Nghỉ Tết bao nhiêu thì vừa?
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng, gắn bó sâu sắc với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dư luận đã dấy lên không ít ý kiến tranh cãi về việc nghỉ Tết kéo dài, đặc biệt khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất nghỉ tới 9 ngày vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu một kỳ nghỉ dài như vậy có đang đáp ứng nhu cầu truyền thống một cách hợp lý, hay lãng phí tiền bạc, sức lao động và gây ra nhiều hệ lụy?
Năm nay, Tết Dương lịch và Tết Âm lịch chênh nhau đúng tròn 1 tháng. Mà Tết cổ truyền ở Việt Nam thì rằm tháng Chạp đã rộn ràng lắm rồi. Đến ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp đã coi như là Tết. Thế là vừa nghỉ Tết Dương lịch xong là vừa vặn chuẩn bị Tết cổ truyền.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ kéo dài 9 ngày liên tục. Nghỉ Tết dài thì lợi và hại như nào?
Đương nhiên, theo tiêu chuẩn của nhiều nước văn minh, người lao động càng được nghỉ ngơi nhiều thì càng nhân văn. Chưa kể với người Việt Nam, cái Tết cổ truyền còn hàm chứa bao nhiêu thông điệp về văn hóa, về giữ gìn bản sắc, tập tục, truyền thống.
Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp quan trọng để trở về với gia đình, nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng. Thời gian nghỉ dài sẽ giúp mọi người có nhiều thời gian hơn để sum họp, thư giãn, và tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống. Phía bảo vệ quan điểm nghỉ Tết dài sẽ cho rằng nếu thời gian nghỉ quá ngắn, người lao động khó có thể về quê, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều người làm việc xa gia đình.
Nhưng trái ngược với các quan điểm trên, thì lo ngại về tác động tiêu cực của kỳ nghỉ Tết dài đối với năng suất và kinh tế không phải là không có. Một kỳ nghỉ quá dài có thể dẫn đến sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đối với các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất lao động mà còn tác động tới nguồn thu của nhiều doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, tại một số quốc gia châu Á, kỳ nghỉ lễ cũng được điều chỉnh để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Việc duy trì kỳ nghỉ ngắn không chỉ giúp tiết kiệm chi phí quản lý xã hội mà còn tạo điều kiện để nền kinh tế vận hành liên tục, tránh gây gián đoạn nghiêm trọng cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
Chưa kể tâm lý trước Tết và sau Tết cũng ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh và các dịch vụ công. Tâm lý uể oải là có thật. Đã nhiều năm, kịch bản đón Tết cổ truyền không thay đổi. Đầu và cuối kỳ nghỉ Tết thì tắc đường, trong những ngày Tết thì xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông và các tai nạn khác.
Kỳ nghỉ Tết kéo dài đến 9 ngày là một đề xuất có thể chỉ tính tới một mặt lợi ích cho người lao động, nhưng cần đặt trong bối cảnh của cả nền kinh tế và những vấn đề xã hội khác. Để không chỉ bảo tồn truyền thống, tạo điều kiện cho người dân vui chơi, nghỉ ngơi mà còn tính đến các yếu tố khác của nền kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực.
Mà thực ra giá trị của kỳ nghỉ Tết không nằm ở độ dài, mà ở cách chúng ta hưởng thụ nó một cách có ý nghĩa!
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nghi-tet-bao-nhieu-thi-vua-10294425.html