Đạo Phật và khủng hoảng khí hậu
Những giải pháp thay thế này nhấn mạnh đến lợi ích của cuộc sống bền vững về mặt môi trường, đơn giản về mặt vật chất, thiền định và từ bi - không chỉ cho hành tinh mà còn cho hạnh phúc của cá nhân và tập thể.
Đạo Phật có thể đưa ra quan điểm triết học và cách tiếp cận thực tế hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh?
Có khía cạnh nào của đạo Phật gây cản trở những nỗ lực như thế?
Những vấn đề phát sinh khi kết hợp đạo Phật và hoạt động vì khí hậu?

Hình minh họa tạo bởi AI.
Bài viết tóm tắt dự án nghiên cứu của tôi tại Đại học Helsinki, Phần Lan.
Các tập dữ liệu thực nghiệm bao gồm các cuộc phỏng vấn chuyên sâu với các nhà hoạt động vì khí hậu thực hành đạo Phật, trong đó có 13 người từ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada và Úc, 12 người từ Phần Lan.
Tôi được công nhận là một nhà khoa học trong lĩnh vực sinh học, mặc dù tôi cũng có lịch sử (bằng Thạc sĩ) về nghiên cứu châu Á.
Dòng nghiên cứu thứ hai này nảy sinh thông qua một loạt các sự kiện sau cuộc gặp gỡ tình cờ với nữ cư sĩ Phật tử Mitra Härkönen, chuyên gia nghiên cứu Phật học.
Mối liên hệ đã dẫn đến các dự án nghiên cứu chung và để tôi khái niệm hóa dự án này, tìm cách kết hợp mối quan tâm cá nhân lâu dài của tôi đối với Phật giáo và cuộc khủng hoảng khí hậu. Mối quan tâm của tôi đối với Phật giáo bắt nguồn từ khi còn là thiếu niên thông qua niềm đam mê võ thuật Đông Á và bao gồm việc dành một khoảng thời gian trong những năm 2021-2023 tại các tu viện Phật giáo ở châu Âu và châu Á, bao gồm cả việc xuất gia gieo duyên ở Thái Lan trong một thời gian ngắn.
Tôi bắt đầu quan tâm đến cuộc khủng hoảng khí hậu thông qua việc tiếp xúc với tin tức và đọc về sinh thái học những năm 2000. Một chủ đề chính trong cuộc sống của tôi là tìm cách dung hòa hai mối quan tâm này với nhau cũng như với thế giới quan thế tục, một thế giới quan hoặc nguyên tắc chính trị tách biệt tôn giáo khỏi các lĩnh vực khác của sự tồn tại của con người và khoa học.
Nghiên cứu bên lề này là một dự án đam mê cá nhân, tôi cho rằng cũng có giá trị đối với các phật tử, các nhà hoạt động vì khí hậu và xã hội nói chung.
Nguồn gốc và cách tiếp cận lịch sử của Phật giáo đối với môi trường
Phật giáo xuất hiện ở nơi hiện là đông bắc Ấn Độ cách đây khoảng 2.500 năm. Ban đầu, đây là một trong nhiều phong trào xuất gia, từ bỏ đời sống thế tục gọi là Sa môn (tiếng Phạn: śramanạ) tìm kiếm sự giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử (saṃsāra).
Ashoka Đại đế (khoảng 304-232 TCN), vị Chuyển luân Thánh vương (Cakkavattì) và đường lối cai trị theo Chính pháp Phật đà, ông đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá triết lý đạo Phật trên khắp đế chế của mình và xa hơn nữa, ủy quyền xây dựng các bảo tháp, các cơ sở tự viện Phật giáo và các cơ sở giáo dục Phật học, đã tạo điều kiện cho Phật giáo lan rộng khắp tiểu lục địa Ấn Độ, và sau đó lan rộng khắp châu Á.

Ảnh: Internet
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Siddhartha Gautama), người sáng lập đạo Phật, theo các ghi chép về thánh tích, là con trai của một nhà cai trị thuộc tầng lớp quý tộc quân sự. Thái tử Siddhartha vì giác tỉnh được bốn khổ sinh già bệnh chết nên đã hùng mạnh xuất gia, tìm cho bằng được nguồn gốc luân hồi. Quan sát thấy rõ sáu căn huyễn hóa, sáu trần ảo ảnh, sáu thức mê lầm. Ngài đã trở về chân tâm bản tính nên đã thành Phật, thoát ly cảnh giới vô thường vô ngã khổ và không, để từ nay vĩnh viễn thường lạc ngã tịnh ở khắp mười phương.
Vì muốn ít và biết đủ luôn là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp tu tập. Nếu không biết thiểu dục và tri túc thì người tu sẽ dễ dàng lạc vào hưởng thụ. Mặt khác, đức Phật chủ trương tránh xa cực đoan khổ hạnh vì lẽ cốt tủy của giải thoát là ở nơi tuệ giác chứ không phải là sự hành hạ thân xác.
Sau khi thức tỉnh trước sự tất yếu của tuổi già, bệnh tật và cái chết, trước tiên ngài từ bỏ cuộc sống xa hoa và sau đó từ bỏ chủ nghĩa khổ hạnh cực đoan mà một số nhóm thực hành.
Ngài nhận ra rằng cả hai cách tiếp cận đều không cung cấp giải pháp sâu sắc cho nỗi đau khổ của con người.
Thay vào đó, Ngài khám phá ra rằng giải thoát có thể đạt được bằng cách tu tâm dưỡng tính thay vì tập trung vào đau khổ hay khoái lạc về thể xác. Giáo lý của ngài kết hợp các ý tưởng triết học về tính vô thường của vạn vật, các nguyên tắc đạo đức nhấn mạnh đến việc buông bỏ sự bám chấp và thể hiện lòng tốt với tất cả chúng sinh, và các phương pháp thiền định nuôi dưỡng chính niệm và sự bình thản.
Phương pháp này đòi hỏi các điều kiện vật chất không quá khoái lạc cũng không quá đau đớn. Ngài gọi phương pháp cân bằng này là Con đường Trung đạo.
Đức Phật đã lập ra một giáo đoàn xuất gia cho các vị tỳ kheo và sau đó là các tỳ kheo ni. Những người tu hạnh xuất gia này đã tìm kiếm sự giác ngộ bằng cách đi theo con đường mà Ngài đã vạch ra. Những người tại gia, nam nữ cư sĩ phật tử đã hỗ trợ cộng đồng tu sĩ và đổi lại, họ nhận được nghiệp tốt và sự hướng dẫn cuộc sống, được cho là sẽ dẫn đến thành công trong cuộc sống này và sự tái sinh thuận lợi.
Vào thời đức Phật, các vấn đề và khái niệm về môi trường hiện đại vẫn chưa được biết đến và Phật giáo lịch sử không trực tiếp đề cập đến chúng. Lối sống trong chốn thiền môn, tu viện Phật giáo, đặc trưng bởi sự độc thân và cuộc sống khiêm tốn, có vẻ bền vững với môi trường theo tiêu chuẩn ngày nay.
Đạo đức của Phật giáo về lòng tốt và việc tránh nghiệp tiêu cực từ việc giết chóc đã dẫn đến, ở nhiều mức độ khác nhau, việc bảo vệ động vật ở Đông Á, đến chế độ ăn chay, một chế độ ăn kiêng các loại thịt, gia cầm và cá.
Phật giáo theo truyền thống nhấn mạnh vào việc nuôi dưỡng từ bi tâm bên trong hơn là tập trung vào các hành động bên ngoài, và nguyên tắc này không phải lúc nào cũng được áp dụng nhất quán trong thực tế.
Ví dụ, một thực hành phổ biến là tụng kinh cộng đồng với lời chúc tốt đẹp đến chúng sinh, nhưng điều này có thể không đi kèm với hành động thiết thực để giúp đỡ những người đang đau khổ.
Việc mua động vật để thả chúng đã trở thành một cách phổ biến để tạo công đức nhưng có thể đi kèm với chế độ ăn uống và lối sống khai thác động vật và bản thân nó cũng có thể liên quan đến việc biến động vật thành hàng hóa và khai thác kiếm lợi nhuận.

Ảnh: Internet
Trong vũ trụ quan Phật giáo, con người chỉ là một trong những loại chúng sinh, bên cạnh động vật, chúng sinh địa ngục, thần linh và ma quỷ. Chúng sinh được tái sinh vào các cõi khác nhau tùy theo nghiệp chướng tích lũy của họ.
Không giống như các tôn giáo Abraham, các tôn giáo độc thần xuất phát từ Tây Á, Phật giáo không coi con người là người cai trị sự sáng tạo mà là bình đẳng với tất cả chúng sinh. Tuy nhiên, được sinh ra là con người được coi là đặc biệt may mắn vì cuộc sống của con người không tràn ngập niềm vui như của các vị thần cũng không đầy đau khổ như của các cõi thấp hơn.
Sự cân bằng này mang lại những điều kiện tốt nhất để tìm kiếm sự giác ngộ. Theo nghĩa này, Phật giáo lấy con người làm trung tâm, và các giáo lý truyền thống không thừa nhận tầm quan trọng của môi trường vô tri vô giác. Tuy nhiên, nhiều nhánh của Phật giáo đã kết hợp các yếu tố vật linh, dẫn đến sự tôn kính đối với các thành tạo tự nhiên và làm mờ đi sự phân biệt giữa các thực thể hữu tình và vô tình.
Sự du nhập và phát triển của Phật giáo ở phương Tây và mối liên hệ của nó với phong trào bảo vệ môi trường.
Kiến thức của phương Tây về Phật giáo đã phát triển thông qua quá trình khám phá, chủ nghĩa thực dân, công tác truyền giáo, nhân chủng học và ngôn ngữ học, thần học. Tuy nhiên, sự quan tâm chủ yếu vẫn là về mặt trí tuệ và nghệ thuật.
Sự tham gia thực tế vào Phật giáo xuất hiện trong Phản văn hóa của những năm 1960 là một hiện tượng văn hóa chống lại sự thành lập và phong trào chính trị phát triển ở thế giới phương Tây vào giữa thế kỷ 20. Nó bắt đầu vào đầu những năm 1960 và tiếp tục cho đến đầu những năm 1970, cũng chứng kiến sự ra đời của phong trào bảo vệ môi trường hiện đại.
Sự phát triển của Phật giáo phương Tây đã phổ quát các đặc điểm như diễn giải Phật giáo theo hướng tương thích với khoa học và triết học phương Tây, nhấn mạnh thiền định và nghiên cứu cá nhân giữa những người cư sĩ phật tử tại gia và áp dụng một phương pháp tiếp cận chủ nghĩa dung hợp, cá nhân hóa kết hợp các yếu tố từ nhiều truyền thống khác nhau (thường là Thời đại mới).
Cả Phật giáo phương Tây và phong trào bảo vệ môi trường đều chỉ trích văn hóa tiêu dùng, trình độ hưởng thụ văn hóa của con người chỉ biết hưởng thụ văn hóa về đời sống vật chất trong đời sống hiện đại.
Trong Phật giáo, chủ nghĩa tiêu dùng được coi là một cách không hiệu quả để giải quyết những nỗi khổ niềm đau của con người.
Trong phong trào bảo vệ môi trường, nó được coi là động lực thúc đẩy sự suy thoái môi trường lấy con người làm trung tâm (do con người gây ra), mất đa dạng sinh học và cạn kiệt tài nguyên - sau này là sự nóng lên toàn cầu. Những người bảo vệ môi trường ban đầu thường đổ lỗi cho các tôn giáo Abraham vì đã nuôi dưỡng một thế giới quan lấy con người làm trung tâm, khuyến khích khai thác thiên nhiên. Ngược lại, họ lý tưởng hóa các truyền thống tôn giáo châu Á, bao gồm cả Phật giáo, là lối sống tối giản, phong cách sống với một số lượng rất ít các vật dụng thiết yếu bằng cách loại bỏ đi những điều không cần thiết hoặc không cần dùng đến, tạo một không gian sống gọn gàng từ đó cuộc sống cũng trở nên đơn giản hơn và hài hòa hơn về mặt sinh thái.
Phật giáo luôn có lập trường kép đối với sự tham gia của xã hội. Một mặt, giáo lý truyền thống nhấn mạnh căn nguyên của mọi khổ đau và sinh tử luân hồi, tầm quan trọng của việc từ bỏ sự ràng buộc và theo đuổi sự giải thoát khỏi luân hồi. Đặc biệt, các nhà sư rút lui khỏi hầu hết các hoạt động xã hội và chính trị.
Trong Phật giáo phương Tây, điều này được phản ánh trong việc tập trung vào việc học tập và thiền định cá nhân, điều này cũng có liên quan đến các ngành công nghiệp tự lực và phúc lợi đương đại. Mặt khác, đạo đức tử tế và từ bi của Phật giáo thường khiến phật tử phản ánh với đau khổ bằng từ bi tâm.
Trong suốt lịch sử, phật tử đã giải quyết các vấn đề cá nhân và xã hội theo nhiều cách khác nhau.
Phong trào hiện đại sử dụng thuật ngữ “Đạo Phật giáo Dấn thân” (Engaged Buddhism) Phật giáo dấn thân xã hội, đề cập đến một phong trào xã hội Phật giáo xuất hiện ở châu Á vào thế kỷ 20, những năm 1960, liên quan đến phong trào hòa bình và phản văn hóa. Những người theo Phật giáo dấn thân nhấn mạnh các khía cạnh của giáo lý Phật giáo khuyến khích hành động xã hội, bao gồm các vấn đề về môi trường.
Phật giáo dấn thân vẫn là một phần nhỏ của Phật giáo phương Tây, bao gồm những phật tử tìm cách áp dụng đạo đức Phật giáo, những hiểu biết thu được từ việc thực hành thiền định và giáo lý của phật pháp vào các tình huống đương đại về đau khổ xã hội, chính trị, môi trường và kinh tế, cũng như bất công.
Mặc dù là một nhóm thiểu số, những phật tử tích cực quan tâm đến các vấn đề môi trường đã có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào môi trường phương Tây. Những nhân vật đáng chú ý bao gồm Tiến sĩ Joanna Macy, tác giả và giáo viên, là một học giả về Phật giáo, tư duy hệ thống và sinh thái học sâu sắc, phát triển các phương pháp xử lý cảm xúc môi trường, nhà thơ Gary Snyder đoạt giải Pulitzer, một giải thưởng của Mỹ, trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn cả là về báo chí và văn học, Gary Snyder, người ủng hộ chủ nghĩa sinh học vùng. Cả hai đều được coi là những người tiên phong của “sinh thái học sâu sắc”.
Những ý tưởng lấy cảm hứng từ Phật giáo đã ảnh hưởng đến chủ nghĩa môi trường đương đại bằng cách thách thức các thế giới quan lấy con người làm trung tâm, chỉ trích tính không bền vững của các mô hình kinh tế xã hội hiện tại và đề xuất các giải pháp thay thế.
Những giải pháp thay thế này nhấn mạnh đến lợi ích của cuộc sống bền vững về mặt môi trường, đơn giản về mặt vật chất, thiền định và từ bi - không chỉ cho hành tinh mà còn cho hạnh phúc của cá nhân và tập thể.
Những ý tưởng như vậy cộng hưởng với các phong trào như sự đơn giản tự nguyện, chuyển dịch xuống và chủ nghĩa chủ nghĩa tối giản (Minimalism), một phong trào nghệ thuật ở New York (Mỹ) được chú ý và phát triển vào những năm đầu thập niên 1960.
Lối sống tối giản cũng giúp chúng ta tiết kiệm thời gian và tài nguyên. Chúng ta thường xuyên phải tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc vào những thứ không cần thiết. Chẳng hạn như mua sắm quần áo hoặc đồ gia dụng mới khi chúng ta vẫn còn có những món đồ tốt và đủ để sử dụng. Lối sống đơn giản, tối giản giúp chúng ta tránh tình trạng lãng phí thời gian và tài nguyên, tập trung vào những hoạt động có ý nghĩa hơn như tạo ra mối quan hệ tốt hơn với gia đình và bạn bè, phát triển sự nghiệp của mình, hoặc thực hiện những hoạt động giúp cải thiện sức khỏe.
Phật giáo phương Tây và chủ nghĩa hoạt động vì khí hậu
Các báo cáo khoa học của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change - IPCC) là một cơ quan khoa học chịu trách nhiệm đánh giá rủi ro về biến đổi khí hậu do hoạt động con người gây ra.
IPCC về sự tiến triển đáng báo động của biến đổi khí hậu và sự không đầy đủ của các phản ứng chính trị đã dẫn đến chủ nghĩa hoạt động vì khí hậu lan rộng vào những năm 2010.
Phong trào Fridays for Future and Extinction Rebellion (XR) nổi lên vào năm 2018, sử dụng các hành động bất tuân dân sự, chẳng hạn như rào chắn đường, để nâng cao nhận thức trong số các nhà hoạch định chính sách và công dân.
Chủ nghĩa hoạt động này đạt đỉnh vào tháng 9 năm 2019, khi hàng triệu người tham gia các cuộc biểu tình vì khí hậu toàn cầu.
Trong khi đại dịch COVID-19 làm giảm đà phát triển của phong trào, chủ nghĩa hoạt động vẫn tiếp tục.

Ảnh: Internet
Một số phật tử phương Tây cũng tham gia vào hoạt động vì khí hậu.
Ngoài ra, nhận thức chung về các vấn đề khí hậu đã tăng lên trong số những người theo đạo Phật, giống như trong các truyền thống tôn giáo khác. Các nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng, chẳng hạn như Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Tenzin Gyatso và Thiền sư Phật giáo Việt Nam kiêm nhà hoạt động vì hòa bình Thích Nhất Hạnh (1926-2022), đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu như một thách thức quyết định đối với nhân loại.
Trong nghiên cứu của mình, tôi thấy rằng các nhà hoạt động vì khí hậu theo đạo Phật phương Tây tham gia vào các cuộc đàm phán tương tự như những người theo đạo Phật dấn thân và phong trào khí hậu rộng lớn hơn.
Nhận thức về biến đổi khí hậu thường mang đến những cảm xúc khó khăn như lo lắng, tức giận, đau buồn và mặc cảm tội lỗi, một trạng thái cảm xúc xung đột giữa tinh thần của các bạn và những nguyên tắc sống của bản thân. Nó cũng có thể tạo ra cảm giác xa cách với những người thân yêu và các thành viên trong xã hội bị coi là thờ ơ.
Giáo lý Phật giáo về vô thường và những nỗi khổ niềm đau vốn có trong luân hồi đã giúp những người tham gia nghiên cứu chấp nhận cuộc khủng hoảng khí hậu đang ngày càng trầm trọng hơn. Đến lượt mình, các hoạt động thiền định đã giúp nhiều người nhận ra, chấp nhận và xoa dịu những cảm xúc khó khăn này.
Tuy nhiên, họ đã phải đấu tranh để hiểu được sự thờ ơ của những phật tử khác. Điều này đã dẫn đến sự chỉ trích đối với một số giáo lý và thực hành Phật giáo được coi là quá thụ động, cũng như những lời kêu gọi cải cách. Nhiều người tham gia nghiên cứu của tôi đã báo cáo rằng các cộng đồng Phật giáo có văn hóa tránh các chủ đề khó và thể hiện những cảm xúc khó khăn. Họ thấy rằng các nhóm phật tử tích cực, đặc biệt là những nhóm bao gồm các nhà hoạt động khí hậu khác, cung cấp sự hỗ trợ xã hội và tình cảm vô giá, thứ tình cảm thiêng liêng, sâu sắc, chân thành và quý báu mà con người dành cho nhau, điều này rất quan trọng cho sự cam kết liên tục của họ đối với Phật giáo.
Một số người cũng muốn đưa các yếu tố môi trường mạnh mẽ hơn vào Phật giáo. Bao gồm các diễn giải theo thuyết vật linh coi trọng môi trường hơn so với các giáo lý truyền thống, cũng như các hoạt động thiền định và nhập thể trong tự nhiên giúp tăng cường mối liên hệ của con người với thế giới tự nhiên.
Một số người tham gia cảm thấy rằng hoạt động vì khí hậu của họ được thúc đẩy bởi những động cơ không bền vững, chẳng hạn như cố gắng xử lý những cảm xúc khó khăn. Họ coi việc thực hành Phật giáo là một cách để phát triển những động lực bền bỉ hơn, chẳng hạn như từ bi tâm.
Nhiều người cũng ngưỡng mộ các nhà hoạt động vì khí hậu vì sự cống hiến của họ. Cuộc nổi loạn tuyệt chủng (Extinction Rebellion, XR), một phong trào bảo vệ môi trường toàn cầu do Vương quốc Anh thành lập, với cam kết bất bạo động, được coi là rất phù hợp với các giá trị và thế giới quan của Phật giáo.
Tuy nhiên, một số người cảm thấy rằng hoạt động vì khí hậu có thể rất mệt mỏi và không cung cấp giải pháp tư tưởng đầy đủ cho cuộc khủng hoảng phát triển bền vững hiện nay hoặc sự trống rỗng về mặt tinh thần mà nhiều người đang trải qua. Họ tin rằng cần có các giải pháp sâu sắc hơn, chẳng hạn như những giải pháp được tìm thấy trong Phật giáo, để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của những vấn đề này.
Kết luận
Tôi hy vọng bài viết này sẽ thách thức và mở rộng hiểu biết của người đọc về mối quan hệ giữa Phật giáo và các vấn đề môi trường hiện nay. Chủ đề này rất phức tạp và Phật giáo không đưa ra các giải pháp hoàn hảo hoặc có sẵn cho cuộc khủng hoảng khí hậu.

Hình minh họa tạo bởi AI.
Thay vào đó, khi nhìn qua lăng kính của những mối quan tâm hiện đại, mối quan hệ truyền thống của Phật giáo với môi trường đã có những tác động trái ngược. Tương tự như vậy, những phật tử lo lắng về cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ gặp căng thẳng khi cố gắng làm cho hài hòa việc thực hành Phật giáo của họ với hoạt động vì khí hậu.
Các cộng đồng Phật giáo có thể hưởng lợi từ việc cung cấp một không gian cho các thành viên thảo luận về các vấn đề và trải nghiệm khó khăn, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến khủng hoảng khí hậu, để thúc đẩy phúc lợi của các thành viên.
Tuy nhiên, giống như nhiều truyền thống khác, Phật giáo có thể đóng vai trò là nguồn cảm hứng để hình dung ra những cách suy nghĩ và sống thay thế, bền vững hơn. Phật giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong phong trào bảo vệ môi trường, tiềm năng rất lớn tiếp tục đóng góp trong tương lai.
* Đôi nét về tác giả
Tác giả Johannes Cairns là Nhà nghiên cứu Collegium (Tiến sĩ, Giáo sư thỉnh giảng) và là trưởng nhóm (https://sites.utu.fi/meg/) trong lĩnh vực khoa học sinh học tại Đại học Turku, Phần Lan và hiện đang hoàn thành luận án Tiến sĩ thứ hai về Chủ nghĩa nhân văn & Môi trường tự nhiên tại Đại học Helsinki, trường Đại học lớn nhất và lâu đời nhất Phần Lan.
Nghiên cứu này tập trung vào các cuộc đàm phán của các nhà hoạt động khí hậu Phật giáo phương Tây.
Tác giả cũng đã nghiên cứu Phật giáo ở Phần Lan, bao gồm cả việc đồng biên tập tuyển tập Buddhalaisuus Suomessa (Phật giáo ở Phần Lan) với Tiến sĩ Mitra Härkönen, do Hiệp hội Phương Đông Phần Lan xuất bản năm 2023.
Các ấn phẩm có liên quan:
Cairns, Johannes. (2024). ’Phases of the Buddhist approach to the environment,’ Journal of Buddhist Ethics: 31. Accessible: https://blogs.dickinson.edu/buddhistethics/2024/02/12/5317/
Cairns, Johannes and Pihkala, Panu. (2024). ’How Western Buddhist climate activists negotiate climate emotions,’ Frontiers in Psychology 15:1487258. https://doi.org/10.3389/fpsyg.2024.1487258
Cairns, Johannes, Pihkala, Panu, and Grönlund, Henrietta. (2024). ‘How Western Buddhists combine Buddhism and climate activism’, Contemporary Buddhism 24:70–109. https://doi.org/10.1080/14639947.2024.2374704
Härkönen, Mitra and & Cairns, J. (2025). Engaged Buddhism in Finland: Too cautious to take action. Journal of Buddhist Ethics 32:27–72. https://blogs.dickinson.edu/buddhistethics/2025/02/01/engaged-buddhism-in-finland/
Tác giả: Johannes Cairns/Việt dịch: Thích Vân Phong/Nguồn: https://secularbuddhistnetwork.org
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/dao-phat-va-khung-hoang-khi-hau.html