hào, thì đừng bao giờ nghĩ con đường ấy trải đầy hoa hồng dễ dàng, mà phải biết nó chỉ toàn gai nhọn thách thức bước chân.
Theo bà, người thành công là người biết biến bi kịch thành vũ khí để kiên cường bước tiếp. Do đó Khắc đi… khắc đến gồm nhiều trải nghiệm “xương máu” trong suốt 30 năm qua được viết một cách chân thật. Tuy vậy, bà cũng không ngại thừa nhận những câu chuyện trong tập sách này đã được kể lại uyển chuyển sao cho nhẹ nhàng hơn, bớt đau đớn hơn so với những gì mà bản thân bà thật sự trải qua.
Chẳng hạn, bà trải lòng rằng trước khi về hưu, bản thân chỉ biết đến việc làm phim. Ở những ngày đầu mở phòng tranh, bà nghĩ có lẽ mọi thứ sẽ dễ dàng thôi, vì ai thích tranh, yêu tranh… cũng sẽ tử tế. Nhưng không, kết quả hoàn toàn ngược lại.
Khi được hỏi đâu là ký ức khiến bà nhớ sâu đậm nhất, tác giả Xuân Phượng chia sẻ đó là sự kiện khiến bà khánh kiệt, gần như đứng trên bờ vực phá sản khi bị một cá nhân đáng tuổi con cháu lừa gạt. Bà kể về người đã gặp gỡ, tiếp cận và đi theo mình ở nhiều triển lãm trên khắp thế giới. Khi người này dự định mở phòng tranh ở Singapore rồi Colorado (Mỹ), bà đã ủng hộ hết mình vì nó cũng trùng với ước mơ của bà là được đưa được mỹ thuật Việt Nam ra với thế giới. Ban đầu mọi thứ diễn ra vô cùng suôn sẻ, nhưng đến một ngày khi bà gửi 6 thùng tranh sơn mài sang Colorado thì tiền không quay trở lại, còn người thì bặt vô âm tính, khiến bà chếnh choáng một thời gian dài.
Những tưởng bản thân sẽ gục ngã sau sự kiện ấy, nhưng bà vẫn vững vàng đứng lên bằng sự giúp đỡ của người thân, bạn bè và quyết tâm không bỏ cuộc. Bà cho biết sở dĩ bản thân lấy tên Lotus Gallery cho phòng tranh này là vì hoa sen tuy là loài hoa mọc trong bùn nhưng vẫn thơm ngát, mưa to gió lớn dù cho thế nào thì những lá sen cũng không thể ướt. Kinh qua những khó khăn ấy, khi nhìn lại, bà trân trọng cảm ơn những con người xấu xí đã cho mình bài học kinh nghiệm đắt giá, từ đó có những bước đi kiên trì và không bỏ cuộc.
Ở buổi tọa đàm, đạo diễn Xuân Phượng cũng nói thêm về một bài học đó là phải tin vào bản thân mình. Bà chia sẻ dẫu có thể chọn con đường dễ hơn như trưng bày tác phẩm của những danh họa nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng… nhưng bà luôn chọn những người có tài dẫu chịu nhiều trắc trở và không được biết đến rộng rãi mà linh tính mách bảo.
Bà nhắc đến điển hình là các tác phẩm của họa sĩ Trương Đình Hào, khi cứ 6 tháng bà lại mua hết sáng tác của ông, đến lúc tài chính phòng tranh không được đảm bảo thì đã lên tới 4.200 bức. Nhận thấy thị hiếu trong nước không chuộng, bà đã linh hoạt mang chúng sang Pháp, từ đó bán được thành công một nửa trong tổng số đó. Vì vậy khi tin vào bản thân mình, thì không có khó khăn nào không thể vượt qua.
Khép lại buổi tọa đàm, thông điệp về quyết tâm theo đuổi ước mơ và tin vào bản thân mình đã được bà trao đi một cách mạnh mẽ qua những chia sẻ và cuốn hồi ký Khắc đi… khắc đến. Bà cũng tiết lộ năm sau, bà sẽ cho ra cuốn sách Ai nói làm phim là khổ? viết về trải nghiệm trong quãng đời làm phim của mình. Và năm tới nữa, nếu sức khỏe cho phép, thì sẽ là một tuyển tập chân dung gương mặt cùng thời với bà, những người thân quen, ảnh hưởng rất lớn.
Có thể nói đạo diễn - tác giả Xuân Phượng là một hình mẫu cho nhiều người noi theo, không chỉ bởi những bài học kinh nghiệm giá trị mà còn là việc luôn không dừng lại, muốn được cống hiến cho cuộc đời này bằng tất cả những gì bản thân sở hữu một cách say mê.