Đào tạo nghề cho người lao động: Trao sinh kế để giảm nghèo bền vững
Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã mang lại hiệu quả thiết thực. Người dân được trao sinh kế, có cơ hội việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống để giảm nghèo bền vững.
Đào tạo nghề để trao sinh kế
Các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị tại Đắk Lắk luôn quan tâm đặc biệt tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tại các địa phương, nhiều lớp đào tạo nghề được tổ chức với các ngành nghề như sửa chữa xe máy, dệt thổ cẩm, may công nghiệp, kỹ thuật nấu ăn, xây dựng dân dụng, điện dân dụng… thu hút đông đảo người dân quan tâm.
Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Krông Pắc tổ chức 4 lớp đào tạo trình độ sơ cấp cho lao động nông thôn, với 127 học viên; đào tạo thường xuyên 5 lớp, với 173 học viên.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, huyện chú trọng công tác phối hợp với một số đơn vị liên quan tuyên truyền về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, huyện điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề và việc làm theo từng nhóm nghề cụ thể, có kế hoạch dạy nghề, giải quyết việc làm phù hợp tình hình thực tế từng địa phương. Huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Trạm Khuyến nông huyện và các trường trong và ngoài tỉnh tổ chức tư vấn, tuyên truyền, tuyển sinh, tập huấn, đào tạo nghề.
Lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm do huyện Krông Pắc tổ chức tại xã Tân Tiến rộn ràng tiếng trao đôỉgiữa học viên và giáo viên phụ trách. Dù mới tổ chức được một tháng nhưng số học viên tham gia đông. Nghệ nhân H’Kim Niê, giáo viên phụ trách lớp học nhiệt tình “cầm tay, chỉ việc” hướng dẫn từng bước cơ bản cho học viên như, ráp sợi, vào khung dệt, dệt hoa văn…
Chị H’Bhiơi Byă, tại buôn Kplang, xã Tân Tiến cho biết, khi nghe thông tin về lớp học nghề, chị cùng 9 chị em trong buôn đã đăng ký tham gia. Tại lớp học, chị và các học viên được học cách để tạo ra sản phẩm truyền thống.
“Chúng tôi rất vui mừng vì đã được học nghề truyền thống. Thông qua lớp học, không những góp phần bảo tồn được nét văn hóa truyền thống của dân tộc địa phương mà còn giúp tôi có nghề nghiệp để cải thiện, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế sau này”, chị H’Bhiơi Byă chia sẻ.
Nghệ nhân H’Kim Niê, giáo viên phụ trách lớp học cho biết, lớp học được tổ chức vào giữa tháng 4/2024, với 35 học viên nữ tham gia. Tại lớp học, đa phần chị em đều chưa biết về nghề thổ cẩm. Qua 300 tiết học, học viên sẽ làm hoàn chỉnh được váy, áo. Người tiếp thu nhanh sẽ dệt được váy, áo, vải đẹp… và bán với giá thành cao, tạo nguồn thu nhập ổn định.
Anh Y Nghiêm Byă, tại buôn Ê Căm, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) được địa phương giới thiệu tới lớp học nghề đào tạo xây dựng. Anh Y Nghiêm Byă Sau cho biết, sau khóa học, anh được chính quyền địa phương hỗ trợ 60 triệu đồng mua máy móc và cùng 19 thanh niên trong buôn thành lập tổ hợp tác xây dựng. Điều đáng mừng, tổ hợp tác thường xuyên nhận được công trình nên tạo việc làm ổn định cho các thành viên, với mức thu nhập 4 - 8 triệu đồng/tháng.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2021 đến nay, Sở tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch, phương án trong đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, tư vấn việc làm cho người lao động. Đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho trên 92.000 người; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 14.300 người; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn hơn 7.000 người (người dân tộc thiểu số hơn 6.000 người), tổng kinh phí đào tạo hơn 23 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Quang Thuân khẳng định, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở lớp đào tạo nghề theo nhu cầu của người học và gắn với phát triển kinh tế - xã hội từng vùng, địa phương. Sau đào tạo, có trên 80% người lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập cao hơn.
Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm
Tỉnh Đắk Lắk có dân số hơn 1,9 triệu người; lực lượng trong độ tuổi lao động là gần 1,2 triệu người (chiếm 58,4% dân số). Toàn tỉnh có 44 trường đào tạo nghề, trong đó có 20 trường công lập. Giai đoạn 2010-2020, tỉnh Đắk Lắk tuyển sinh đào tạo nghề cho khoảng 284.300 người, gồm các hình thức đào tạo dưới 3 tháng, trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là trên 35.600 người (người dân tộc thiểu số là 27.035 người), kinh phí hỗ trợ trên 105 tỷ đồng.
Nhà nước có những chính sách cụ thể hỗ trợ người dân, đặc biệt lao động dân tộc thiểu số. Ngoài hỗ trợ chi phí đào tạo, đi lại... lao động đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ 5 triệu đồng, lao động đào tạo dưới 4 tháng được tổng mức hỗ trợ 7 triệu đồng. Sau đào tạo, người lao động sử dụng nguồn này để phát triển kinh tế gia đình, ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh thông tin thêm.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, để làm tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, trong thời gian tới, cần nhiều chính sách đồng bộ. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện theo các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có các tiểu dự án liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động. Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình, hướng dẫn. Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cần thực hiện đồng bộ các chính sách trong lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc, tuyên truyền, vận động của tổ chức hội, đoàn thể, giúp người lao động hiểu, xác định rõ ngành, nghề đào tạo; có phương án đồng bộ trong thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Kỳ vọng thời gian tới, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự vào cuộc của các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, người lao động, công tác đào tạo nghề sẽ sát tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh, ông Thuân chia sẻ.