Đạo đức cách mạng cao cả của V.Lê-nin (bài cuối)
6. Tư tưởng và tình cảm của Lê-nin về vấn đề "uống nước nhớ nguồn" và "đền ơn đáp nghĩa"
Cuối năm 1921, Lê-nin liên tiếp nhận được nhiều lá thư kêu oan của cán bộ, đảng viên về việc Đảng Cộng sản Nga xử lý sai đối với họ trong công tác thanh đảng. Điều khiến cho Lê-nin phải bận tâm lo lắng và trăn trở băn khoăn là, những đồng chí đảng viên này nằm trong diện các "gia đình có công với cách mạng", cần phải được ưu tiên đối xử và đáp nghĩa đền ơn.
- Trong thư gửi đồng chí Da-lu-txơ-ki (Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ban Kiểm tra Trung ương) và đồng chí Xôn-txơ (Ủy viên Ban thanh đảng Trung ương) ngày 20/12/1921, Lê-nin viết: "Tôi đã nhận được thư của đồng chí Ca-xpa-rô-va (địa chỉ: nhà số ba của các Xô Viết, phòng 63, điện thoại 58-97), chị ấy viết rằng chị đang ở trong tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng, vì bị khai trừ ra khỏi Đảng và chị yêu cầu tôi khẩn khoản đề nghị Ban thanh đảng Trung ương kiểm tra thấu đáo việc này.
Trong thư, chỉ có nêu tên người anh chị là Ca-xpa-rốp và chồng chị là Pô-pốp, đã được đồng chí Xvéc-đlốp phái đi Viễn Đông và hy sinh ở đó. Chị viết rằng chị đã cùng với Pô-pốp, từ hồi 14 tuổi, đã tham gia hoạt động trong các nhóm học sinh và đã gia nhập Đảng ngay từ năm 17 tuổi. Tôi biết rất rõ người anh của chị hồi ở nước ngoài. Sau cuộc cách mạng lần thứ nhất năm 1905, anh đã gia nhập tổ chức bôn-sê-vích. Đồng chí Ca-xpa-rốp đã chết ở Thụy Sĩ trước khi nổ ra cuộc cách mạng năm 1917. Tôi sẽ cố gắng sưu tầm tài liệu xem những ai có thể biết rõ em của Ca-xpa-rốp hơn. Về phía mình, tôi đề nghị Ban thanh tra Đảng Trung ương kiểm tra việc khai trừ đồng chí Ca-xpa-rô-va ra khỏi Đảng".
- Ngày 09/12/1921, trong thư gửi đồng chí Xta-lin (Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nga, Bộ trưởng Bộ dân ủy thanh tra công nông), Lê-nin viết: "Tôi đề nghị đồng chí dành 15 phút cho đồng chí Mê-ran-vin hiện làm việc trong Bộ dân ủy thanh tra công nông. Đồng chí ấy bị khai trừ ra khỏi Đảng, và theo lời đồng chí ấy người ta đã làm một điều bất công không thể dung thứ được là không thèm hỏi ý kiến cả một loạt nhân chứng do đồng chí nêu tên. Trước đây Mê-ran-vin đến chỗ tôi có việc và đã kể cho tôi nghe là đồng chí đó đã tham gia trong một tổ đảng ở nước ngoài, từ lâu trước Cách mạng Tháng Mười. Rất mong đồng chí trả lời cho tôi rõ”.
- Trong thư đọc qua điện thoại gửi đồng chí Da-lu-txơ-ki (Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương các Xô Viết toàn Nga, Ủy viên Ban thanh đảng Trung ương) và đồng chí Xôn-txơ (Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ban kiểm tra đảng), Lê-nin viết: "Tôi đã nhận được tin về việc khai trừ An-li-lu-ê-va ra khỏi Đảng. Bản thân tôi đã theo dõi công việc của chị ấy với tư cách là nữ thư ký trong Văn phòng Hội đồng bộ trưởng dân ủy. Tôi cũng đã biết toàn bộ gia đình An-li-lu-ê-va (cha mẹ và hai người con gái) từ trước Cách mạng Tháng Mười. Đặc biệt, trong những ngày tháng 7/1917, khi tôi và Di-no-vi-ép buộc phải trốn tránh tình thế hiểm nguy, thì tôi đã được chính gia đình này che giấu. Nếu không có sự giúp đỡ đó thì chúng tôi không trốn thoát bọn chó săn của Kê-ren-xki. Rất có thể là vì An-li-lu-ê-va còn trẻ, tiểu ban đã không biết tình hình đó. Tôi cũng không biết là trong khi xét sự việc của An-li-lu-ê-va, Ban thanh đảng có điều kiện để đối chiếu những tài liệu về cha chị chưa. Ông đã giúp đỡ đáng kể cho những người bôn-sê-vích hoạt động bất hợp pháp dưới thời Nga hoàng".

Lê-nin - người khởi xướng và lãnh đạo nhân dân Nga thực hiện thắng lợi Cách mạng Tháng Mười năm 1917
7. Lê-nin với việc chống tệ nạn quan liêu, ăn cắp của công và buôn lậu
- Ngày 04/11/1921, viết thư cho đồng chí Cuốc-xki (Bộ trưởng Bộ dân ủy tư pháp), Lê-nin nói rõ: "Trong thư số 809, ngày 03/9/1921, tôi đã giao cho đồng chí chịu trách nhiệm tiến hành cả một loạt nhiệm vụ và tôi đã yêu cầu thường xuyên báo cáo cho tôi biết tình hình thi hành những nhiệm vụ đó:
+ Thông qua Ban Chấp hành Trung ương mà thúc đẩy các thẩm phán trừng trị tệ quan liêu giấy tờ một cách nghiêm khắc hơn.
+ Tổ chức cuộc hội nghị các thẩm phán nhân dân, thành viên các tòa án ở Mát-xcơ-va để thảo ra những biện pháp đấu tranh có hiệu quả chống tệ nạn quan liêu giấy tờ.
+ Nhất thiết là vào mùa thu này và mùa đông 1921 - 1922 đưa ra tòa án Mát-xcơ-va xử từ 4 đến 6 vụ về tội quan liêu giấy tờ ở Mát-xcơ-va, chọn những trường hợp "có phần nổi bật".
+ Tìm trong những người cộng sản ít ra là 2 đến 3 "chuyên gia" thông minh chuyên về các vụ quan liêu giấy tờ, phải là những người khá nghiêm túc và khá khôn khéo (kéo nhà báo Xô-xnốp-xki vào) để học được cách trị quan liêu giấy tờ.
+ Phát đi một bức thư (thông tư của Bộ dân ủy tư pháp), có nội dung tốt, dễ hiểu, không có tính chất quan liêu chủ nghĩa về đấu tranh chống tệ nạn quan liêu giấy tờ".
- Trong thư đọc qua điện thoại ngày 13/12/1921, gửi đồng chí A-va-nê-xốp (Thứ trưởng Bộ dân ủy thanh tra công nông), đồng chí Cuốc-xki (Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương các Xô Viết toàn Nga), Lê-nin viết: "Hôm nay nhân tôi vắng mặt, Ô-xin-xki(1) và Bô-gđa-nốp(2) đã nêu lên vấn đề hủy bỏ quyết định của Hội đồng lao động và quốc phòng về việc truy tố những người mắc tội quan liêu trong việc sản xuất cày phan-cơ. Không nghi ngờ gì cả, ở đây rõ ràng là có những người mắc lỗi quan liêu, mà đứng về nguyên tắc, thì nhất thiết không thể nào chỉ nêu ra những vấn đề như vậy trong phạm vi các cơ quan quan liêu chủ nghĩa, mà phải đưa chúng ra trước tòa án công khai, không phải chủ yếu để trừng phạt nghiêm khắc (có thể, xử khiển trách là đủ), nhưng cốt để tuyên bố công khai và làm tiêu tan sự yên trí của mọi người rằng kẻ phạm tội không bị trừng phạt".
Về vấn đề chống tham ô. Trong thư ngày 15/11/1921 gửi đồng chí Xa-ma-rin, Lê-nin viết: "Những người tuyệt đối thật thà đã từng ở Crưm cho tôi biết rằng mọi người đến lấy trộm rượu nho. Thật quá tồi tệ, ăn đút ăn lót, uống say nhừ tử. Đồng chí phải chịu trách nhiệm thẩm tra tình hình này một cách vô tư và đến nơi đến chốn. Nhân tiện, tôi xin nói: vấn đề tranh chấp giữa Bộ dân ủy ngoại thương và Bộ dân ủy y tế về việc có nên xuất khẩu rượu nho hay là để lại cho các bệnh viện. Đồng chí phải thu thập nhanh tất cả các tài liệu về vấn đề đó. Nếu có việc gì khẩn cấp, đồng chí cứ đánh điện thẳng cho tôi. Hàng tuần, tôi chờ đợi những bức điện khẩn thật ngắn gọn".
- Ngày 18/11/1921, trong thư gửi Ủy ban đặc biệt toàn Nga và sao gửi Bộ dân ủy tài chính, Lê-nin viết: "Nhằm mục đích tập trung vào một nơi tất cả các vật quý hiện đang được cất giữ ở nhiều cơ quan nhà nước, tôi đề nghị, trong vòng ba ngày, từ khi nhận được lệnh này, phải nộp vào Cục bảo vệ tài sản quý nhà nước toàn bộ các vật quý hiện thuộc quyền quản lý của Ủy ban đặc biệt toàn Nga".
- Trong thư ngày 22/11/1921 gửi đồng chí Xta-lin (Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nga, Bộ trưởng Bộ dân ủy thanh tra công nông) và đồng chí Un-slích-tơ (Phó Chủ tịch Ủy ban đặc biệt toàn Nga), Lê-nin viết: "Đồng chí Ki-xê-lép cho tôi biết ở nước ta, người ta cho thuê thật chẳng ra thể thống gì. Bản kê khai tài sản thì giả mạo, như bản này đây. Hay là không có gì cả. Vô số hàng hóa quý như máy móc, dây cua-roa, vải, v.v và v.v đã bị bọn thuê nhà, bọn thu nhận, bọn cấp phát đánh cắp hết. Tôi đã có lần viết thư cho Un-slích-tơ (Phó Chủ tịch Ủy ban đặc biệt toàn Nga) về tình hình đó. Nên chăng triệu tập một cuộc họp kín gồm những người thật tin cẩn để bàn biện pháp chống lại:
a) Bắt một vài vụ và xử bắn
b) Dự thảo một chỉ thị bổ sung
c) Dự thảo các biện pháp kiểm tra, v.v".
*
* *
Tháng 01/1924, trong những ngày cử hành tang lễ để vĩnh biệt Lê-nin về nơi an nghỉ cuối cùng, với niềm đau thương vô hạn, đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Bác Hồ) đã viết những dòng bất hủ như sau: "Lê-nin là người thầy cách mạng vĩ đại của chúng ta. Sở dĩ các dân tộc phương Đông vô cùng kính yêu và mến mộ Người, là vì Người đã khinh thường xa hoa, yêu lao động, đời tư trong sáng và nếp sống giản dị”.
Ba năm kế tiếp sau đó (1925 - 1927), trong sách giáo khoa "Đường kách mệnh" nổi tiếng do Người trực tiếp soạn thảo để giảng dạy tại các khóa huấn luyện chính trị đặc biệt ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã đặt 23 điều về tư cách của người cách mạng lên trên những trang đầu quyển sách này.
Trong quyển Sửa đổi lề lối làm việc được viết từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã giảng giải rõ ràng về tư cách và đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Theo ý kiến của giáo sư triết học và sử học Trần Văn Giàu: Sách "Sửa đổi lề lối làm việc" là sách cơ bản về đạo đức học Hồ Chí Minh. Trong đó, đạo đức học Hồ Chí Minh được hình thành trên nền tảng đạo đức học mác-xít và bắt nguồn từ những giá trị tinh hoa đạo đức truyền thống tốt đẹp của tổ tiên ta, dân tộc ta, được hun đúc và vun bồi trải qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh oanh liệt để dựng nước và giữ nước. Đó là tình cảm "trung với nước, hiếu với dân", tinh thần "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, tư tưởng "nhân, nghĩa, trí, dũng"(*).
--------------------------------------------
(1) Ô-xin-xki: Thứ trưởng Bộ dân ủy nông nghiệp
(2) Bô-gđa-nốp: Phó Chủ tịch Ủy ban đặc biệt toàn Nga
(*) Nguồn sử liệu của bài viết này được khảo cứu trong V.I.Lê-nin toàn tập, tập 54, bản tiếng Việt, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1979.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/dao-duc-cach-mang-cao-ca-cua-vle-nin_177022.html