'Mỗi trang sách, một niềm tự hào'
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2025, các địa phương, trường học và đơn vị văn hóa trong tỉnh Tiền Giang đã đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phong phú nhằm lan tỏa tinh thần yêu sách, khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong cộng đồng; đặc biệt là trong học sinh, sinh viên. Những hoạt động này không chỉ góp phần phát triển văn hóa đọc, mà còn tạo môi trường học tập tích cực, rèn luyện nhân cách, đạo đức cho thế hệ trẻ.
NHIỀU HOẠT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG
Dịp này, Ngày hội đọc sách năm 2025 tại Trường Tiểu học Huỳnh Văn Mảnh, huyện Gò Công Tây đã diễn ra sôi nổi. Chương trình do Thư viện tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng các đơn vị địa phương tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 300 học sinh tiểu học.

Ngày hội đọc sách năm 2025 được tổ chức tại Trường Tiểu học Huỳnh Văn Mảnh, huyện Gò Công Tây.
Trong không gian ngập tràn sắc màu của tri thức, các em nhỏ được tự do lựa chọn sách yêu thích, tham gia thi kể chuyện theo sách, vẽ tranh theo chủ đề “Sách và ước mơ”, cũng như giới thiệu những cuốn sách mang thông điệp tích cực. Mỗi hoạt động là một cách truyền cảm hứng đọc sách sinh động, gần gũi và đầy tính giáo dục.
Không chỉ dừng lại ở việc đọc, các em còn được trải nghiệm hoạt động đổi sách cũ lấy sách mới - một mô hình nhân văn giúp luân chuyển tri thức trong cộng đồng. Những tiếng cười giòn tan, ánh mắt háo hức, sự say mê hiện rõ trên từng gương mặt học sinh đã cho thấy sức hút bền bỉ của sách; đặc biệt tại những vùng nông thôn, nơi điều kiện tiếp cận còn hạn chế.
Tiếp nối chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc, đầu tháng 4 vừa qua, Chuyến xe Thư viện thông minh lưu động của Thư viện tỉnh Tiền Giang đã có mặt tại Trường Tiểu học Song Thuận, huyện Châu Thành. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Đề án Phát triển văn hóa đọc được tổ chức định kỳ luân phiên ở nhiều trường học vùng nông thôn, góp phần đưa sách đến gần hơn với học sinh.
Chuyến xe mang theo hàng trăm đầu sách phong phú, đa dạng từ truyện tranh, sách thiếu nhi, sách kỹ năng sống đến sách khoa học thường thức. Ngoài ra, các hoạt động trải nghiệm như: Xếp hình thông minh, trò chơi tương tác qua màn hình cảm ứng, đố vui và kể chuyện sách đã thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Sự xuất hiện của Chuyến xe Thư viện thông minh không chỉ tạo nên sân chơi trí tuệ, bổ ích, mà còn góp phần đổi mới hình thức tổ chức đọc sách, giúp học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học tập.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách năm nay là chương trình do UBND huyện Chợ Gạo phối hợp với Thư viện tỉnh Tiền Giang tổ chức. Tại đây, hàng loạt hoạt động sôi nổi đã diễn ra như: Trưng bày, giới thiệu sách; triển lãm ảnh tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức cuộc thi vẽ tranh và kể chuyện theo sách với sự tham gia nhiệt tình của học sinh tiểu học, trung học cơ sở.
Chương trình còn có sự đồng hành của Chuyến xe Thư viện thông minh lưu động, tiếp tục phát huy vai trò đưa sách đến tận tay người học và người dân vùng nông thôn. Qua đó, không chỉ khuyến khích học sinh hình thành thói quen đọc sách, mà còn góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử và đạo lý làm người.
Song song đó, tỉnh Tiền Giang đã và đang triển khai mạnh mẽ kế hoạch phát triển và nhân rộng các mô hình tủ sách cộng đồng như: Tủ sách gia đình, Tủ sách dòng họ, Tủ sách trường học, Gia đình đọc sách gắn kết yêu thương. Đây là một trong những nội dung trọng tâm nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo kế hoạch được UBND tỉnh ban hành, việc phát triển các mô hình tủ sách được kỳ vọng sẽ tạo nên mạng lưới văn hóa đọc đa dạng, gắn liền với không gian sống của người dân. Mỗi tủ sách không chỉ là nơi lưu giữ tri thức, mà còn là không gian chia sẻ, kết nối các thế hệ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng, qua đó nâng cao nhận thức về vai trò của việc đọc sách trong đời sống xã hội hiện đại.
Qua các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 tại Tiền Giang cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý văn hóa, ngành Giáo dục và chính quyền địa phương trong việc phát triển văn hóa đọc.
Sự vào cuộc đồng bộ này đang từng bước đưa sách trở thành người bạn đồng hành trong hành trình học tập và trưởng thành của mỗi học sinh; đồng thời, tạo dựng nền tảng tri thức bền vững cho cộng đồng. Từ các mô hình thư viện truyền thống đến thư viện thông minh lưu động, từ tủ sách gia đình đến những ngày hội sách quy mô cấp huyện, tất cả đã và đang tạo nên một không gian đọc rộng khắp, thấm đẫm tinh thần nhân văn và lan tỏa giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, việc giữ gìn và phát huy thói quen đọc sách đang đối mặt với không ít thách thức. Tuy nhiên, những hoạt động thiết thực, sinh động và đầy sáng tạo như ở Tiền Giang trong thời gian qua là minh chứng cho thấy việc đọc sách vẫn luôn giữ vai trò thiết yếu trong giáo dục và phát triển con người toàn diện.
Đó không chỉ là nhiệm vụ của ngành Văn hóa hay Giáo dục, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội trong việc hình thành và bồi dưỡng một thế hệ công dân yêu tri thức, sống nhân văn và biết trân trọng giá trị của sách vở.
NGÀY SÁCH NGHĨ VỀ VĂN HÓA ĐỌC
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 với chủ đề “Mỗi trang sách, một niềm tự hào” nhắc nhở mỗi chúng ta về tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc; đồng thời, còn là dịp để tôn vinh sách, là lời kêu gọi mọi người cùng nhau trở thành những đại sứ văn hóa đọc.

Ngày hội đọc sách năm 2025 được tổ chức tại Trường Tiểu học Huỳnh Văn Mảnh, huyện Gò Công Tây.
Việc chọn sách đúng là bước đầu tiên, quan trọng nhất. Sách giống như món ăn tinh thần, nếu chọn đúng sẽ nuôi dưỡng trí tuệ và tinh thần; nếu chọn sai, ta sẽ tiêu tốn thời gian mà không thu lại được gì. Để chọn sách tốt, người đọc cần chủ động tìm hiểu, tham khảo ý kiến từ những người có kinh nghiệm và chọn sách từ các nhà xuất bản uy tín, các tác giả có tên tuổi. Nhờ đó, việc đọc sách sẽ trở thành một hành trình bổ ích và có ý nghĩa.
Tuy nhiên, đọc sách không chỉ đơn giản là việc lật từng trang, nên việc đọc sách phải có phương pháp và kỹ năng. Phương pháp đọc tích cực, tức là đọc để suy ngẫm, phân tích và áp dụng vào cuộc sống, giúp người đọc không chỉ tiếp nhận kiến thức, mà còn rèn luyện khả năng tư duy, phản biện. Mỗi cuốn sách là một kho tàng tri thức và người đọc phải biết cách khai thác, rút ra bài học cho riêng mình.
=Trong thời đại số, việc đọc không chỉ giới hạn trong sách giấy mà còn mở rộng ra sách điện tử và các nền tảng trực tuyến. Công nghệ giúp chúng ta tiếp cận sách dễ dàng hơn, nhưng cũng cần phải biết chọn lọc thông tin và giữ gìn thói quen đọc sách. Văn hóa đọc không chỉ tồn tại trong những thư viện, mà còn sống động trong từng không gian học tập, trao đổi và chia sẻ.
Với mỗi người dân, đọc sách không chỉ là một thói quen cá nhân, mà còn là hành động lan tỏa văn hóa học tập và tư duy. Khi mỗi cá nhân chủ động chia sẻ kiến thức từ sách với người khác, họ không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng trí thức, nơi mỗi người dân đều là một đại sứ của văn hóa đọc.