Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện Thanh Sơn triển khai tích cực, hiệu quả; đối tượng được đào tạo nghề ưu tiên là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, người nghèo, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chị Nguyễn Thị Kim Hà ở khu Mố, xã Yên Sơn chăm sóc vườn chè nhận khoán.

Chị Nguyễn Thị Kim Hà ở khu Mố, xã Yên Sơn chăm sóc vườn chè nhận khoán.

Với 21 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, 61,5% dân số là người DTTS, việc quan tâm, chăm lo, hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội thông qua công tác đào tạo nghề được UBND huyện quan tâm, chỉ đạo sát sao. Hàng năm, các phòng chuyên môn, đơn vị liên qua phối hợp với các xã rà soát, thống kê nhu cầu đào tạo của người lao động trên địa bàn; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề bám sát vào nhu cầu thực tế tại các địa phương, đồng thời triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát. Sau khi tham gia các lớp học, học viên đều áp dụng được ngay vào sản xuất tại gia đình.

Ông Đinh Viết Trường - dân tộc Mường ở xã Tinh Nhuệ, một trong hàng trăm người đã được đào tạo nghề chăn nuôi và trồng cây có múi do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thanh Sơn về tận xã để dạy. Thông qua các lớp dạy nghề, ông Trường đã đổi mới tư duy, áp dụng kỹ thuật đã được hướng dẫn như cách nuôi, chăm sóc lợn nái, thời gian tách đàn, phòng trừ bệnh cho lợn, tiêu độc khử trùng chuồng trại hay kỹ thuật trồng cây có múi, mật độ trồng, tưới nước ra sao...

Ông Trường chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi lợn nái và lợn thịt. Từ khi áp dụng kiến thức vào chăn nuôi, tách lợn nái và lợn con đúng lúc nên lợn phát triển tốt. Mỗi năm, tôi xuất bán khoảng 5 tấn lợn giống và lợn thịt, cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn chăn thả hơn chục con bò, trồng 50 gốc bưởi...”.

Chị Nguyễn Thị Kim Hà ở khu Mố, xã Yên Sơn chia sẻ: “Gia đình tôi nhận khoán 4ha chè. Trước đây, các khâu chăm sóc chè đều là kinh nghiệm của mọi người trong khu hoặc học tập của các hộ xung quanh nên năng suất, chất lượng không cao, lãng phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi được tập huấn kỹ thuật và áp dụng, hiện chất lượng chè cải thiện rõ rệt, năng suất cao, giá bán tăng lên. Nhờ trồng chè và trồng bưởi, nuôi gà chọi gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Nhằm tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo bền vững, huyện đã áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp với nhu cầu, trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu hỗ trợ việc làm cho người dân, ưu tiên các lao động là đồng bào DTTS và người nghèo.

Từ đầu năm đến nay, huyện Thanh Sơn đã đào tạo và liên kết đào tạo nghề được 20 lớp cho hơn 500 học viên, trong đó chủ yếu là nghề phi nông nghiệp như: Hàn, may thời trang, điện dân dụng. Trung bình hàng năm, hơn 1.000 lao động đã được đào tạo, trong đó trên 600 lao động được đào tạo nghề là người DTTS, nâng tổng số lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ trên địa bàn đạt 27,3%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 94%.

Hiện trên địa bàn huyện Thanh Sơn có 2 cơ sở đào tạo nghề gồm: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và Trường Trung cấp nghề đân tộc nội trú Phú Thọ. Cơ sở vật chất, trang, thiết bị đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo nghề từng bước được nâng cao, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Với hình thức đào tạo tại chỗ và đào tạo tại chính địa bàn các xã có lao động đăng ký học nghề đã tạo điều kiện thuận lợi cho lao động tham gia học nghề, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, ăn ở. Đây cũng là một trong những yếu tố tích cực giúp người lao động, đặc biệt là lao động người DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ngọc Tuấn

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/dao-tao-nghe-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-223557.htm