Đào tạo nghề nông thôn, giúp đồng bào có việc làm, thu nhập

10 năm qua, việc đào tạo nghề nghiệp tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo việc làm, giúp người dân tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tăng cường đào tạo nghề

Giai đoạn 2011- 2020, tỉnh đã bố trí gần 52 tỷ đồng để đào tạo nghề cho người dân vùng nông thôn. Toàn tỉnh mở 495 lớp, đào tạo cho 17.243 người dân học nghề sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Nghề sản xuất nông nghiệp chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi và phi nông nghiệp như dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, may mặc, nấu ăn, điện dân dụng, sửa chữa máy móc…

 Đào tạo nghề dệt thổ cẩm giúp người dân có công ăn việc làm

Đào tạo nghề dệt thổ cẩm giúp người dân có công ăn việc làm

Qua thống kê của Sở Lao động, Thương binh - Xã hội tỉnh, sau khi học nghề, người dân áp dụng kiến thức đã học nên tạo dựng được nghề nghiệp với tỷ lệ khá cao. Đối với lĩnh vực nghề nông nghiệp, số lượng người có việc làm ổn định đạt 72 - 82%, còn phi nông nghiệp đạt 65- 82%. Trong tổng số hơn 17.200 người được đào tạo, tỷ lệ lao động nữ chiếm 40-47%. Đặc biệt, có khoảng 60% là người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học nghề tại 15 trung tâm đào tạo tại 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Việc tập trung cho công tác đào tạo nghề tại vùng nông thôn đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại những vùng sâu, vùng xa. Người dân phát huy được khả năng nghề nghiệp của riêng mình để có thêm việc làm, thu nhập.

Đời sống được nâng lên

Anh Y Kơ ở xã Thuận An (Đắk Mil) là một điển hình của việc phát huy khả năng sau khi được học nghề. Trước năm 2020, anh không có nghề nghiệp, cuộc sống gia đình gặp nhiều vất vả, kinh tế không ổn định. Đầu năm 2020, anh tham gia lớp học nghề điện dân dụng do tỉnh tổ chức và hỗ trợ kinh phí. Sau 3 tháng được học nghề, anh mở dịch vụ lắp đặt điện mặt trời cho người dân trên địa bàn.

Với những kiến thức được dạy và học hỏi thêm những người từng làm, tay nghề của anh Y Kơ ngày càng cao, khách hàng tìm đến với nhu cầu lắp đặt điện năng lượng mặt trời phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Nhờ vậy, anh có công ăn việc làm, thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng.

Anh Y Kơ cho biết: “Nếu không có sự hỗ trợ về đào tạo nghề của tỉnh, chắc chắn mình không có nghề nghiệp ổn định, trong khi đó gia đình không có nương rẫy. Nhờ học nghề, mình có việc làm, thu nhập cao hơn gấp 3 lần so với trước đây, có điều kiện lo cho gia đình, con cái học hành và đang tính chuyện xây dựng nhà, mua sắm các vật dụng, phục vụ sinh hoạt”.

 Được học nghề nông nghiệp, người dân biết áp dụng kỹ thuật chăm sóc, nâng cao năng suất cây trồng

Được học nghề nông nghiệp, người dân biết áp dụng kỹ thuật chăm sóc, nâng cao năng suất cây trồng

Tương tự, ở các địa phương có rất nhiều trường hợp sau khi được học nghề đã có công ăn việc làm, mang lại nguồn thu nhập khá cao. Điển hình, chị Mai Thị Phúc ở thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) mở dịch vụ nấu ăn; anh Nguyễn Văn Trung ở xã Nam Dong (Cư Jút) thành lập tổ hợp tác chăn nuôi với thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng.

Sau khi được đào tạo nghề, nhiều người dân còn tự liên kết với nhau để thành lập các tổ hợp tác kinh doanh các hàng hóa phục vụ thị trường cũng như cung cấp sản phẩm du lịch.

Điển hình, sau khi được học nghề, 4 người dân tại xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) liên kết với nhau để sản xuất rượu cần cung cấp thị trường, người tiêu dùng vào những dịp lễ tết. Cũng tại xã Đắk Nia, sau khi được đào tạo nghề dệt thổ cẩm, 8 thành viên liên kết với nhau sản xuất các mặt hàng thổ cẩm để cung cấp ra thị trường, mang lại nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bà Quản Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia cho biết: “Việc đào tạo nghề cho người dân vùng nông thôn mang lại hiệu quả nhất định, giúp bà con có việc làm ổn định, có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, nhất là đối với người dân tộc thiểu số”.

Bài, ảnh: Phạm Khánh

2,883

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/xa-hoi/dao-tao-nghe-nong-thon-giup-dong-bao-co-viec-lam-thu-nhap-83891.html