Đạo đức nhà giáo
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc giáo viên có hành vi thiếu chuẩn mực đối với học sinh khiến dư luận bất bình. Một lần nữa, vấn đề đạo đức nhà giáo lại được đặt ra.
Nghề giáo là nghề đặc biệt, sản phẩm giáo dục là nhân cách của con người và nó ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều thế hệ. Vì vậy, Luật Giáo dục trước đây và Luật Giáo dục năm 2019 đều có quy định điều kiện để trở thành giáo viên phải là người có đạo đức tốt. Năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về đạo đức nhà giáo. Đây được xem là “kim chỉ Nam” cho việc ứng xử, đào tạo và tuyển dụng nhà giáo.
Bên cạnh đó, hàng năm, ngành Giáo dục còn triển khai nhiều cuộc vận động như: “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học, sáng tạo” hay “Nâng cao năng lực sư phạm về đạo đức nhà giáo”... nhưng đâu đó vẫn còn tình trạng giáo viên có hành vi thiếu chuẩn mực. Mặc dù đây chỉ là hiện tượng đơn lẻ, nhưng nó cũng đã gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh nhà giáo cũng như uy tín của toàn ngành.
Nhiều người nhận định rằng, nguyên nhân chính dẫn đến những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo là do chất lượng đội ngũ, giáo viên còn thiếu kỹ năng sư phạm, thiếu sự rèn giũa về đạo đức… Theo đó, hiện một số cơ sở đào tạo giáo viên còn nặng về dạy kiến thức, chưa chú trọng việc đào tạo cho sinh viên các phương pháp học, tâm lý học dẫn tới khi ra trường và đi làm, các giáo viên bị thiếu hụt kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống... Bên cạnh đó, vẫn còn một số giáo viên chưa thật sự có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực.
Nói đi cũng phải nói lại, việc học sinh được gia đình quá nuông chiều, thiếu ý thức tuân thủ quy tắc, quy định, nền nếp đã có những hành vi, phản ứng gây bức xúc cho nhà giáo. Vì thiếu kiên nhẫn, thiếu kỹ năng xử lý tình huống dẫn tới giáo viên gây ra những sự việc đáng tiếc. Bởi nói cho cùng, các thầy cô giáo cũng có những buồn vui, cáu giận như bao người bình thường khác, khi bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, trong một khoảnh khắc nào đó sẽ có những hành động bộc phát, thiếu kiềm chế.
Không phải tự nhiên mà trước đây các trường học đều có dòng chữ “Tiên học lễ, hậu học văn”, bởi môi trường giáo dục là dạy chữ và dạy người. Sản phẩm của ngành giáo dục là con người, sự “phản biện” của xã hội phần lớn từ nền giáo dục mà ra. Do đó, “vì lợi ích trăm năm trồng người”, việc đề cao chuẩn mực đạo đức đối với người làm trong môi trường sư phạm cần phải được thực hiện nghiêm ngặt và triệt để hơn.
“Tai nạn nghề nghiệp” là điều khó tránh khỏi, nhưng vi phạm đạo đức trong nhà giáo sẽ khiến nhiều người khó có thể chấp nhận. Do đó, ngành Giáo dục cần phải nghiêm khắc hơn trong công tác tuyển sinh, đào tạo ở các trường sư phạm. Theo đó, các trường sư phạm cần gắn nội dung kiến thức với đạo đức, kỹ năng ứng xử của nhà giáo cho sinh viên, giúp các em có nền tảng kiến thức và kỹ năng tốt trước khi trở thành giáo viên. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng giáo viên cũng cần có sự thay đổi, bởi hiện nay vẫn chung quy trình, quy định, tiêu chuẩn như các viên chức ngành nghề khác, vì thế nội dung về đạo đức nhà giáo, phong cách giao tiếp, kỹ năng ứng xử có thể chưa được chú trọng.
Bên cạnh đó, với yêu cầu không ngừng đổi mới hiện nay, ngành Giáo dục cũng cần có bộ phận tư vấn về tâm lý, hỗ trợ đội ngũ nhà giáo về kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm, kỹ năng ứng xử với học sinh… để làm sao giúp mỗi giáo viên có thể làm tốt nhiệm vụ của mình, không để xảy ra những vi phạm đáng tiếc.
Ngoài ra, ngành Giáo dục, nhà trường và đội ngũ giáo viên cũng rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục học sinh. Nếu học sinh ngoan, chăm chỉ học tập, biết vâng lời cha mẹ và thầy cô giáo, có tư duy phản biện và kỹ năng ứng xử tốt cũng sẽ hạn chế được nhiều sự việc đáng tiếc có thể xảy ra trong môi trường giáo dục.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Nhà giáo mới vừa được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Trong thiết kế chung của Luật Nhà giáo, có điều khoản quy định quyền và nghĩa vụ nhà giáo, quy định tiêu chuẩn, tiêu chí trở thành nhà giáo, trong đó có quy định cụ thể hơn về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo.
Luật cũng sẽ có những quy định về một số người không được tuyển dụng làm nhà giáo nếu đã từng có các hành vi vi phạm như: có hành vi bạo lực, cố ý gây thương tích cho người khác; hành vi xâm hại tình dục, ngược đãi cha mẹ… kể cả tại thời điểm tuyển dụng người đó đã được xóa án tích. Điều này nhằm tránh nguy cơ có thể phát sinh hành vi lệch chuẩn.
Trong Luật Nhà giáo dự kiến cũng có nội dung bảo vệ nhà giáo khi sử dụng các biện pháp giáo dục tích cực để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong nhà trường. Bởi nếu chỉ quan tâm đến thực hiện đạo đức mà không chú ý đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trong nhà trường thì hiệu quả giáo dục sẽ không được như mong muốn, sẽ không tạo ra được thế hệ học sinh có năng lực và phẩm chất như yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam đã được nêu trong Nghị quyết 29 (Khóa XI) của Đảng.
Nghề giáo từ xưa đến nay luôn được xã hội tôn vinh và coi trọng. Bởi thế, dù trong thời đại nào, đội ngũ nhà giáo cũng cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, có tính tích cực học tập, không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp sư phạm; có lối sống, cách ứng xử và đạo đức chuẩn mực để làm tấm gương cho học sinh noi theo.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/dao-duc-nha-giao-20231011194620018.htm