Doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình phù hợp
Không có lộ trình duy nhất cho tất cả doanh nghiệp để ứng phó hiệu quả với Cơ chế CBAM vận hành từ năm 2026. Thay vào đó, doanh nghiệp cần tùy theo hiện trạng công nghệ, chiến lược kinh doanh, điều kiện tài chính, nguồn lực... để xây dựng lộ trình phù hợp.
Xác định cơ quan đầu mối là rất cần thiết
Chính thức có hiệu lực từ 1.10.2023, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được Liên minh châu Âu (EU) ban hành áp dụng trước mắt đối với 6 nhóm mặt hàng nhập khẩu, gồm sắt thép, xi măng, điện, phân bón, nhôm và hydrogen. Từ năm 2026, CBAM sẽ bước vào giai đoạn chính thức vận hành; theo đó, sẽ áp thuế carbon đối với các hàng hóa thuộc diện điều chỉnh khi xuất khẩu vào thị trường EU, dựa trên mức độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất.
Là 1 trong 6 ngành đầu tiên chịu tác động trực tiếp của CBAM, các doanh nghiệp ngành thép đã nhanh chóng có sự chuẩn bị thích ứng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Đinh Quốc Thái cho biết tại Tọa đàm “Ứng phó hiệu quả với Cơ chế CBAM: Vai trò của cơ quan đầu mối trong hỗ trợ doanh nghiệp”, do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 16.9.
Trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, bà Nguyễn Hồng Loan, chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM cho biết, ngoại trừ các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp đã có sự nghiên cứu, chuẩn bị nghiêm túc, đại bộ phận doanh nghiệp vẫn chưa hiểu đầy đủ và chính xác về CBAM, từ đó dẫn đến phản ứng và sự chuẩn bị không hiệu quả.
Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp hiểu lầm là khi xuất khẩu hàng hóa theo CBAM, phát thải phải vượt trên ngưỡng do châu Âu quy định thì mới chịu tác động của CBAM, song thực tế, CBAM bao trùm toàn bộ phát thải của sản phẩm. Hay có doanh nghiệp trong ngành gạo và nhựa lại nghĩ mình thuộc đối tượng áp dụng Cơ chế CBAM, trong khi thực tế thì chưa phải vậy.
Về lộ trình, “nhiều doanh nghiệp lại có phản ứng thái quá, tức là rất lo lắng khi CBAM áp dụng thì họ sẽ phải chịu giá carbon bằng giá carbon của châu Âu”. Tuy nhiên, bà Loan lưu ý, giá carbon áp dụng theo chứng chỉ CBAM sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ phân bổ hạn ngạch miễn phí ở trên thị trường carbon ở châu Âu và được điều chỉnh theo lộ trình tăng dần từ 2026 - 2034. Ngoài ra, nếu nước xuất khẩu có áp dụng định giá carbon trong nước thì giá phải chi trả cho chứng chỉ CBAM sẽ có sự bù trừ và điều chỉnh với giá của carbon trong nước. Điều này hàm ý, với các quy định và yêu cầu của CBAM, doanh nghiệp cần phải có nhận thức đầy đủ và đúng đắn, trong đó, việc có một kênh chính thống để cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Ngày 24.8 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo về triển khai các nhiệm vụ liên quan tới Cơ chế CBAM. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng và triển khai các biện pháp hiệu quả ứng phó với Cơ chế CBAM, bao gồm việc xây dựng và triển khai Đề án ứng phó với СВАМ và các hoạt động chủ động, tích cực nhằm thích ứng với CBAM…
Thông tin này đã nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp cũng như giới phân tích. Ông Đinh Quốc Thái tin tưởng, trong bối cảnh có nhiều luồng thông tin hiện nay, việc xác định cơ quan đầu mối này sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận được thông tin chính thống, qua đó hiểu sâu sắc hơn về những việc cần làm từ yêu cầu của EU để ứng phó hiệu quả hơn với Cơ chế CBAM.
Chỉ còn hơn một năm nữa, Cơ chế CBAM sẽ bước vào giai đoạn chính thức vận hành. Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương Ngô Chung Khanh lưu ý, về diện mặt hàng, chắc chắn không dừng ở con số 6 hiện nay mà sẽ nhiều hơn. Trong đó, các ngành tiềm ẩn phát thải carbon cao, có khả năng dẫn đến hiện tượng rò rỉ carbon như dệt may, da giày sẽ có khả năng bị EU đưa vào diện đề xuất áp dụng Cơ chế CBAM. Vì thế, Việt Nam phải đề phòng để có phương án phù hợp.
Mặt khác, số lượng các nước áp dụng Cơ chế CBAM hoặc giải pháp khác tương tự sẽ không chỉ dừng ở EU mà cả Anh, Hoa Kỳ, Canada, Australia… cũng đang nghiên cứu áp dụng. Do vậy, ông Khanh khuyến cáo, trước hết, các doanh nghiệp trong 6 ngành chịu tác động trực tiếp của Cơ chế CBAM cần có sự chuẩn bị sẵn sàng; với các ngành chưa bị điều chỉnh cũng không thể chủ quan.
Giúp doanh nghiệp hiểu đúng về Cơ chế CBAM
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Khanh cho biết, sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp. Một là, về mặt thể chế, cùng với việc xác định cơ quan đầu mối (Bộ Công Thương), phải xây dựng giá carbon. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, để sau này khi EU có hướng dẫn cụ thể hơn, chúng ta sẽ có căn cứ để xác định được việc có được bù trừ trong tín chỉ CBAM.
Hai là, cần tuyên truyền đúng, chính xác về Cơ chế CBAM; đồng thời phải tập huấn để hướng dẫn doanh nghiệp, giúp họ có sự chuẩn bị tốt hơn.
Ba là, có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giảm phát thải carbon; tạo ra nguồn tài chính xanh để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất xanh hơn, ít phát thải hơn; tìm kiếm, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp.
Bốn là, cùng với các biện pháp để chuẩn bị sẵn sàng ở trong nước, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đấu tranh để có được những cam kết linh hoạt tốt nhất cho phía Việt Nam.
Bà Nguyễn Hồng Loan lưu ý, theo Cơ chế CBA, từ 1.10.2023 đến cuối 2025, các doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến báo cáo phát thải; từ 2026 trở đi sẽ chính thức áp dụng nghĩa vụ chi trả và sẽ tăng dần nghĩa vụ đến năm 2034. Do đó, các doanh nghiệp cần bám sát lộ trình này. “Nếu là doanh nghiệp xuất khẩu thì chắc chắn phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và tính toán suất phát thải của sản phẩm xuất khẩu của mình, nếu không sẽ không thể xuất khẩu sang châu Âu”.
Cùng với đó, từ nay đến cuối năm 2025, doanh nghiệp sẽ phải xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho sản phẩm của mình. Đối với các doanh nghiệp mà công nghệ đã đến giai đoạn khấu hao và đã áp dụng tất cả các biện pháp giảm phát thải, cần cân nhắc chuyển đổi công nghệ để mang lại hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính.
“Không có lộ trình duy nhất cho tất cả doanh nghiệp, mà tùy theo hiện trạng mặt công nghệ, phát thải, chiến lược kinh doanh, điều kiện tài chính, nguồn lực, doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình phù hợp nhất nhằm ứng phó với Cơ chế CBAM”, bà Nguyễn Hồng Loan khuyến nghị.