Đào tạo giám tuyển, bắt đầu từ đâu?

Hiện nay, tại Việt Nam còn rất thiếu những cơ sở đào tạo giảng dạy nghề giám tuyển. Trong năm học 2024 - 2025 tới đây, Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) sẽ có môn học liên quan đến đào tạo giám tuyển nghệ thuật. Báo Nhà báo & Công luận trao đổi với PGS. TS Nguyễn Việt Khôi - Phó Hiệu trưởng nhà trường về quy trình đào tạo này.

+ Giám tuyển có thể được ví như người đỡ đầu cho các dự án, triển lãm nghệ thuật. Họ là những người thầy trong nghề, hiểu sâu về các góc cạnh chuyên môn, tuy nhiên hiện chúng ta còn khá nhiều “lỗ hổng”. Ông đánh giá thế nào về nhân lực thực hành giám tuyển ở Việt Nam hiện nay?

- Mặc dù chúng ta đã có những nhà sưu tập khá tên tuổi và nghệ thuật đã được cho là phát triển hơn trong những năm gần đây, nhưng khái niệm “giám tuyển nghệ thuật” vẫn còn khá mới mẻ.

Hiện nay, còn nhiều người thậm chí còn không hiểu giám tuyển là gì, công việc của họ ra sao. Ngoài ra, phần lớn giám tuyển đang hành nghề ở Việt Nam theo cách không chuyên nghiệp. Họ thường là nghệ sĩ hoặc là những người được học về nghệ thuật ở nước ngoài chứ không có mấy người được đạo tạo về giám tuyển.

Trong khi đối với thế giới, ngành giám tuyển nghệ thuật khá phát triển. Giám tuyển không chỉ có trong các bảo tàng, các viện nghệ thuật mà còn là công việc khá thịnh hành trong phòng tranh của các gia đình giàu có… Ở các bảo tàng lớn, giám tuyển đôi khi còn “to” như giám đốc, họ có văn phòng làm việc, có đội ngũ giúp việc riêng của mình… Và sự cạnh tranh của các bảo tàng không chỉ là các tác phẩm nghệ thuật mà còn là cạnh tranh về nhân lực giám tuyển. Một giám tuyển nghệ thuật ở nước ngoài có rất nhiều cơ hội việc làm, có thu nhập cao, có nhiều đất diễn.

Trong xu thế hội nhập, văn hóa phát triển hơn, tất yếu những tác phẩm nghệ thuật, những di sản cần được sắp xếp theo những chuyên đề, cần được lan tỏa giá trị thì vai trò người giám tuyển sẽ càng được coi trọng. Việt Nam chúng ta không thể đứng ngoài xu thế ấy. Đó là lý do mà chúng tôi rất kỳ vọng, thậm chí “đánh cược” vào ngành giám tuyển ở Việt Nam. Đây sẽ là một công việc mà xã hội sẽ rất quan tâm, biết đến.

+ Để khái niệm giám tuyển sẽ trở nên rõ ràng hơn, góp phần chuyên nghiệp hóa nghề giám tuyển nghệ thuật, theo ông chúng ta cần phải làm gì?

- Muốn chuyên nghiệp hóa ngành giám tuyển, chúng ta phải có những người thầy trước đã, những người đã được đào tạo về giám tuyển, họ chính là những người đào tạo ra những thế hệ kế tiếp.

+ Được biết, tới đây Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật sẽ mở ngành Nghệ thuật thị giác, trong đó thực hành giám tuyển sẽ được đưa ra giảng dạy cho sinh viên. Xin ông cho biết về quy trình đào tạo này?

- Đại học Quốc gia Hà Nội đang hướng tới một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Trường đã có các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học kinh tế, có y, có dược… nhưng thời gian vừa qua còn khuyết mảng nghệ thuật. Do đó, ngày 1/3/2024, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có quyết định chuyển đổi mô hình Khoa các khoa học liên ngành thành Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật. Đây là mảnh ghép hoàn thiện để Đại học Quốc gia Hà Nội thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo đúng chuẩn của thế giới.

 Tọa đàm “Giáo dục nghệ thuật theo hướng đa ngành và liên ngành, từ mô hình Đại học Đông Dương”, giới thiệu về những ngành nghề đào tạo mới của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật.

Tọa đàm “Giáo dục nghệ thuật theo hướng đa ngành và liên ngành, từ mô hình Đại học Đông Dương”, giới thiệu về những ngành nghề đào tạo mới của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật.

Sau khi thành lập, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật đã nhanh chóng hoàn thiện cơ cấu tổ chức. Trên cơ sở 5 tổ bộ môn cũ, trường tổ chức lại thành 4 khoa trực thuộc. Trong đó, ngành Visual Art - Nghệ thuật Thị giác được mở ra với hai chuyên ngành là Nhiếp ảnh nghệ thuật và Nghệ thuật tạo hình đương đại. Chương trình được thiết kế với tổng số 133 tín chỉ trong 4 năm.

Riêng giám tuyển được thiết kế thành môn học riêng, độc lập với khoảng 3 tín chỉ. Tại đây sinh viên được trang bị về lý thuyết nền tảng giám tuyển nghệ thuật đương đại cũng như được “thực chiến” tại các dự án nghệ thuật cũng như những cuộc triển lãm lớn. Cùng với học chuyên ngành, sinh viên còn được đào tạo về ngoại ngữ cùng các kiến thức văn hóa và kỹ năng mềm, thậm chí cả khả năng diễn thuyết trước công chúng.

Về giáo trình, chúng tôi xây dựng trên cơ sở tham khảo 3 chương trình của các đại học top đầu trên thế giới, để hướng tới chuẩn quốc tế. Về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chúng tôi sẽ đảm bảo yêu cầu tốt nhất, các lớp học được tổ chức quy mô nhỏ, số lượng giảng viên/sinh viên sẽ dưới 20 trong khi con số đó ở nhiều nơi thường là trên 20. Theo kế hoạch, trong năm đầu chúng tôi sẽ tuyển sinh 2 chuyên ngành, khoảng 50 sinh viên, con số không nhiều, để đảm bảo chất lượng đào tạo tinh hoa.

+ Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về chương trình đào tạo này?

- Nghệ thuật Việt Nam trước đây thường được nhìn nhận như những lĩnh vực đơn ngành như mỹ thuật, điêu khắc, thiết kế… mà thiếu đi sự gắn kết, chia sẻ. Người học ít có hiểu biết về thực hành nghệ thuật đương đại; việc ra trường làm gì, phát triển nghệ thuật như thế nào thường không được tìm hiểu và định hướng từ sớm.

Hiện nay, khái niệm về mỹ thuật đương đại đã khác. Người thực hành nghệ thuật phải làm việc với nhiều chất liệu, có nhiều cách tiếp cận, có các kỹ năng cần thiết và đặc biệt phải hiểu được quy trình thực hành của mình quan hệ như thế nào với thị trường, với thiết chế nghệ thuật trong tương lai. Do đó, chúng tôi thiết kế chương trình của ngành Nghệ thuật Thị giác có rất nhiều môn mới, trong đó có những môn chưa bao giờ xuất hiện trong chương trình đào tạo mỹ thuật truyền thống. Đó là những môn học tích hợp từ nhiều chuyên ngành, yêu cầu làm việc với 2 - 3 chất liệu trở lên và mang tính cá nhân hóa.

Chúng tôi chưa dám nói là một chương trình đào tạo về giám tuyển vì quá lớn lao, nhưng môn học về giám tuyển sẽ có mục tiêu rõ ràng, đó là đào tạo ra những cử nhân có khả năng tham gia sâu hơn vào đời sống nghệ thuật đang phát triển tại Việt Nam. Họ phải hiểu được cách làm việc với các gallery, có khả năng ứng dụng vào các chương trình, các festival, các biennale nghệ thuật chuyên nghiệp.

 Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật ra mắt chương trình đào tạo Cử nhân Nghệ thuật thị giác, trong đó sinh viên sẽ được làm quen với nghề giám tuyển.

Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật ra mắt chương trình đào tạo Cử nhân Nghệ thuật thị giác, trong đó sinh viên sẽ được làm quen với nghề giám tuyển.

+ Từ trước đến nay, do chưa có trường lớp đào tạo chính thống, thực hành giám tuyển nghệ thuật ở Việt Nam được cho là khá tự phát và nghiệp dư. Nhà trường có kỳ vọng khi những sinh viên ngành Nghệ thuật Thị giác ra trường, sẽ hạn chế được tình trạng này?

- Tôi nghĩ rằng việc đưa một học phần về giám tuyển vào chương trình học khá là quan trọng bởi nó góp phần chính thức hóa ghi nhận công việc cũng như vị trí giám tuyển trong tổng thể bức tranh nghệ thuật ở Việt Nam.

Chúng tôi cũng mong khái niệm giám tuyển được nhìn nhận một cách chính thống trong hệ thống giáo dục, từ đó sẽ là bàn đạp để chúng tôi có thể mời được những giám tuyển chuyên nghiệp cả ở trong nước và quốc tế đến nói chuyện, giảng dạy và chia sẻ với sinh viên. Người học chỉ có thể nhìn thấy tương lai của mình rõ ràng hơn khi được tiếp cận, làm việc với những người chuyên nghiệp.

Cuối cùng, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, không chỉ sau khi ra trường, sinh viên có khả năng đến với nghề giám tuyển chuyên nghiệp mà ngay cả trong năm thứ nhất, thứ hai các bạn có thể đã làm được những chương trình, dự án quy mô nhỏ rồi.

+ Xin cảm ơn ông!

Thế Vũ (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dao-tao-giam-tuyen-bat-dau-tu-dau-post299938.html