Đào tạo nhân lực đón cơ hội từ ngành công nghiệp bán dẫn
Với nhiệm vụ xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030 vừa được Chính phủ giao, Bộ KH&ĐT đề xuất 3 trụ cột chính đào tạo nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp mới này.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 ngày 30/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như chuyển công tác của Thủ tướng Chính phủ đến Mỹ trong thời gian vừa qua đã mở ra rất nhiều cơ hội, trong đó có cơ hội phát triển KHCN và ngành công nghiệp mới - công nghiệp bán dẫn. Đây là một trong những ngành công nghiệp đang chiếm ưu thế.
Ngành công nghiệp chip bán dẫn là ngành hết sức mới ở Việt Nam. Vì mới nên cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đón nhận và phát triển một cách hiệu quả. Trong đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực là khía cạnh mang tính chất nền tảng.
Thủ tướng Chính phủ vừa mới giao nhiệm vụ cho Bộ KH&ĐT khẩn trương xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030. Qua sơ bộ nghiên cứu, Bộ đề xuất 3 trụ cột chính đào tạo nhân lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn.
Trụ cột đầu tiên mang tính lâu dài, dài hơi để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là đào tạo đại học. Để đào tạo được các kỹ sư, tiến sĩ, thạc sĩ giỏi về bán dẫn thì bắt buộc phải đào tạo đại học, đòi hỏi sự hợp tác của ba đối tác hết sức quan trọng.
Đầu tiên là Nhà nước cần có cơ chế tạo điều kiện cho các trường đại học, các viện đào tạo số lượng sinh viên đủ để phục vụ trong ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện nay Việt Nam vẫn còn thiếu hụt lực lượng này.
Đối tác thứ hai cần tập trung đó là các viện và các trường đại học. Rõ ràng đối với các viện và các trường đại học, phải có một kế hoạch mang tính chất dài hơi là mở thêm các khoa, phòng đào tạo.
Có thể thuê mướn hoặc hợp tác với các trường trên thế giới để có nguồn giáo viên dạy học sinh, sinh viên Việt Nam về công nghiệp bán dẫn. Trên cơ sở đó mới thu hút sinh viên đăng ký học các khoa này.
Và nhóm đối tác thứ ba hết sức quan trọng, nếu không đào tạo sẽ lãng phí, không sử dụng được, đó chính là doanh nghiệp trong công nghiệp bán dẫn.
“Trong hai chuyến thăm vừa rồi của Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Chính phủ, rất mừng là có nhiều doanh nghiệp chip bán dẫn của Mỹ rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, bày tỏ ý định sẽ đầu tư tại Việt Nam. Không những thế, họ còn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để có các hoạt động ở Mỹ”, Thứ trưởng Phương chia sẻ.
Trụ cột thứ hai hết sức quan trọng mà hiện nay Việt Nam còn thiếu là đào tạo kỹ sư, người lao động, tức các kỹ thuật viên, những người cụ thể làm việc trong lĩnh vực này.
Trụ cột cuối cùng là huy động nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam. Việc thu hút nhân tài trong công nghiệp bán dẫn, đặc biệt ở Việt Nam, là việc hết sức quan trọng bởi vì một nhân tài có thể dẫn dắt được hàng chục, hàng trăm người đi theo.
“Với ba trụ cột này, Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương, các doanh nghiệp, các nhà khoa học cố gắng hoàn thành đề án theo đúng tiến độ đề ra”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.
Trước đó, ngày 29/9, tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit) với chủ đề "Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn.
Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ rằng, Việt Nam cần xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn cho các tập đoàn bán dẫn hàng đầu, cũng như các chính sách đầu tư hợp lý, cung cấp các tiện ích cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.
"Trong tương lai, chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu. Chính phủ sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các tập đoàn bán dẫn hàng đầu trong việc thực hiện tầm nhìn và mục tiêu phát triển củaViệt Nam", Bộ trưởng nói.