'Đảo ngọc xanh' ở Sóc Trăng đón bằng đạt chuẩn nông thôn mới

Huyện đảo Cù Lao Dung của tỉnh Sóc Trăng có nhiều điểm du lịch đặc sắc. Nổi bật ở xã An Thạnh 1 có Làng du lịch Long Ẩn phát triển mô hình homestay vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái sông nước miệt vườn.

Ngày 31/7, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ công bố huyện Cù Lao Dung đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn và Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã trao Bằng công nhận cho lãnh đạo huyện Cù Lao Dung.

Huyện Cù Lao Dung được tỉnh Sóc Trăng ví là “đảo ngọc xanh” với quy hoạch xây dựng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 là vùng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm thương mại – dịch vụ - du lịch – đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp gắn với lợi thế của sông Hậu và vùng ven biển. Huyện đảo này đạt chuẩn NTM là thành quả sau 13 năm tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Đảng bộ và Nhân dân Cù Lao Dung.

Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện cho biết Cù Lao Dung có 8/8 đơn vị hành chính đều là xã đảo, nằm cách biệt với đất liền. Khi chưa triển khai xây dựng nông thôn mới, điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện rất khó khăn, các công trình cơ sở hạ tầng điện – đường – trường – trạm rất yếu kém, thậm chí có nơi không đường giao thông, không có điện sử dụng; sinh kế người dân chủ yếu chỉ dựa vào canh tác mía hiệu quả thấp, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 18 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 36,62%.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn (thứ 3 từ phải qua) và Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu (bìa trái) đã trao Bằng công nhận cho lãnh đạo huyện Cù Lao Dung.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn (thứ 3 từ phải qua) và Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu (bìa trái) đã trao Bằng công nhận cho lãnh đạo huyện Cù Lao Dung.

Chuyển biến nổi bật nhất tại “đảo ngọc xanh” có thể kể đến sự phát triển hoàn thiện của hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn. Là huyện cù lao nền hạ yếu, suất đầu tư công trình lớn nhưng huyện đã nỗ lực đầu tư 226 tuyến đường giao thông nông thôn và 6 tuyến đường huyện đạt chuẩn theo quy định, trong đó 100% các xã đều có đường ô tô đến trung tâm.

Đặc biệt, dự án cầu Đại Ngãi kết nối tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng đã khởi công từ tháng 10/2023. Khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, quốc lộ 60 được kết nối toàn tuyến, huyện Cù Lao Dung sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để bứt phá, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng với tiềm năng và lợi thế của vùng.

Khu trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện Cù Lao Dung.

Khu trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện Cù Lao Dung.

Triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, từ năm 2019 đến nay huyện đã phát triển và được công nhận có 16 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao (Tôm một gió ở xã An Thạnh Nam) và 15 sản phẩm 3 sao, 100% các sản phẩm OCOP đều được đưa lên sàn thương mại điện tử để trao đổi mua bán, đồng thời huyện cũng đã xây dựng một cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP kết hợp với điểm phát triển du lịch.

Theo lãnh đạo UBND huyện Cù Lao Dung, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân mỗi hec-ta năm 2023 đạt trên 180 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2010. Để nâng cao thu nhập cải thiện đời sống của người dân nông thôn, từ năm 2016 đến nay, huyện đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để từng bước hình thành, phát triển du lịch nông thôn, khai thác tiềm năng lợi thế vùng sông nước gắn liền với nhiều giá trị lịch sử.

Hiện, Cù Lao Dung có nhiều điểm du lịch đặc sắc nằm giữa sông Hậu. Nổi bật ở xã An Thạnh 1 có Làng du lịch Long Ẩn phát triển mô hình homestay vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái sông nước miệt vườn; xã An Thạnh Nam có Khu du lịch Farmstay Sân Tiên gắn với truyền thuyết xứ “Tiên sa” có các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tour tham quan trải nghiệm đi cầu tre dưới tán rừng, câu cua, câu cá, tham quan rừng bần, bãi nghêu bằng thuyền du lịch.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có một Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia là Đền thờ Bác Hồ và 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh (Bia chiến thắng Rạch Già, Bia chiến thắng An Hưng và Đình Rạch Giồng) là tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế nông thôn đã góp phần nâng cao mức sống người dân nông thôn, tăng thu nhập bình quân đầu người qua các năm. Kết quả năm 2023 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt bình quân 62,39 triệu đồng/người, trong đó, khu vực nông thôn đạt 61,54 triệu đồng/người (tăng 3,5 lần so năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn 7 xã giảm còn 0,35%, tỷ lệ hộ cận nghèo đa chiều giảm còn 2,23%.

Phát biểu tại buổi Lễ công bố huyện NTM, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chúc mừng, biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu trong xây dựng NTM của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cù Lao Dung.

Bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích.

Bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích.

“Thời gian tới, Cù Lao Dung cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xác định xây dựng NTM là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.

Duy Khang

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/dao-ngoc-xanh-o-soc-trang-don-bang-dat-chuan-nong-thon-moi-c2a79236.html