Đào tạo nghề hiệu quả cho đồng bào dân tộc
Đồng bào Khmer ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 94% tổng số người Khmer trong cả nước), có rất nhiều đặc thù về văn hóa và lao động sản xuất. Số hộ người Khmer nghèo và tái nghèo cao hơn so với dân tộc khác trong vùng và so với mức bình quân chung cả nước.
Chính vì vậy, việc đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và cho phụ nữ Khmer nói riêng là rất cấp thiết và cần có những giải pháp đặc thù để mang lại hiệu quả.
Tích cực hóa học tập
TS Nguyễn Thị Ngọc Thảo, Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng cho biết: Đào tạo nghề ở các lớp ngắn hạn là một quá trình dạy học đặc biệt vì bản thân học viên mang nhiều nét đặc thù của nhiều nhóm yếu thế khác nhau, như: “Phụ nữ”, “người dân tộc thiểu số”, “người nghèo” và “sống ở vùng khó khăn”.
Phụ nữ Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn có những đặc điểm bất lợi khác gây trở ngại cho việc học nghề như: Trình độ học vấn phổ thông rất thấp do ảnh hưởng định kiến giới, vì vậy khả năng tiếp thu và ghi nhớ bài học rất hạn chế. Rất dè dặt khi tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật mới, thụ động và mặc cảm về năng lực học tập của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình, nhu cầu và động cơ học nghề chưa cao…
Với những khó khăn, hạn chế nêu trên, TS Nguyễn Thị Ngọc Thảo cho rằng: Cần tích cực hóa hoạt động học tập của phụ nữ Khmer, giúp người học xây dựng động cơ học tập đúng đắn và có động lực phấn đấu vươn lên; Rèn luyện sự tự tin để vượt qua trở ngại tâm lý và khả năng nhận thức, nâng cao kết quả học nghề.
Một trong những giải pháp quan trọng nhằm tích cực hóa hoạt động học nghề của phụ nữ Khmer là giải pháp: Xây dựng động cơ học tập đúng đắn cho học viên. Nắm bắt khả năng, nhu cầu và nguyện vọng của người học, qua đó, giúp học viên thấy được lợi ích thiết thực của việc học nghề để thay đổi tích cực cuộc sống của bản thân và gia đình.
Thúc đẩy học nghề gắn với việc làm
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh: Đào tạo nghề cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục nghề nghiệp đã có những chính sách cụ thể như: Xây dựng trường, lớp, đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ chi phí đào tạo, để tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận học nghề… Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các khu vực này.
Theo TS Nguyễn Thị Ngọc Thảo, nhiều phụ nữ Khmer chưa nói thông thạo tiếng Việt, trong khi hầu hết giáo viên là người Kinh không nói được tiếng Khmer, đây cũng là một rào cản lớn cho việc tiếp thu kiến thức của phụ nữ Khmer…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Trình độ học vấn của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào; cơ sở vật chất, trường, lớp còn chưa đạt yêu cầu. Cùng với đó, thị trường lao động của khu vực này còn kém phát triển, trong khi người dân thường không muốn đi xa quê hương và mong muốn việc làm tại chỗ.
Thu hút người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học nghề, gắn với việc làm, Tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cho rằng: Cần tăng cường nguồn lực cho việc xây dựng trường, lớp bán trú, đầu tư cơ sở vật chất phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương, qua đó thu hút các đối tượng người lao động và con em đồng bào dân tộc tham gia học nghề.
Đầu tư phát triển sản xuất vào khu vực người dân tộc để tạo việc làm cho người học. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cần đưa công nghệ canh tác mới vào khu vực này. Trên cơ sở đó, thúc đẩy người lao động học tập, nâng cao trình độ nghề nghiệp, yên tâm làm việc tại quê hương.