Đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới ở miền núi xứ Thanh
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa những năm qua luôn được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đặc biệt chú trọng. Đào tạo nghề từng bước được nâng cao, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM).
Thực tế xây dựng NTM thời gian qua cho thấy, kinh tế HTX, nếu phát triển đúng hướng sẽ là động lực thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM. Các HTX khu vực miền núi đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.
Nhiều HTX đã tiên phong trong công tác đào tạo nghề, dạy nghề không chỉ góp phần giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí 13 mà còn góp phần hoàn thành tiêu chí về thu nhập, tạo việc làm cho người lao động trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng
Là huyện miền núi, nên khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện Như Thanh gặp không ít khó khăn. Xác định xây dựng NTM là trách nhiệm của mỗi người dân, do nhân dân và vì nhân dân, nên khi huyện tuyên truyền, vận động, nhân dân các địa phương đã chung sức, đồng lòng cùng chính quyền tham gia xây dựng NTM. Do vậy, hơn 10 năm qua, huyện đã huy động được trên 2.300 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó riêng năm 2022, tổng giá trị huy động xây dựng NTM toàn huyện đạt trên 442 tỷ đồng.
Đặc biệt từ khi thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai ở huyện miền núi Như Thanh, cơ sở vật chất được hỗ trợ đầu tư, thiết bị đào tạo được cải tiến, đồng thời khuyến khích được các HTX tham gia công tác đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, thực hiện được tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM.
HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng, xã Yên Thọ đang là mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng NTM ở địa phương. Để có được kết quả đó, HTX chú trọng công tác đào tạo nghề cho thành viên, người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững.
Theo Giám đốc Lê Đình Trúc, không chỉ gây dựng, phát triển tốt mô hình trồng nấm, những năm qua, HTX Trúc Phượng tiếp tục trở thành nơi học nghề, trao đổi kinh nghiệm về nghề trồng nấm cũng như hướng dẫn kinh doanh, xây dựng thương hiệu nấm trên thị trường.
Ngoài việc đào tạo về kỹ thuật, HTX còn đào tạo người lao động xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị, đồng thời cung cấp các nguồn giống, hướng dẫn cách thức tổ chức quản lý và bao tiêu sản phẩm nấm.
Chị Nguyễn Thị Vinh, lao động tại HTX, cho biết trước đây chị không có công việc ổn định. Sau khi được giới thiệu, chị đã xin vào HTX Trúc Phượng để vừa học nghề vừa thực hiện trồng nấm. Sau thời gian học hỏi và xin làm việc tại HTX, hiện chị đã nắm được các kỹ thuật sản xuất nấm và có mức thu nhập ổn định mỗi tháng.
Nhiều người khác chia sẻ, trước khi vào làm việc cho HTX, họ đều là những lao động phổ thông, chưa có trình độ tay nghề. Thế nhưng, được HTX quan tâm, tạo điều kiện, trong quá trình vừa học vừa làm, họ đã trở thành những “hạt nhân” để duy trì sự phát triển của HTX.
Nâng "chất" đào tạo nghề gắn với nâng cao tiêu chí NTM
Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến nay, trên địa bàn 11 huyện miền núi có 58 xã, 635 thôn, bản đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 46 thôn, bản NTM kiểu mẫu và có 62 sản phẩm OCOP được công nhận.
Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi đạt 34,6 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,99%, vượt 0,29% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 7,33%, vượt 4,33% kế hoạch.
Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ổn định và từng bước được cải thiện, kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường; lĩnh vực giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ, giá trị văn hóa dân tộc tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy; công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong khu vực miền núi được tăng cường, hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn khu vực miền núi là một trong những yếu tố quan trọng giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững. Những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề, qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cũng theo ông Bùi Công Anh, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn khu vực miền núi trong giai đoạn hiện nay là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Thời gian tới, để nâng cao trình độ cho lao động, công tác đào tạo nghề cần phải bám sát với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh để đạt được hiệu quả thiết thực.
Muốn vậy, nội dung đào tạo nghề cần hướng vào thực tiễn, gắn với nhu cầu của địa phương, HTX và của xã hội. Nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo phải phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm vùng miền, đề án tái cấu trúc nông nghiệp và xây dựng NTM cũng như điều kiện của người học nghề.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và giáo viên dạy nghề, nâng cao chất lượng, đảm bảo cơ cấu và số lượng, thu hút cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề, nông dân sản xuất giỏi... tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn khu vực miền núi.
“Có thể khẳng định, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn khu vực miền núi Thanh Hóa những năm qua đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chất lượng lao động ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng NTM”, ông Bùi Công Anh chia sẻ.