'Đào' lại clip nhưng mập mờ thông tin lãnh hậu quả gì?

Việc 'đào lại' một sự kiện cũ nhưng không ghi rõ thời gian, gây hiểu nhầm hoặc kích động dư luận có thể bị xử phạt nặng.

Gần đây, một số trang mạng xã hội đăng tải một số clip không rõ tính xác thực hoặc thời gian xảy ra sự việc. Nội dung trong clip gây hiểu lầm, bức xúc từ cộng đồng mạng làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức.

Trang Hi88 Rồng Đưa Tin đưa thông tin gây hiểu nhầm.

Trang Hi88 Rồng Đưa Tin đưa thông tin gây hiểu nhầm.

Cụ thể, trang TikTok Hi88 Rồng Đưa Tin ngày 11-2 có đăng tải clip nội dung "Một xe công vụ thuộc Phòng CSGT Công an TP HCM đang lưu thông trên đường mà điều lạ là tài xế mặc thường phục, một tay lái xe còn một tay thì nghe điện thoại và không thắt dây an toàn. Chắc do gấp quá thôi nhỉ?".

Clip trên nhận về hàng trăm bình luận tiêu cực của cộng đồng mạng, ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng CSGT TP HCM.

Qua xác minh của phóng viên, clip trên được ghi lại trên Quốc lộ 1 (nay là đường Đỗ Mười), đoạn qua quận 12 vào nhiều năm trước. Vụ việc trên cũng đã được Phòng CSGT Công an TP HCM xử lý.

Theo luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, việc "đào lại" một sự kiện cũ nhưng không ghi rõ thời gian, gây hiểu nhầm hoặc kích động dư luận có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh mạng.

Hành vi cung cấp, phát tán thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật An ninh mạng 2018. Việc đăng tải lại một sự kiện cũ nhưng không ghi rõ thời gian có thể khiến người xem hiểu lầm rằng đây là một vụ việc mới xảy ra, từ đó dẫn đến những phản ứng tiêu cực, thậm chí làm phát sinh những hành động sai lệch do hiểu nhầm bản chất sự việc.

Điều này không chỉ gây rối loạn thông tin trên không gian mạng mà còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Theo Nghị định 15/2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022), cá nhân hoặc tổ chức lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng.

Trong trường hợp nội dung đăng tải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội, dẫn đến hậu quả như kích động bạo lực, gây thiệt hại về tài sản, làm ảnh hưởng tiêu cực đến cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân, thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) cũng quy định các hình thức xử lý nghiêm khắc đối với hành vi đưa tin sai sự thật trên không gian mạng. Cụ thể, nếu thông tin được đăng tải gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị xử lý theo điều 288 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Mức phạt có thể lên đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm, tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả gây ra.

Bên cạnh đó, nếu nội dung đăng tải có tính chất vu khống, xuyên tạc sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức hoặc cá nhân, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý theo điều 155 về tội làm nhục người khác hoặc điều 156 về tội vu khống.

Tùy vào mức độ vi phạm, cơ quan chức năng có thể áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp, từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Trong bối cảnh thông tin trên mạng xã hội lan truyền với tốc độ nhanh chóng, việc kiểm chứng nguồn tin trước khi chia sẻ là vô cùng quan trọng. Người dùng mạng cần nâng cao ý thức trách nhiệm khi tiếp nhận và phát tán thông tin, tránh tiếp tay cho hành vi lan truyền tin giả, thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội" - luật sư Đào Thị Bích Liên nói.

Anh Vũ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dao-lai-clip-nhung-map-mo-thong-tin-lanh-hau-qua-gi-196250213090555075.htm