Đào tạo & giữ chân người tài

Tròn đúng 10 năm sau hội thảo 'Thừa Thiên Huế - đất học và tài năng' (12/11/2014), Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế lại mở hội thảo khoa học 'Chính sách sử dụng người tài - lịch sử và vấn đề đặt ra' vào ngày 16/11/2024. Vấn đề đặt ra ở đây vẫn là câu chuyện về tài năng và vấn đề sử dụng người tài.

 Giảng viên và nghiên cứu sinh Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Đức Quang

Giảng viên và nghiên cứu sinh Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Đức Quang

Trong lịch sử hơn 700 năm hình thành và phát triển, các thế hệ người dân Huế đã phát huy trí tuệ, công sức để biến vùng đất “Ô Châu ác địa” thành một xứ Huế, như có người đã cảm nhận, giàu bản sắc, đẹp và thơ; hình thành, hun đúc, gìn giữ những phẩm chất quý báu của con người xứ Huế như yêu nước, kiên trung, đoàn kết, hòa thuận, hiếu học, tinh tế, khiêm nhường, mẫu mực, gần gũi với thiên nhiên…

Là Kinh đô dưới Triều Nguyễn, Huế là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước có người thi đỗ đại khoa. Nơi đây có trường Quốc Tử Giám đào tạo nhân tài cho cả nước, cũng là nơi duy nhất của đất nước tổ chức thi cử để cấp bằng tiến sĩ. Tài năng không những được ươm mầm, phát hiện ở Huế, mà đây còn trở thành là nơi quy tụ và tạo thế phát triển cho nhiều tài năng, xứng đáng là cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước.

Thực tế cũng cho thấy, Huế là quê hương của nhiều nhà yêu nước, nhà cách mạng, văn nghệ sĩ tài hoa như Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Trịnh Công Sơn…; là nơi ghi dấu ấn quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của nhiều nhân sĩ, trí thức vốn xuất thân từ những vùng quê khác như Phan Bội Châu, Phan Đăng Lưu... Đặc biệt, Huế là mảnh đất lưu nhiều dấu ấn ân tình với Lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu.

Gần một thế kỷ qua, Thừa Thiên Huế tiếp tục được biết đến với tư cách là một trong những trung tâm giáo dục hàng đầu quốc gia. Thừa Thiên Huế có đội ngũ trí thức phát triển mạnh, xếp thứ 3 toàn quốc, với 250 giáo sư và phó giáo sư, gần 600 tiến sĩ. Đại học Huế là đại học lớn nhất trong số 14 đại học trọng điểm của cả nước. Bệnh viện Trung ương Huế là một trong 4 bệnh viện hạng đặc biệt của quốc gia. Đây là 2 trung tâm thu hút lượng trí thức đông đảo và có chất lượng cao.

Điều đáng nói là cũng đã có những thách thức đặt ra đối với Thừa Thiên Huế trong vai trò là nơi hội tụ nhân tài. Tỉnh cùng Đại học Huế và Bệnh viện Trung ương Huế đã thực thi nhiều chính sách tuyển dụng, thu hút và giữ chân đối với nguồn nhân lực có trình độ cao. Tuy nhiên do nguồn lực không đủ mạnh, sức hút không đủ lớn, đặc biệt có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và gần đây là thành phố Đà Nẵng nên đã và đang có hiện tượng “chảy máu chất xám”.

Trở thành thành phố thứ 6 trực thuộc Trung ương, đô thị Huế được xây dựng trên nền tảng đặc thù bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đó cũng là lý do lý giải vì sao thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã có đến 5 nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Cùng với các nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch; là một trong những trung tâm lớn của cả nước về GD&ĐT đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn; trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN; xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á; Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đặc biệt có Nghị quyết 17- NQ/TU về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nghị quyết 17- NQ/TU của Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng cao, dựa trên các yếu tố cơ bản là trí lực, thể lực, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức. Hình thành đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học - công nghệ hàng đầu ở tầm quốc gia, các nghệ nhân, doanh nhân giỏi trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn và lợi thế; phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi... Suy cho cùng, đó là mục tiêu đào tạo, phát triển người tài cho Huế và cho cả quốc gia.

Trở lại với hội thảo khoa học “Chính sách sử dụng người tài - lịch sử và vấn đề đặt ra”. Yếu tố và kinh nghiệm lịch sử về đào tạo và sử dụng người tài được nhắc đến như một nhiệm vụ đặt ra cho Huế không chỉ với tư cách là một trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương, mà đó còn là nền tảng và điểm tựa cho sự phát triển của đô thị nằm bên đôi bờ sông Hương này.

Đan Duy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/dao-tao-giu-chan-nguoi-tai-149145.html