Hirono xây dựng ước mơ từ đống tro tàn của thảm họa hạt nhân

Sau sự cố nghiêm trọng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, thị trấn Hirono từng phải sơ tán toàn bộ cư dân, cảnh tượng hoang vắng kéo dài nhiều năm khiến nơi này như bị đóng băng trong ký ức.

Những quả chuối mang tên Kirei (xinh đẹp) - là thông điệp hy vọng của thị trấn Hirono. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Những quả chuối mang tên Kirei (xinh đẹp) - là thông điệp hy vọng của thị trấn Hirono. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Hirono (Fukushima, Nhật Bản), nơi từng bị bao phủ bởi bóng đen của thảm họa hạt nhân năm 2011, đang dần chuyển mình bằng những giấc mơ xanh.

Một trong những biểu tượng hồi sinh mạnh mẽ nhất chính là việc thị trấn này đang trồng chuối, ngay giữa vùng Đông Bắc Nhật Bản lạnh giá.

Sau sự cố nghiêm trọng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, thị trấn Hirono từng phải sơ tán toàn bộ cư dân.

Cảnh tượng hoang vắng kéo dài nhiều năm khiến nơi này như bị đóng băng trong ký ức.

Thế nhưng vào năm 2018, Công ty Xúc tiến Thị trấn Hirono đã triển khai một kế hoạch tưởng như bất khả thi: trồng chuối, loại cây nhiệt đới, tại vùng Tohoku khắc nghiệt.

Một giấc mơ không tưởng giữa lòng Đông Bắc

Ngay từ đầu, dự án trồng chuối đã không chỉ là một sáng kiến nông nghiệp. Theo ông Nakastu Hirofumi, Giám đốc Công ty Xúc tiến Thị trấn Hirono, việc trồng chuối mang trong mình một thông điệp sâu sắc: “Dù Hirono từng bị tàn phá bởi thảm họa, chúng tôi vẫn sẽ gìn giữ và phát triển quê hương, để lại một dấu ấn hữu hình cho thế hệ sau.”

Tháng 7/2019, vụ thu hoạch đầu tiên đã diễn ra, khẳng định rằng giấc mơ ấy hoàn toàn khả thi. Những quả chuối mang tên thân mật Kirei (xinh đẹp), cũng như thông điệp hi vọng mà thị trấn muốn gửi gắm, đã chính thức đến tay người tiêu dùng.

 Khoảng 150 cây chuối giống Đài Loan được trồng tại thị trấn Hirono. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Khoảng 150 cây chuối giống Đài Loan được trồng tại thị trấn Hirono. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Để thích nghi với khí hậu lạnh giá, Hirono đã sử dụng giống chuối Đài Loan, kết hợp cùng “phương pháp đông lạnh - rã đông đánh thức.” Theo đó, hạt giống hoặc cụm tế bào tăng trưởng được đông lạnh ở -60 độ C trong 6 tháng, sau đó được rã đông từ từ để kích thích khả năng phát triển và chống chịu giá rét.

Tính đến năm tài chính 2023, khoảng 150 cây chuối đã được trồng, cho thu hoạch gần 8.700 quả, một thành công đáng kể với một dự án vẫn còn ở giai đoạn đầu.

Không dừng lại ở đó, Hirono còn phát triển kẹo chuối, hợp tác cùng học sinh Trường Trung học Futaba Future School, tạo ra một mô hình sáng tạo kết nối nông nghiệp, giáo dục và cộng đồng.

Tuy nhiên, giấc mơ này không hề rẻ. Chi phí xây dựng nhà kính và giữ nhiệt độ ổn định quanh năm khiến mỗi vụ chuối tiêu tốn khoảng 5 triệu yen (hơn 900 triệu đồng).

 Ông Nakastu Hirofumi, Giám đốc Công ty Xúc tiến Thị trấn Hirono, đang giới thiệu về quy trình đưa chuối, một loại cây trồng nhiệt đới, về trồng tại xứ lạnh của Nhật Bản. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Ông Nakastu Hirofumi, Giám đốc Công ty Xúc tiến Thị trấn Hirono, đang giới thiệu về quy trình đưa chuối, một loại cây trồng nhiệt đới, về trồng tại xứ lạnh của Nhật Bản. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Giá thành sản xuất cho mỗi quả chuối được tính toán ở mức 550 yen (gần 100.000 đồng), trong khi giá bán trên thị trường chỉ từ 200300 yen (36.000-54.000 đồng/quả). Rõ ràng, mô hình này chưa tạo ra lợi nhuận.

Thế nhưng theo ông Nakastu, điều đó không quan trọng: “Chúng tôi không theo đuổi lợi nhuận. Mỗi quả chuối là minh chứng cho tinh thần phục hồi và lòng tự hào về quê hương. Chúng tôi chỉ mong người dân khi cầm trên tay quả chuối Hirono sẽ nhớ đến mảnh đất này, nơi những ước mơ vẫn không ngừng lớn lên từ hoang tàn.”

Biểu tượng của hồi sinh

Hiện tại, Hirono duy trì khoảng 200 cây chuối, sản lượng hằng năm khoảng 10.000-13.000 quả.

Dù quy mô nhỏ, nhưng chuối Hirono đã trở thành biểu tượng mới của sự kiên cường, là cách cộng đồng địa phương thể hiện rằng họ vẫn vững vàng vượt qua thảm họa.

 Chuối được trồng trong nhà kính và được giữ nhiệt độ ổn định quanh năm. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Chuối được trồng trong nhà kính và được giữ nhiệt độ ổn định quanh năm. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Trên từng buồng chuối đang chín dần nơi Hirono, là hơi thở của hy vọng, của niềm tin rằng: từ tro tàn, vẫn có thể nảy mầm những điều đẹp đẽ nhất.

Hirono hôm nay không chỉ hồi sinh, mà còn đang truyền đi thông điệp mạnh mẽ về nghị lực và tình yêu quê hương, thứ mà không một thảm họa nào có thể hủy diệt./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hirono-xay-dung-uoc-mo-tu-dong-tro-tan-cua-tham-hoa-hat-nhan-post1039831.vnp