Đảo Song Tử Tây bị thiệt hại đầu tiên do bão số 9
Ghi nhận ban đầu, bão số 9 đã làm 90% cây xanh ở đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) bị gãy, đổ; không có thiệt hại về người.
10 giờ sáng nay, 19-12, thông tin về tình hình tàu cá, Cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn BĐBP cho biết, các đơn vị BĐBP từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 58.720 tàu/298.360 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, chủ động tránh, trú. Trong đó, 1.570 tàu/10.745 người hoạt động trên biển, còn 57.150 tàu/287.615 người đang neo đậu tại các bến.
Trong số tàu cá đang hoạt động trên biển, 1 tàu của Quảng Ngãi hiện đã neo đậu tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa. 13 tàu/103 lao động khác của tỉnh Quảng Ngãi đang hoạt động ở Bắc Biển Đông, ngoài vùng nguy hiểm.
Ngoài ra, 3 tàu/18 lao động của tỉnh Quảng Bình đang ở Tây Nam đảo Hải Nam, Trung Quốc khoảng 14 hải lý, đang trên hành trình di chuyển vào đảo Hải Nam tránh trú.
Được biết, bão số 9 khi quét qua đảo Song Tử Tây đã gây những thiệt hại ban đầu. Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 9, 2 cột quan trắc gió tại đảo Song Tử Tây đã bị gãy, đổ.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, 90% cây xanh trên đảo Song Tử Tây đã bị gãy, đổ; một số tấm pin mặt trời bị hư hỏng, không có thiệt hại về người.
Để ứng phó với bão số 9, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương, bộ, ngành tiếp tục tổ chức thực hiện Công điện số 1737/CĐ-TTg ngày 16-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 26/CĐ-QG ngày 16-12-2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó tập trung một số nội dung: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 9, gió mùa Đông Bắc và tình hình mưa lũ nhất là tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa.
Kiểm đếm, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, tùy theo diễn biến của bão hoặc vào nơi tránh trú, nhất là các tàu đang ở tại khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa.
Kiên quyết không để người trên tàu thuyền, chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ, đặc biệt là các khu vực trên đảo.
Kiểm tra, sẵn sàng mọi tình huống ứng phó đảm bảo an toàn về người và công trình giàn khoan trên biển.
Sẵn sàng triển khai phương án di dời, sơ tán dân đặc biệt là tại các nhà ở có nguy cơ cao xảy ra mất an toàn, phương án đảm bảo an toàn hồ chứa nước.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.