Đạo diễn Xuân Phượng với hồi ký 'Khắc đi... khắc đến'

Dư luận văn nghệ sĩ quan tâm đến cuốn sách 'Khắc đi... khắc đến', viết về hành trình mang tranh Việt ra thế giới của nữ đạo diễn cao niên nhất làng văn, đó là đạo diễn Xuân Phượng.

Ngày 24-9, Hội Nhà văn TP HCM tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt hồi ký của bà. Đây được xem là những chương đời tiếp theo của người đàn bà tài hoa dù đang ở tuổi 95 vẫn còn sáng tác và có biệt danh "Người đàn bà thép của hội họa Việt". Ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM - đã gửi hoa chúc mừng, như một sự bày tỏ tình cảm yêu quý đến đạo diễn Xuân Phượng.

Đạo diễn Xuân Phượng trong ngày ra mắt hồi ký “Khắc đi… khắc đến” (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đạo diễn Xuân Phượng trong ngày ra mắt hồi ký “Khắc đi… khắc đến” (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bà là một tên tuổi lừng danh, dù tham gia viết sách muộn nhưng với vai trò nhân chứng lịch sử, đạo diễn Xuân Phượng đã cuốn hút người đọc qua cách kể chuyện đầy thú vị.

Đạo diễn Xuân Phượng có họ tên đầy đủ Nguyễn Thị Xuân Phượng, sinh năm 1929 tại làng Nham Biều, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế trong một gia đình hoàng tộc. Năm 16 tuổi, bà được chứng kiến giây phút cuối cùng của triều đại phong kiến tại Việt Nam và quyết định rời cố đô theo cách mạng.

Từ năm 1974, bà chuyển sang làm đạo diễn phim tài liệu, và lần lượt có các tác phẩm nổi tiếng: "Việt Nam và chiếc xe đạp", "Khi tiếng súng vừa tắt", "Tôi viết bài ca hồi sinh", "Hai tiếng quê hương", "Khi nụ cười trở lại", "Ông Năm Yersin"… Năm 2001, bà đã phát hành hồi ký "Áo dài" bằng tiếng Pháp. Đến năm 2020, bà viết lại "Áo dài" thành cuốn sách tiếng Việt "Gánh gánh gồng gồng" được trao giải thưởng của Hội Nhà văn TP HCM và Hội Nhà văn Việt Nam.

Sau giải thưởng văn chương ở tuổi 91, bà tiếp tục viết "Khắc đi... khắc đến". Tuy không đậm chất văn học như "Gánh gánh gồng gồng", song những câu chuyện được viết là những nỗi niềm bộc bạch chân thực đầy lôi cuốn về những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, bà sống cùng đồng bào dân tộc H'Mông, Tày, Cao Lan… Cuốn sách "Khắc đi... khắc đến" chỉ hơn 200 trang, đạo diễn Xuân Phượng kể về hành trình của bà từ khi mở phòng tranh Lotus vào năm 1991 đến nay. Đạo diễn Xuân Phượng cho biết bà hạnh phúc khi phát hiện và đưa những tài năng từ bóng tối ra ánh sáng như: Đinh Quân, Trương Đình Hào, Lê Võ Tuân, Nguyễn Văn Hải… để quảng bá được mỹ thuật Việt ra thế giới.

Cuốn sách "Khắc đi... khắc đến" đề cao ân tình giữa con người với con người, phía sau những cuộc mua bán tranh là câu chuyện chung quanh nếp sống, suy nghĩ và văn hóa cộng đồng của người Việt, dù trên xứ người vẫn chảy một dòng máu dân tộc.

Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dao-dien-xuan-phuong-voi-hoi-ky-khac-di-khac-den-196240925202228943.htm