Đào Quảng Chính chuẩn bị cho Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025
Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch, người dân làng đào Quảng Chính (Quảng Xương) lại tất bật với công việc chăm sóc, xuống lá, nuôi mắt, giúp cây đào ra nụ, kịp khoe sắc đúng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Thanh Hóa nổi tiếng với những vùng đất trồng đào lâu đời, như Xuân Du (Như Thanh), Hợp Lý, Vân Sơn (Triệu Sơn), Quảng Chính (Quảng Xương). Mỗi khi xuân về, sắc hồng phơn phớt của hoa đào phai ở Xuân Du đã trở thành hình ảnh quen thuộc, gắn bó với bao gia đình xứ Thanh trong những ngày tết cổ truyền dân tộc. Nhưng gần đây có một cái tên mới cũng đầy ấn tượng, đó là đào Quảng Chính.
Mặc dù còn khá mới mẻ đối với nhiều người, nhưng với vẻ đẹp tinh khiết và những điểm riêng biệt mà tất thảy những vùng đào nổi tiếng trên đất Thanh Hóa không có được, cánh đào phai Quảng Chính đang dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường, mang lại giá trị kinh tế bền vững, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.
Đào phai Quảng Chính là loại đào vườn cổ, có từ rất lâu đời. Khác với đào phai ở những nơi khác chỉ có 5 cánh, đào phai cánh kép Quảng Chính thường có từ 18 - 41 cánh, xếp thành các lớp dày, đan xen vào nhau tạo thành một màu hồng phai rực rỡ, hương thơm thoang thoảng, lại bền hoa nên rất cuốn hút những người sành chơi đào.
Khoảng những năm 1946 và 1947, một số hộ dân ở thôn Thanh Xuân, xã Quảng Chính trồng đào rải rác trong sân vườn để làm cảnh, phục vụ nhu cầu trang trí tết. Nhưng độ khoảng vài năm trở lại đây, nhờ điều kiện trồng trọt thuận lợi và việc bán đào mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân ở nhiều thôn trong xã đã đưa cây đào xuống trồng ở những khu ruộng lúa cằn cỗi, kém hiệu quả. Nghề trồng đào ở Quảng Chính từ đó được hình thành và phát triển.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Chính Cao Văn Tuấn cho biết: “Hiện nay, diện tích trồng đào của xã lên tới 35ha với khoảng 300 hộ dân tham gia. Trong đó, các thôn Thanh Xuân, Chính Đa và Phú Lương là những nơi tập trung nhiều nhất các vườn đào. Với mức thu nhập bình quân mỗi vụ dao động từ 800 - 1,2 tỷ đồng/ha, tùy thuộc vào chất lượng và số lượng đào bán ra thị trường, việc trồng đào được xem như nguồn sinh kế quan trọng của người dân trong xã.
Để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ sắp tới, bà con nông dân xã Quảng Chính đã sớm lên kế hoạch và triển khai các công đoạn chăm sóc cây từ rất sớm. Các vườn đào hiện đang trong giai đoạn chăm sóc tích cực để đảm bảo cho cây phát triển khỏe mạnh, ra nụ nhiều và hoa nở đúng thời điểm, phục vụ nhu cầu của thị trường.
Vừa tất bật tuốt lá, tỉa cành khô, cành vụn cho cây đào, anh Nguyễn Thanh Thủy, một trong những hộ dân trồng đào khá sớm ở thôn Thanh Xuân, hiện có gần 300 gốc đào, cho biết: Để có một vườn đào đẹp, khoe sắc vào đúng dịp tết, người trồng đào luôn phải tỉ mỉ tính toán thời điểm tuốt lá sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết của từng năm. Đào là loại cây rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, mọi dự đoán của người trồng đào đều có thể bị thay đổi bởi khí hậu. Vì vậy, việc chăm sóc cho mỗi cây đào luôn cần có cả sự tinh tế lẫn kiên nhẫn.
"Tùy theo số năm tuổi cũng như tạo hình, chất lượng bông, nụ của cây đào để đưa ra giá bán khác nhau, nhưng đa phần giao động từ 3 - 5 triệu đồng/cây trở lên. Những gốc đào đẹp được trồng lâu năm giá có thể lên tới vài chục triệu đồng. Nhờ trồng đào, thu nhập trung bình của gia đình tôi mỗi vụ trên 200 triệu đồng", anh Thủy nói.
Thời điểm hiện tại đã có nhiều thương lái đến vườn để đặt mua đào. Điều này không chỉ là tín hiệu vui cho người dân Quảng Chính, mà còn cho thấy nhu cầu thị trường đối với các loại hoa, đặc biệt là đào năm nay sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ.